Nhận diện, phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Sốt xuất huyết (SHX) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Vậy nhưng, nhiều người vẫn còn lơ là, chủ quan. Để phòng chống sốt xuất huyết, đặc biệt là trong năm chu kỳ dịch bệnh, mấu chốt vẫn là ý thức của từng người dân, từng gia đình trong việc giải quyết triệt để các ổ lăng quăng, cắt đứt véc tơ truyền bệnh.

Phun hóa chất diệt muỗi tại nhà dân ở huyện Phú Hòa. Ảnh: YÊN LAN

Số ca mắc tăng gấp 5 lần

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, gần 260.000 trường hợp mắc SXH và 102 trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm cấp tính này đã được ghi nhận. Tại Phú Yên, toàn tỉnh đã ghi nhận 3.158 ca SXH, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021 và ghi nhận một trường hợp tử vong (giảm một trường hợp so với cùng kỳ năm 2021).

Số ca mắc SXH tăng ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố. Huyện Tuy An ghi nhận 910 ca SXH, tăng 14,4 lần so với cùng kỳ 2021; huyện Phú Hòa ghi nhận 463 ca, tăng 4,2 lần; TP Tuy Hòa ghi nhận 446 ca, tăng 4,5 lần; huyện Sông Hinh ghi nhận 331 ca, tăng 3,1 lần. Đến tuần 41/2022, Phú Yên đã phát hiện 164 ổ dịch SXH tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố, tăng 144 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 70/110 xã, phường ghi nhận ổ dịch. Sông Hinh, Tuy An, TP Tuy Hòa và huyện Phú Hòa là các địa phương có số ổ dịch tăng cao.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên (Phú Yên CDC), số ca mắc SXH bắt đầu tăng trở lại từ tuần 35, báo hiệu tình hình SXH những tháng cuối năm có chuyển biến phức tạp, tăng cả số ca mắc và số ổ dịch. Phú Yên CDC đã đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh SXH, điều tra côn trùng định kỳ hàng tháng tại các xã trọng điểm và định kỳ hàng quý tại các huyện không trọng điểm. Trung tâm y tế các địa phương dự trù đầy đủ thiết bị, vật tư, hóa chất... phục vụ công tác phòng chống bệnh SXH. Hoạt động truyền thông được tăng cường, nhấn mạnh đến các biện pháp phòng chống muỗi đốt, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt các ổ chứa nước có lăng quăng. Công tác xử lý ổ dịch SXH được thực hiện nhanh chóng và kịp thời.

Nhận diện sốt xuất huyết

Bệnh SXH do virus Dengue gây ra. Virus Dengue có 4 tuýp gây bệnh, bao gồm: D1, D2, D3, D4. Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, bệnh nhân nhiễm tuýp virus Dengue nào thì cơ thể chỉ có khả năng tạo miễn dịch với tuýp đó, không có miễn dịch chéo. Vì vậy, một người từng mắc SXH vẫn có thể mắc ở tuýp khác; mắc SXH lần sau thường nặng hơn lần trước, do các kháng thể của hai hoặc ba tuýp virus cùng tồn tại và tác động lên cơ thể con người; các phản ứng sốt, đau mỏi, xuất huyết sẽ trầm trọng hơn.

Theo BSCKI Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Phú Yên CDC, số ca mắc SXH tăng đột biến, lại đúng vào năm chu kỳ dịch bệnh, là điều đáng lo ngại. Những tháng cuối năm thường là thời gian cao điểm của SXH. Hiện nay, người dân dễ nhầm lẫn các triệu chứng SXH với các triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm, COVID-19. Do tâm lý chủ quan, bệnh nhân thường được đưa đến cơ sở y tế muộn, khi bệnh đã diễn tiến nặng, điều đó rất nguy hiểm.

Bác sĩ Biện Ngọc Tân cho biết: SXH có sốt cao đột ngột, khó hạ sốt, kèm theo là các triệu chứng đau đầu, đau ở hốc mắt, đau nhức toàn thân, khi bệnh diễn tiến nặng hơn thì sẽ chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da và nguy hiểm hơn là xuất huyết nội tạng... Biểu hiện nặng nhất của bệnh này là hội chứng sốc SXH Dengue.

Trong khi đó, cảm lạnh có các triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi, sốt nhẹ, ho có đờm, cơ thể mệt mỏi và hơi gai lạnh. Các triệu chứng của cảm lạnh thường biểu hiện từ từ, cơ thể mệt mỏi khoảng 3-4 ngày và tự hết trong vòng 7-10 ngày. Cảm cúm có các triệu chứng: Sốt cao, đau đầu, đau cơ, đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, ho nhiều, người mệt mỏi nhiều. Còn COVID-19 có các triệu chứng phổ biến (khi nhiễm biến thể Omicron): Sốt hoặc ớn lạnh, ho, hụt hơi hoặc khó thở, mệt mỏi, đau cơ hoặc tê mỏi người, đau đầu, mất vị giác hoặc khứu giác, viêm họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy.

“Bà con thấy có triệu chứng sốt, nghĩ bị cảm lạnh, cảm cúm hoặc COVID-19, tự theo dõi, tự điều trị tại nhà, đến lúc bệnh diễn tiến nặng, can thiệp không kịp nữa thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Biện Ngọc Tân lưu ý.

Từ nay đến cuối năm, số ca mắc SXH có khả năng tăng cao. Theo bác sĩ Biện Ngọc Tân, để phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm này, mấu chốt vẫn là ý thức của từng người dân, từng gia đình trong việc giải quyết triệt để các ổ lăng quăng trong nhà cũng như chung quanh nhà để cắt đứt véc tơ truyền bệnh.

Bà con thấy có triệu chứng sốt, nghĩ bị cảm lạnh, cảm cúm hoặc COVID-19, tự theo dõi, tự điều trị tại nhà, đến lúc bệnh diễn tiến nặng, can thiệp không kịp nữa thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

BSCKI Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Phú Yên CDC

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/95/288686/nhan-dien-phong-chong-benh-truyen-nhiem-nguy-hiem.html