Nhân lực cho phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ: Bài 2: Thách thức thiếu lao động chất lượng cao

Dù có nhiều nổi bật trong quá trình phát triển nhưng vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ (ĐNB) lại đang đứng trước thách thức về thiếu hụt nguồn nhân lực để phục vụ mục tiêu tăng trưởng bền vững. Việc lựa chọn vốn công nghệ hiện đại từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn.

Trường đại học Lạc Hồng và Công ty Giáo dục DSS Education ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ phục vụ đào tạo ngành sản xuất chất bán dẫn trước sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Sơn

GS-TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “ĐNB là vùng kinh tế động lực của cả nước, do đó cần phải quyết liệt trong thu hút và lựa chọn các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, muốn thu hút được dòng vốn công nghệ cao thì phải đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời chú trọng nâng cao tay nghề cho đội ngũ lao động phổ thông”.

* Thiếu lao động ở các ngành mũi nhọn

Vùng ĐNB đang đứng trước bước ngoặt phát triển mới khi hạ tầng giao thông, đô thị ngày càng được cải thiện nhờ những chính sách mới của Trung ương dành cho vùng. Cụ thể là Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 7-10-2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đó, ngày 24-6-2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với tận dụng các chính sách mới để phát triển đồng bộ và hiện đại, vùng ĐNB cần tập trung giải quyết cho được bài toán nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực, trong đó có những ngành công nghệ mới đang trở thành xu thế. Nhiều năm nay, doanh nghiệp (DN) vẫn đang “khát” lao động chất lượng cao do khả năng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thể đáp ứng về trình độ, tay nghề và kỹ năng làm việc. Những hạn chế này không chỉ khiến DN gặp khó khăn, ảnh hưởng chung đến phát triển của vùng mà người lao động cũng mất đi cơ hội nâng cao thu nhập.

Một ví dụ điển hình về thực trạng thiếu nhân lực chất lượng cao của vùng ĐNB, đó là câu chuyện nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ tuyển dụng 31 nhân sự người Việt Nam cho vị trí quản lý tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với mức lương lên đến 400 triệu đồng/tháng nhưng không có ứng viên. Không chỉ với “siêu dự án” này, nhiều dự án công nghệ cao tại các tỉnh, thành phố khác trong vùng, khả năng sẵn sàng đáp ứng lao động chất lượng cao tại chỗ luôn là bài toán khó.

Theo dự báo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), khoảng 2 năm nữa, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ cần đến 13,7 ngàn lao động có trình độ cao và rất cao. Trong đó có các vị trí làm việc liên quan đến quản lý, vận hành cảng hàng không và các dịch vụ khác.

Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh NGUYỄN HOÀNG HIẾU cho biết, các tỉnh, thành vùng ĐNB đang thay đổi mô hình thu hút đầu tư và tăng trưởng. Dự báo nhiều năm tới ĐNB vẫn là thị trường thu hút nhiều lao động, nhưng phải có trình độ cao thay vì lao động phổ thông. Do đó, cả cơ sở đào tạo và người học cần phải tuân theo quy luật của thị trường lao động, đó là luôn đảm bảo chất lượng đào tạo và tay nghề.

Trưởng ban Chuẩn bị khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành Nguyễn Xuân Phong cho biết: “Đến nay, việc chuẩn bị nhân lực cho sân bay lớn nhất cả nước này đang là một khó khăn, vì năng lực đào tạo của 3 cơ sở thuộc ngành hàng không vẫn còn khiêm tốn, trong khi các trường đại học, cao đẳng tại Đồng Nai chưa có đơn vị nào có giấy phép đào tạo ngành hàng không”.

Tại tỉnh Bình Dương, hiện Tập đoàn Lego của Đan Mạch đang hoàn thiện nhà máy sản xuất đồ chơi cho trẻ em trị giá trên 1 tỷ USD. Nhà máy này đang trong quá trình tuyển dụng lượng lớn nhân sự có trình độ để vận hành sản xuất. Tuy nhiên, với công nghệ hiện đại thì khả năng tay nghề của người lao động có thể đáp ứng ngay nhu cầu thực tế của nhà máy là khá khó khăn. Theo tìm hiểu, DN sẽ tuyển dụng nhiều lao động, sau đó phải mất thêm thời gian đào tạo mới có thể đưa lao động vào vận hành nhà máy.

Vùng ĐNB có nhiều tiềm năng để phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn, chíp, vi mạch điện tử. Đây là những ngành có giá trị rất cao, nhưng đến nay có rất ít trường đào tạo các chuyên ngành nói trên.

* Cần chất hơn lượng

Anh Dương Quang Lâm, một lao động từng tốt nghiệp đại học ngành cơ điện tử, hiện làm việc tại Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai), cho hay: “Cơ hội làm việc không thiếu nhưng người lao động lại đang thiếu cái DN cần. Đó là kiến thức thực tế, kỹ năng làm việc và khả năng ngoại ngữ, ý thức, tác phong công nghiệp”.

Anh Dương Quang Lâm chia sẻ thêm: “Thực tế đào tạo ở trường đại học và làm việc ở nhà máy là một khoảng cách khá lớn. Trong khi đó, cơ hội trải nghiệm trước khi được nhận tấm bằng tốt nghiệp để chuẩn bị đi làm còn quá ít. Khi mới vào làm việc, tôi đã bị “khớp” bởi công nghệ hiện đại mà DN đang sử dụng. Phải mất hơn một năm chăm chỉ tìm hiểu và học hỏi tôi mới có thể tự tin hơn”.

Có thể khẳng định, cơ hội việc làm ở vùng ĐNB là không thiếu, cái thiếu nhất chính là chất lượng, tay nghề. Thực tế đang có sự vênh nhau giữa số lượng và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực khiến DN không thể thỏa mãn nhu cầu tuyển dụng cả về số lượng lẫn chất lượng. Để khắc phục tình trạng này, nhiều DN phải hạ thấp tiêu chuẩn tuyển dụng để có đủ người, sau đó mất thêm thời gian và chi phí đào tạo lại.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), đến năm 2026, sẽ có khoảng 40% người lao động không còn kỹ năng phù hợp với công việc hiện tại và sẽ bị thay thế bằng công nghệ mới; khoảng 30% người lao động buộc phải chuyển đổi nghề. Như vậy, ngay từ bây giờ, các tỉnh ĐNB sẽ phải chuẩn bị nhân lực cho kịch bản trong 5-10 năm tới.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, bình quân hàng năm vùng ĐNB có khoảng hơn 70 ngàn sinh viên và 6 ngàn học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 86,6% (cao hơn bình quân chung của cả nước). Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo của vùng là 29,5% (đứng thứ 2 trong 6 vùng kinh tế - xã hội).

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ dân số vùng ĐNB có trình độ đại học trở lên chiếm 6,6%, nhưng lại không đồng đều giữa các tỉnh, thành. Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu với khoảng 9,8% dân số có trình độ đại học, tiếp đó là Bà Rịa - Vũng Tàu với 4,8%, Đồng Nai có 3,5%, Bình Dương có 2,7%. Những tỉnh còn lại đều ở tỷ lệ thấp hơn nhiều. Hầu hết các ngành kinh tế - xã hội đang đòi hỏi sự cải thiện về chất lượng nhân lực, trong đó có những ngành sản xuất, dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao như: công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí, du lịch, y tế, giáo dục, thương mại, logistics…

ĐNB cũng được đánh giá đang trong thời kỳ “dân số vàng” khi có gần 11 triệu người trên 15 tuổi. Tuy nhiên, do sự phát triển không đồng đều nên có sự mất cân đối về thu hút lao động trình độ giữa các địa phương với nhau. Trong đó, lao động có trình độ tập trung đông về Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công Nghĩa - Nguyễn Hòa

Bài 3: Tái cấu trúc nguồn nhân lực

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202403/nhan-luc-cho-phat-trien-ben-vung-vung-dong-nam-bo-bai-2-thach-thuc-thieu-lao-dong-chat-luong-cao-1e06a63/