Nhận diện và ngăn chặn

Sau gần 15 năm thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong chống BLGĐ, góp phần bảo vệ người bị bạo hành, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình, xử lý các hành vi bạo lực và vi phạm pháp luật.

Tranh minh họa.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, BLGĐ vẫn là một vấn đề nhức nhối, nan giải khi xuất hiện những hành vi bạo lực có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.

Thống kê trong giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ BLGĐ đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ. Đáng chú ý có tới 32% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục và 90,4% trong số đó không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Những con số rất đáng để suy ngẫm trên cho thấy, vấn nạn BLGĐ có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, gây thiệt hại to lớn cho toàn xã hội (ước tính gây thiệt hại 1,8% GDP). Nếu không được giải quyết kịp thời, vấn nạn này sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.

Theo các chuyên gia xã hội, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội; sự cam chịu từ phía nạn nhân, mà cụ thể nhất là phía phụ nữ và trẻ em; việc phát hiện, xử lý, giải quyết BLGĐ gặp nhiều khó khăn...

Nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản chính là Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam hiện nay.

Quá trình thi hành Luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống BLGĐ. Điều này một phần xuất phát từ công tác tổ chức, triển khai thực hiện của các địa phương, song cũng do Luật hiện hành còn thiếu các nội dung, chính sách, quy định phù hợp.

Do vậy, việc sửa đổi Luật hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống BLGĐ theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước được ban hành trong thời gian qua cũng cần phải được cụ thể hóa trong Luật Phòng, chống BLGĐ để quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội.

Nhiều chuyên gia pháp luật lưu ý, Luật sửa đổi cần nhận diện để bổ sung vào những loại hình bạo hành mới trong BLGĐ. Hiện nay, vấn đề bạo hành không phải chỉ ở việc hành hung về thể chất mà còn thể hiện trong các hành vi lạm dụng, lăng mạ, sỉ nhục, ngoại tình, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc... và với đa số hành vi BLGĐ chỉ bị lên án khi nó gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến thương vong.

Do vậy, cần nhận dạng đúng các hình thức bạo hành mới và phải đưa vào trong luật các giải pháp phòng, chống BLGĐ phù hợp.

Để chấm dứt BLGĐ, Luật sửa đổi cần tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, bình đẳng giới, đồng thời đặc biệt quan tâm đến những đối tượng có nguy cơ cao bị bạo hành là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhan-dien-va-ngan-chan-post451316.html