Nhân lực chất lượng cao: Tài nguyên quan trọng, là động lực đột phá

Trước nhiều cơ hội và thách thức của thị trường lao động, việc làm, thì nhân lực chất lượng cao chính là tài nguyên quan trọng nhất, là động lực đột phá.

Thị trường lao động Việt Nam bước vào năm 2024 trên nền tảng những chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành LĐ-TB&XH đều đảm bảo.

Đó là duy trì tỉ lệ thất nghiệp dưới 4%; lao động qua đào tạo đạt gần 69%, trong đó lao động được cấp chứng chỉ, bằng cấp 28%.

Thị trường lao động trong quý I/2024 đạt khoảng 51,7 triệu người có việc làm (Ảnh minh họa)

Phải có những giải pháp hết sức nhanh nhạy

Tuy nhiên, những thách thức mới đến từ tình hình thế giới, sự phát triển vũ bão của công nghệ khiến chúng ta phải có những giải pháp hết sức nhanh nhạy và phù hợp.

Việc kinh tế toàn cầu đã tránh được một đợt suy thoái mới, cùng với đó là những tín hiệu lạc quan như chi tiêu tiêu dùng tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát đang trên đà hạ nhiệt... đang thúc đẩy niềm tin về một triển vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng hơn vào năm 2024.

Đó là tín hiệu rất tích cực với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Đánh giá về thị trường lao động trong năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH nhận định, năm 2024 thị trường lao động Việt Nam có những tiến triển nhất định. Các doanh nghiệp có những đơn hàng mới, mở rộng kinh doanh và nhiều dự án trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng dần khởi sắc trở lại.

Thống kê cho thấy thị trường lao động trong quý I/2024 đạt khoảng 51,7 triệu người có việc làm, tăng 217.000 người so với quý trước.

Trong đó, dự báo ba ngành nghề có nhu cầu tăng việc làm là sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 1,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%.

Những ngành nghề có thể giảm việc làm là in, sao chép bản ghi các loại, giảm 13%; hoạt động xây dựng chuyên dụng giảm 5,4% và sản xuất thiết bị điện, giảm 3,2%.

Sự khởi sắc đầu năm cũng thể hiện tại các thị trường lao động lớn bậc nhất cả nước. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), trong quý 1/2024, TPHCM cần khoảng 77.500-86.000 chỗ làm việc.

So sánh với số lao động có việc làm hiện nay với nhu cầu phát triển kinh tế năm 2024 thì trong năm 2024, nhu cầu nhân lực của TPHCM là 300.000-320.000 chỗ làm việc.

Riêng quý 1/2024, nhu cầu nhân lực của thành phố là khoảng 77.500-86.000 chỗ làm việc. Trong đó, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 72,63%; công nghiệp - xây dựng chiếm 27,23%; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,14%.

Số người có việc làm tăng

Còn tại Hà Nội, có những tín hiệu cho thấy thị trường lao động khởi sắc. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, tình hình KT-XH tuy còn nhiều khó khăn song có nhiều tín hiệu tích cực.

Điều này cho thấy thị trường lao động Thủ đô tiếp tục duy trì đà phục hồi khi số người có việc làm tăng và tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm so với đầu năm, nhu cầu tuyển dụng của đa số ngành sẽ có xu hướng tăng trưởng.

“Dự kiến nhu cầu tuyển dụng trong giai đoạn đầu năm 2024 của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khoảng 100.000-120.000 lao động. Xu hướng tuyển dụng đa dạng, phân bố trên nhiều ngành nghề, trong đó những ngành nghề liên quan đến thương mại - dịch vụ sẽ có tuyển dụng lớn hơn (tăng khoảng 20% so với giai đoạn trước)", ông Vũ Quang Thành cho biết.

Tiếp đến là các ngành liên quan đến sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, dệt may, da giày, xây dựng ... (tăng khoảng 10 - 15%).

Ngoài ra, cũng theo ông Thành, nhóm ngành về khoa học, công nghệ thông tin tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lớn do ảnh hưởng của xu hướng phát triển công nghệ thông tin trên toàn cầu. Ngành kinh doanh bất động sản cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn trở lại trong năm nay.

Sắp đi hết chặng đường quý I của năm, mặc dù ghi nhận những tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm, song theo nhận định của các chuyên gia, năm 2024 nền kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục gặp nhiều thách thức. Điều này sẽ ảnh hưởng lên thị trường lao động.

Tuy nhiên, xuất khẩu được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới, khi nhu cầu thị trường thế giới tăng.

Trước nhiều cơ hội và thách thức của thị trường lao động, việc làm, thì nhân lực chất lượng cao chính là tài nguyên quan trọng nhất, là động lực đột phá. Công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 để Việt Nam không bỏ lỡ xu thế và có thể là nước đi sau nhưng "đi cùng và vươn lên" so với nhiều quốc gia khác.

.

Thành Công

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/nhan-luc-chat-luong-cao-tai-nguyen-quan-trong-la-dong-luc-dot-pha-20240323222022179.htm