Nhân học văn hóa ở Việt Nam: Diễn trình và nghiên cứu

LTS: 'Nhân học văn hóa ở Việt Nam: Diễn trình và nghiên cứu' là cuốn sách mới do Viện Nhân học Văn hóa & Nxb Khoa học xã hội thực hiện. Đây là một công trình đưa ra cái nhìn từ tổng thể đến bộ phận các vấn đề của nhân học văn hóa ở Việt Nam. Nhân dịp cuốn sách vừa ra mắt, Người Đô Thị online đăng tải bài viết giới thiệu của PGS-TS. Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa, cũng là người đồng chủ biên cuốn sách, về công trình đặc biệt này.

Nhân học văn hóa ở Việt Nam - Diễn trình và nghiên cứu do Đỗ Lai Thúy và Phạm Minh Quân chủ biên.

Nhân học (anthropology) là một khoa học ra đời vào cuối thế kỷ XIX đầu XX. Với người Việt Nam, nó vừa quen lại vừa lạ. Quen vì nó vào nước ta đã lâu, cùng với dân tộc học và xã hội học, lạ vì sự phát triển gần đây của nó như một khoa học độc lập có đối tượng riêng và có phương pháp riêng. Hơn nữa, nhân học còn có sức bao quát rất rộng, và quan trọng hơn, rất hiện đại.

Sự phát triển của nhân học có thể khái quát chia thành ba giai đoạn. Đầu tiên là nhân học hình thể (physical anthropology), chuyên nghiên cứu các đặc điểm hình thể của các chủng người như màu da, tóc, mắt, chiều cao, hộp sọ… Ở Việt Nam dịch là nhân chủng học.

Tiếp theo nhân học chuyển sang nghiên cứu các xã hội cổ sơ còn sót lại ở các vùng trũng, vùng hoang hóa của thế giới. Dĩ nhiên là các nghiên cứu này đều xuất phát từ các vấn đề của xã hội hiện đại. Giai đoạn này gọi là nhân học xã hội (social anthropology), được dịch là nhân loại học (không kể một số người vẫn dịch là nhân chủng học?).

Giai đoạn thứ ba nghiên cứu tổng hợp và nâng cao, vừa tiếp nhận các thành tựu của chủng tộc học, dân tộc học và xã hội học, vừa tiếp nhận các thành tựu của tri thức liên ngành và phương pháp tiếp cận liên/xuyên văn hóa. Tập đại thành này gọi là nhân học văn hóa (cultural anthropology).

Nhân học văn hóa thoạt nhìn có đối tượng chung của hầu hết các khoa học xã hội và nhân văn. Nhưng các phương pháp tiếp cận của nó đã tạo ra một đối tượng riêng. Đó là nhân học văn hóa không chỉ nghiên cứu những vấn đề khái quát, “to đùng” mà bao giờ cũng bắt đầu từ một hiện tượng nhỏ, cụ thể để cuối cùng mới bắt gặp các khái quát.

Nhân học văn hóa coi trọng quá trình đi đến kết quả chí ít ngang với chính kết quả. Bởi trên hành trình này người ta dễ bắt gặp những thủ đắc bất ngờ. Với nhân học văn hóa chủ thể và đối tượng không phân biệt rạch ròi. Nhà khoa học đi vào nghiên cứu với tư cách người tham dự. Cuối cùng, nhân học văn hóa có thể sử dụng nhiều phương tiện nghiên cứu.

Nhân học văn hóa ở Việt Nam: Diễn trình và nghiên cứu (Viện Nhân học Văn hóa & Nxb Khoa học xã hội, 2024), như tên gọi của nó, là một công trình đưa ra cái nhìn từ tổng thể đến bộ phận các vấn đề của nhân học văn hóa ở Việt Nam. Công trình này, do đó, được cấu trúc thành ba phần.

Phần thứ nhất, Các vấn đề lý thuyết, giới thiệu và phác thảo một diễn trình nhân học văn hóa trên thế giới lẫn ở Việt Nam. Trong đó, cuốn sách nhấn mạnh vai trò của nhân học văn hóa trong việc nghiên cứu văn hóa Đông Sơn (Tạ Đức), sự khởi sinh của một nền văn hóa học Việt Nam (GS. Lê Văn Hảo), tự sự học nhân học văn hóa (PGS. Cao Kim Lan) giới thuyết về các hướng tiếp cận nghiên cứu tâm lý học tộc người, nhân học nông thôn/đô thị và nhân học văn học (Phạm Minh Quân).

Phần thứ hai, Những nghiên cứu trường hợp, cho thấy phổ rộng của nhân học văn hóa, có thể được tiếp cận từ nhiều cạnh khía khác nhau như tâm lý tộc người, tín ngưỡng phong tục, văn học, định cư - đô thị, sinh thái,… Tiêu biểu, là các nghiên cứu tâm lý tộc người từ góc độ văn học của TS. Nguyễn Mạnh Tiến với người H'mông, TS. Đàm Nghĩa Hiếu với người Bru-Vân Kiều, TS. Nguyễn Văn Ba với người Cao Lan; PGS. Ngô Minh Hiền và TS. Nguyễn Thùy Trang với các nghiên cứu yếu tố đô thị - sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam; GS. Kiều Thu Hoạch và PGS. Trương Sỹ Hùng lần lượt nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn lịch sử và quang cảnh chùa Việt. Tác giả Trần Trung Chính tiệm cận nhân học đô thị khi nghiên cứu di sản định cư và đô thị hóa tại chỗ trường hợp làng Thổ Hà, Bắc Giang.

Phần thứ ba mang tên Chân dung các nhà nhân học giới thiệu những đóng góp cả về học thuật lẫn nhân cách sáng tạo của các nhà nhân học Việt Nam, như Từ Chi, Nguyễn Văn Huyên, cũng như các học giả có đóng góp lớn cho nghiên cứu văn hóa Việt, như Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đổng Chi,... qua những luận điểm sâu sắc và phát hiện mới mẻ của các tác giả như Đỗ Lai Thúy, Trần Văn Chánh, TS. Nguyễn Đức Mậu, TS. Hồ Quốc Hùng…

Công trình Nhân học văn hóa ở Việt Nam: Diễn trình và nghiên cứu được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Viện Nhân học Văn hóa (2018 - 2023). Ngoài những nghiên cứu của Viện, cuốn sách còn nhận được sự cộng tác thân thiết của những nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nhân học văn hóa.

Do mang tính chất gợi mở và đặt ra những vấn đề tiếp cận đa dạng, nên công trình chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề cần bàn luận và mở rộng thêm, cũng như không thể tránh khỏi những thiếu sót, bởi vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự tham góp của độc giả. Cũng xin nói thêm, Viện Nhân học Văn hóa dự định mỗi năm ra một cuốn Nhân học văn hóa theo các chủ đề khác nhau.

Nhân dịp sách ra mắt, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các học giả, nhà nghiên cứu, cũng như các đơn vị ủng hộ đã góp phần khai sinh ra công trình này.

PGS-TS. Đỗ Lai Thúy (Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nhan-hoc-van-hoa-o-viet-nam-dien-trinh-va-nghien-cuu-43655.html