Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao (24-3): 'Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao'

'Đó là chủ đề của phòng chống lao năm 2024 của Việt Nam nhưng đó cũng là lời 'hồi đáp', hưởng ứng mạnh mẽ chủ đề của thế giới, khẳng định những nỗ lực, quyết tâm, khát vọng ở mức cao nhất của Việt Nam trong công tác phòng chống lao, khẳng định mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam là hoàn toàn có thể', TS Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình chống lao Quốc gia khi trao đổi với báo chí nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24-3.

Phóng viên (PV): Trong năm 2023, số người bệnh phát hiện lao tăng lên đáng kể trong cộng đồng. Đây có phải là thực trạng đáng lo ngại không, thưa ông?

TS Đinh Văn Lượng: Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. Mỗi năm, nước ta có khoảng 9.200 ca bệnh nhân lao đa kháng thuốc mới mắc. Số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Như vậy, có gần 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị hoặc chưa báo cáo. Ngoài ra, trong 2 năm diễn ra dịch Covid- 19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện giảm nhiều đã đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu. Dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề, tốc độ giảm quá chậm và kinh phí đầu tư cho công tác chống lao còn rất thấp, chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng.

TS Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình chống lao Quốc gia.

TS Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình chống lao Quốc gia.

PV: Chúng ta đang hướng tới phát hiện lao nhiều hơn nữa và dựa vào y tế cơ sở. Vậy việc xây dựng mạng lưới phòng, chống lao tại tuyến y tế cơ sở đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

TS Đinh Văn Lượng: Hiện tại, Chương trình chống lao Quốc gia đang triển khai nhiều sáng kiến tiếp cận kỹ thuật mới, mang tính chiến lược, bao gồm hoạt động phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế.

Trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy hoạt động này chỉ có thể đạt được hiệu quả tối ưu khi có sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của hệ thống y tế tuyến cơ sở. Điều này rất phù hợp Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25-10-2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Đồng thời, Bệnh viện Phổi Trung ương xây dựng tài liệu “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - Tăng cường vai trò của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” nhằm chuẩn hóa và đồng bộ hoạt động phát hiện chủ động và tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp trên toàn quốc, phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng trong công tác phòng, chống lao. Sau khi được Bộ Y tế phê duyệt, cuốn tài liệu sẽ sớm phổ biến triển khai trên phạm vi toàn quốc. Đây cũng là cơ sở để các địa phương tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035.

Điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh bệnh viện cung cấp

Điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh bệnh viện cung cấp

PV:Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, Chương trình Chống lao Quốc gia đã triển khai những chính sách gì, thưa ông?

TS Đinh Văn Lượng: Để tiến tới chấm dứt bệnh lao, WHO cũng như Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam hy vọng vào những đột phá mới như: Thuốc mới, phương pháp điều trị mới, công nghệ mới…, đặc biệt là vaccine phòng bệnh lao. Từ rất lâu, WHO đã đưa ra khuyến cáo là đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng bệnh. Đến thời điểm hiện nay, có 16 loại vaccine lao đã được nghiên cứu các thử nghiệm lâm sàng, trong đó vaccine M72 là nghiên cứu ít nhất 1 lần tiêm đã đạt qua được mức khuyến cáo của WHO với độ bảo vệ khoảng 50%. Việt Nam được lựa chọn là 1 trong 7 quốc gia để triển khai nghiên cứu vaccine này. Các quốc gia được lựa chọn để triển khai nghiên cứu về vaccine là những quốc gia có khả năng về nghiên cứu, đồng thời cũng là những nước có gánh nặng bệnh lao cao. Dự kiến các hoạt động thử nghiệm lâm sàng sẽ tiến hành tại Việt Nam đầu năm 2024. Các quy trình kỹ thuật đều được thực hiện dưới sự giám sát của WHO. Vaccine ngừa lao mới này có sự khác biệt hẳn so với vaccine ngừa lao đang được sử dụng tiêm chủng cho trẻ hiện nay.

 Các đại biểu nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao.

Các đại biểu nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao.

Với thời gian điều trị bệnh lao kéo dài từ 6 đến 8 tháng, thậm chí lên tới 2 năm nếu là lao kháng thuốc, cùng với nhiều bệnh lý kèm theo, nên chi phí điều trị cho một bệnh nhân là rất lớn. Do đó, từ tháng 7-2022, thuốc chống lao từ nguồn quỹ Bảo hiểm y tế được cấp cho bệnh nhân lao trên toàn quốc đã đánh dấu cột mốc quan trọng, nhằm bảo đảm tài chính cho chương trình điều trị lao tại Việt Nam. Đồng hành với Bảo hiểm y tế là Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB. Từ khi hoạt động tới nay, Quỹ đã hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế, đồng chi trả chi phí điều trị nội trú, ngoại trú cho gần 9.000 người bệnh lao nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước, với số tiền gần 10 tỉ đồng. Giúp họ vượt qua những ảnh hưởng, mặc cảm về bệnh tật, sớm hòa nhập với cộng đồng.

PV:Trân trọng cảm ơn ông!

TẠ NHƯ QUỲNH (ghi)

Y tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/nhan-ngay-the-gioi-phong-chong-lao-24-3-dung-viet-nam-co-the-cham-dut-benh-lao-769745