Nhân Ngày Công tác xã hội Việt Nam (25-3): Chung tay trợ giúp người kém may mắn

Cùng với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, cơ sở y tế công lập, các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) dân lập, phòng khám y học cổ truyền do các cơ sở tôn giáo vận hành đang san sẻ gánh nặng với cộng đồng, giảm tải cho nguồn lực nhà nước trong chăm lo cho người yếu thế.

Đại đức Thích Nhuận Hành, trụ trì chùa Hoàng Mai (thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ) bốc thuốc cho người bệnh. Ảnh: S.Thao

Theo Sở Lao động, thương binh và xã hội, toàn tỉnh có 14 cơ sở BTXH dân lập được nhà nước công nhận đang nuôi dưỡng, chăm sóc 1,1 ngàn trường hợp trẻ em mồ côi, trẻ khuyết tật, người cao tuổi. Đồng thời, tỉnh còn có hàng chục cơ sở y học cổ truyền chuyên phục vụ miễn phí nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

* Tình nguyện vì cộng đồng

Tại trụ sở của Dòng nữ tỳ Thánh Thể Việt Nam (phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa), ngoài trẻ em bình thường còn nhận chăm sóc trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ. Theo nữ tu Phan Thị Bích Dung, Giám tỉnh Dòng nữ tỳ Thánh Thể Việt Nam, bình thường thì không sao nhưng khi tâm trạng không tốt, một vài trẻ hất cả muỗng cơm hay phun cơm lên mặt người chăm sóc rồi quậy phá... Nhiều trẻ không tiếp xúc hay giao tiếp với ai khi ở nhà và cả khi mới đến đây nên các nữ tu phải dành nhiều thời gian trò chuyện, chăm sóc các em.

Bên cạnh chăm sóc người kém may mắn ở các cơ sở BTXH tương tự như: các dòng tu Công giáo, những y sĩ là các nhà tu hành Phật giáo đang hàng ngày hỗ trợ khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc, châm cứu miễn phí giúp người bệnh. Điểm đáng chú ý là sau những giờ khám bệnh, làm công tác phật sự, các nhà sư còn trở thành những nông dân khi xắn tay áo cầm liềm tìm các loại cây cỏ dùng trong y học.

Ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8-2024 có chủ đề: Công tác xã hội Việt Nam - tiên phong - chuyên nghiệp - kết nối.

Đại đức Thích Nhuận Hành, trụ trì chùa Hoàng Mai (thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ) đang vận hành phòng khám y học từ thiện nhân đạo tại chùa cho hay, vì mang tính chất miễn phí nên ngoài việc bá tánh đóng góp thuốc, nhà chùa phải tự tìm thêm trong tự nhiên một số vị thuốc. Vì vậy, vào dịp cuối tuần, nhà chùa cùng các phật tử nòng cốt thường xuyên tổ chức các chuyến đi trong cũng như ngoài tỉnh để tìm thuốc. Sau đó, cây thuốc được đem về cắt khúc, phơi khô, đóng gói để chuẩn bị kê đơn cho người bệnh.

* Nhiều hoạt động ý nghĩa

Theo linh mục Trần Xuân Thảo, Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, Công giáo Đồng Nai đang tham gia vận hành trên 200 cơ sở BTXH, cơ sở giáo dục các cấp. Tại nhiều cơ sở, các nam nữ tu sĩ ngoài nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, còn nhận trẻ em trong cộng đồng đến học miễn phí hàng ngày, nhất là các em theo cha mẹ từ các tỉnh đến làm thuê tại Đồng Nai. Như tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi giáo xứ Hà Nội (thành phố Biên Hòa), 6 nữ tu đang chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ, học hành cho 30 trẻ em, đồng thời còn dạy văn hóa cho 120 trẻ em bên ngoài.

Thành viên Tổ từ thiện Đông y đình Phước Lư (thành phố Biên Hòa) sơ chế thuốc phục vụ người dân miễn phí.

Theo thượng tọa Thích Huệ Khai, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Đồng Nai hiện có 7 ngàn tăng, ni. Ngoài thực hiện việc tu học, các tăng, ni còn là những tình nguyện viên trợ giúp cộng đồng trong cuộc sống hàng ngày bằng những hoạt động từ thiện nhân đạo. Năm 2023, tổng giá trị hoạt động nhân đạo do Phật giáo Đồng Nai thực hiện cao nhất cả nước.

Bên cạnh đó, chức sắc, chức việc, phật tử còn đảm nhận vai trò tình nguyện viên công tác xã hội để làm những công việc vì cộng đồng như: duy trì những bếp cơm tình thương dành cho học sinh, người bệnh điều trị nội trú tại bệnh viện; trợ giúp viện phí dành cho người nghèo, gia đình hoàn cảnh khó khăn, người bị tai nạn…

Đặc biệt, chức sắc, chức việc các tôn giáo tại Đồng Nai còn phát huy vai trò kết nối, tiên phong, chuyên nghiệp trong hoạt động bảo vệ môi trường thông qua việc khởi xướng, duy trì thả cá phóng sinh, trồng cây xanh tạo cảnh quan tại cơ sở thờ tự và khu dân cư.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang, cho hay bằng nhiều hình thức, các tôn giáo đã cùng chính quyền chăm lo cho đời sống của người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn khác. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là khuyến khích nguồn lực xã hội tham gia đầu tư vào xây dựng đất nước. Việc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh mong muốn được tạo điều kiện thành lập các trường học, cơ sở y tế ở khu vực còn thiếu để chia sẻ gánh nặng với nhà nước, phục vụ tốt hơn nhân dân là rất chính đáng.

“Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục có sự hỗ trợ, tư vấn cho các tổ chức tôn giáo nhằm đáp ứng yêu cầu theo quy định khi tham gia xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa…”- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang nhấn mạnh.

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202403/nhan-ngay-cong-tac-xa-hoi-viet-nam-25-3-chung-tay-tro-giup-nguoi-kem-may-man-4d445be/