Nhận diện sức mạnh của Myanmar và Malaysia tại AFF Cup 2016

Campuchia quá yếu, nên đối thủ chính tranh vé vào bán kết với đội tuyển Việt Nam tại bảng B AFF Cup 2016 là Malaysia và Myanmar.

Bóng đá Việt Nam và Malaysia có nhiều mối duyên nợ trong quá khứ

Hai đội này, một đã suy yếu so với chính mình thời đỉnh cao, một vẫn loay hoay với kế hoạch trẻ hóa.

Bảng B AFF Cup 2016 có 4 đội là Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Myanmar. Trong số này, Campuchia bị đánh giá thấp nhất, vì trình độ của bóng đá Campuchia lâu nay vẫn thuộc nhóm dưới của khu vực Đông Nam Á.

Chính vì vậy, hai vé vào bán kết thực chất là cuộc cạnh tranh của ba đội gồm Việt Nam, Malaysia và Myanmar. Và Malaysia cũng như Myanmar mạnh yếu ra sao, so với chính họ ở các kỳ AFF Cup gần nhất là điều đáng quan tâm đối với người hâm mộ bóng đá nước nhà.

Malaysia từng vượt qua Việt Nam ở bán kết AFF Cup 2014, sau một trận bán kết lượt về làm bàng hoàng người yêu bóng đá nước ta. Đấy là trận đấu mà đội bóng xứ Mã thắng đoàn quân của HLV Miura 4-1 ngay trên sân Mỹ Đình, sau khi đã để thua trước 1-2 trong trận đấu tại sân Shah Alam trước đó.

Trước nữa, vào năm 2010, Malaysia cũng thắng Việt Nam ở bán kết giải đấu này, trước khi lên ngôi vô địch (lần vô địc AFF Cup duy nhất của Malaysia). Điều đó 1 cầu cũng có nghĩa là Malaysia luôn là đối thủ khó chịu của bóng đá Việt Nam.

Dù vậy, so với các kỳ AFF Cup trước, hiện tại Malaysia không được đánh giá cao bằng. Đội bóng đất Mã đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ. Các trụ cột cũ gồm Ronny Harun (32 tuổi), Amri Yahyah (35), Safee Sali (32)... đều đã lớn tuổi, chậm hơn xưa, trong khi số cầu thủ thuộc thế hệ sau lại chưa gây được tiếng vang đáng kể.

Bằng chứng là đội tuyển U23 Malaysia với nòng cốt là các cầu thủ thuộc thế hệ sau từng thua đậm U23 Việt Nam ở SEA Games 2015 tại Singapore.

Cũng nhân thất bại đấy của bóng đá Malaysia, người ta cũng phần nào đánh giá năng lực của HLV Ong Kim Swee. Vị HLV này chưa tạo được dấu ấn lớn trên bình diện Đông Nam Á, ông tiếp tục tại vị ở đội tuyển quốc gia chủ yếu từ việc Malaysia chưa tìm được người thay thế tốt hơn, chứ bản thân Ong Kim Swee lâu nay chỉ quen với các giải trẻ và các đội tuyển trẻ, chưa phải là HLV đỉnh cao giỏi.

Với Myanmar, họ lại đang trẻ hóa hàng loạt. Thành phần của Myanmar ở AFF Cup sắp đến là tập hợp của 2 đội bóng trẻ của họ trong năm 2015, gồm đội tuyển U20 dự World Cup U20 tại New Zealand và đội tuyển U23 dự SEA Games cùng năm ở Singapore.

Vấn đề của bóng đá Myanmar cũng nằm ở chỗ ấy, trẻ hóa là tốt, nhưng cách thức trẻ hóa của Myanmar khiến cho người ngoài có cảm giác rằng họ hơi nóng vội trong công tác này. Hễ có lứa trẻ mới tạo chút ít sự chú ý là Myanmar gần như bỏ hết lứa cũ, làm lại gần như từ đầu, bỏ qua luôn yếu tố kinh nghiệm (danh sách sơ bộ của đội tuyển Myanmar chỉ có mỗi Win Min Htut là ngoài tuổi “băm”).

Phong cách thi đấu của các đội tuyển Myanmar cũng như vậy, hơi nóng vội và không được đánh giá cao ở tính kỷ luật chiến thuật. Thành ra, khi đụng phải các đội bóng có kinh nghiệm, Myanmar thường thất bại.

Bằng chứng là trong khoảng 20 năm nay, các đội tuyển quốc gia Myanmar chưa làm nên trò trống gì ở các kỳ AFF Cup.

Nhìn chung, so với các đội ở bảng A (gồm Thái Lan, Philippines, Singapore, Indonesia), các đội tại bảng B – đối thủ của đội tuyển Việt Nam, không mạnh bằng. Đoàn quân của HLV Nguyễn Hữu Thắng vẫn rất sáng cửa vào bán kết, nếu chúng ta phát huy đúng khả năng của mình.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nhan-dien-suc-manh-cua-myanmar-va-malaysia-tai-aff-cup-2016-post179729.html