Nhân dân đồng lòng để chiến thắng đại dịch

Dù chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19, Hà Nội vẫn kiên quyết, kiên trì thực hiện hiệu quả 'mục tiêu kép' vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế- xã hội.Có được thành công đến thời điểm này, ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố, cần sự đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Nhân dịp Quốc khánh 2/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng dành cho phóng viên Tiền Phong cuộc trao đổi về những kinh nghiệm bước đầu của Hà Nội.

Trong chuyến thăm, làm việc với Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, các biện pháp phòng chống dịch của Hà Nội đã thấm tới người dân, được người dân đồng thuận, ủng hộ. Ảnh: Như Ý

Tinh thần đi trước, làm trước

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chia sẻ: Trước hết, phải thấy rằng, Hà Nội với vị trí Thủ đô, luôn luôn xác định có nguy cơ rất cao với dịch bệnh COVID-19. Riêng đợt dịch thứ 4, tính từ thời điểm cuối tháng 4/2021 tới nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 3.000 bệnh nhân, trong đó, hơn một nửa là ca phát hiện trong cộng đồng. Với các biến chủng mới, dễ lây lan hơn, nguy hiểm hơn, Hà Nội đã xác định đúng, trúng nhiều biện pháp để giữ được như hiện nay. Thành ủy Hà Nội, trước diễn biến của dịch bệnh, luôn chủ động tìm giải pháp sớm và cao hơn với tinh thần đi trước, làm trước. Như việc quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 6h ngày 24/7 là một quyết định được đánh giá là sáng suốt. Nếu không kịp thời như vậy, không thể giữ được thành quả như hiện nay.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự đồng lòng của nhân dân và doanh nghiệp, vận dụng nhuần nhuyễn các phương châm phòng, chống dịch “3 trước”, “4 tại chỗ”, phong tỏa, cách ly theo mô hình “3 lớp” nên dù dịch bệnh diễn biến phức tạp thành phố vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong” và tư tưởng “Dân là gốc” mà Đảng ta đã quán triệt, tôi tin tưởng rằng, với những nòng cốt là lực lượng tuyến đầu, các lực lượng hỗ trợ và sự chung sức, đồng lòng, chấp hành nghiêm của nhân dân, thành phố Hà Nội chắc chắn sẽ đẩy lùi và chiến thắng đợt bùng phát dịch lần này.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Có thể nói, Hà Nội đã thiết lập được hệ thống phòng, chống dịch thống nhất, đồng bộ theo các lớp, các vòng tương đối chặt chẽ, bố trí tới tận các thôn, xóm, ngõ, phố; trong đó đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của người dân.

Xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên số một trong thời điểm hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát sao, tập trung mọi nguồn lực và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ban hành các văn bản chỉ đạo sát với yêu cầu thực tiễn. Thường xuyên họp, nghe báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, cập nhật tình hình. Giao nhiệm vụ cho Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chỉ đạo sâu sát, nắm chắc tình hình, rà soát, đôn đốc các Tổ công tác, giải quyết, tháo gỡ kịp thời vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, phát sinh.

Nắm bắt, lắng nghe các nội dung để có những định hướng cụ thể, như vấn đề tiêm vắc xin, vấn đề kiểm soát cửa ngõ ra vào thành phố; kiểm tra công tác phòng chống dịch; mua sắm trang thiết bị y tế; chuẩn bị cơ sở vật chất, các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân, cơ sở cách ly F1…đồng thời duy trì các Tổ công tác, kiểm tra đột xuất, thường xuyên, liên tục để đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch bệnh, yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thành phố đã chỉ đạo thực hiện ngay hỗ trợ 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và trên cơ sở đề xuất của UBND thành phố, HĐND thành phố đã thông qua 3 nghị quyết hỗ trợ thêm 12 nhóm đối tượng đặc thù của thành phố (gồm:10 nhóm đối tượng chưa có trong Nghị quyết 68, hỗ trợ giảm tiền nước sinh hoạt và bổ sung 500 tỷ đồng từ ngân sách thành phố ủy quyền cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay duy trì công ăn việc làm cho người lao động). Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn đã kêu gọi hỗ trợ thêm cho hộ người nghèo, cận nghèo, lao động ngoại tỉnh, học sinh, sinh viên gặp khó khăn trong thời gian giãn cách. Kết quả này, khẳng định rất rõ quan điểm chính sách nhà nước là trụ cột, tạo sức lan tỏa thu hút nguồn lực xã hội cùng chung tay tham gia chăm lo an sinh xã hội, góp phần củng cố và khẳng định thế trận lòng dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phòng chống đại dịch.

Mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn của đại dịch COVID-19, nhưng Hà Nội đã lãnh đạo thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp để kiểm soát, hạn chế dịch COVID-19 lây lan, đồng thời khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố ước tăng gần 6%; thu ngân sách đạt trên 53% dự toán trung ương giao.

Một Hà Nội kiên cường, đoàn kết

Thưa Bí thư Thành ủy, đồng chí từng nhiều lần nhấn mạnh, để có được thành công đến thời điểm này trong công tác phòng, chống dịch, ngoài việc nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố, cần có sự đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Để giữ vững thành quả chống dịch, theo đồng chí, cần phát huy việc này như thế nào?

Như chúng ta đã biết, ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi toàn dân quyết tâm, đoàn kết hơn nữa để chiến thắng đại dịch COVID-19, thể hiện cô đọng quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến đấu chống đại dịch COVID-19; toát lên ý nghĩa, tầm quan trọng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò và trách nhiệm gương mẫu, đi đầu của Thủ đô, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngày 30/7, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất 100% ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19

Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19, các lực lượng tuyến đầu với vai trò nòng cốt trên các “mặt trận” có đóng góp rất lớn. Trong thời gian rất ngắn, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, y, bác sĩ, điều dưỡng; lực lượng dân quân, tự vệ; đoàn viên, hội viên hội cựu chiến binh, các tình nguyện viên; các cấp ủy viên chi bộ, cán bộ tổ dân phố, thôn, xóm tham gia các tổ COVID-19 cộng đồng... đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ vận hành nhuần nhuyễn hệ thống phòng, chống dịch quy mô lớn bất kể ngày đêm, tình hình thời tiết. Không chỉ vậy, nhiều nơi, các lực lượng tuyến đầu còn phát huy tinh thần sáng tạo, tổ chức nhiều cách làm hay, tham mưu những mô hình hiệu quả, tiêu biểu như “3 trước” trong chuẩn bị, “3 lớp” trong cách ly (huyện Đông Anh); duy trì kiểm soát khép kín với phương châm “5 tại chỗ” (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng); thiết lập các “vùng xanh” an toàn. Các y, bác sĩ của Hà Nội không những làm tốt nhiệm vụ ở Thủ đô mà còn tích cực chi viện cho các địa phương bạn như Bắc Ninh, Bắc Giang, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh. Không chỉ lãnh đạo thành phố mà mọi người dân đều xúc động, tự hào về cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, các bác sĩ, y sĩ, nhân viên y tế...

Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ ngời sáng trên các điểm chốt, khu cách ly. Những chiến sĩ Công an nhân dân không quản nắng, mưa thực hiện nhiệm vụ với tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Các y, bác sĩ, điều dưỡng thực sự là những “chiến sĩ áo trắng” phụng sự nhân dân. Các đồng chí cán bộ cơ sở, dân quân, tự vệ, đoàn viên, hội viên, tình nguyện viên... trở thành nguồn cảm hứng về một Hà Nội kiên cường, đoàn kết… Tất cả đã trở thành những tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, tinh thần trách nhiệm; là tấm khiên vững chắc, là chỗ dựa tin cậy cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Hiện nay, dịch Covid-19 với chủng Delta vẫn có nguy cơ lây lan ở mức cao, khó tiên lượng nên ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị thì Hà Nội có phòng, chống dịch thành công hay không phải có sự đồng lòng của người dân, cũng như truyền thông báo chí phải tuyên truyền hỗ trợ các phương án kế hoạch phòng chống dịch của chính quyền.

Tạo chuyển biến trong các vấn đề dân sinh bức xúc

Cùng với việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ ưu tiên số 1, thì Hà Nội cũng còn nhiều vấn đề phải quan tâm như công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, quy hoạch đô thị… Hà Nội sẽ thực hiện các nhiệm vụ lớn này như thế nào, thưa đồng chí?

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác lớn, phân công các đồng chí trong Thường trực Thành ủy làm Trưởng các Ban chỉ đạo. Trong đó, Chương trình 01 về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” được coi là Chương trình xương sống, ảnh hưởng lớn đến các chương trình còn lại. Dù chịu tác động của đại dịch COVID-19, song toàn thành phố đã triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và kịp thời chỉ đạo, giải quyết tốt các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.

Ban Chỉ đạo Chương trình 01 do Bí thư Thành ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo đã họp, yêu cầu trong những tháng cuối năm 2021 phải sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị gắn với những con người cụ thể, công việc cụ thể; rà soát chức năng, nhiệm vụ, hoàn thiện quy chế, quy trình công tác, không để khoảng trống quản lý nhà nước. Việc này được thực hiện trước tại Văn phòng UBND thành phố để làm mẫu, từ đó triển khai rộng trong toàn hệ thống, đồng bộ cả khối chính quyền và khối Đảng, MTTQ, đoàn thể. Đây là nhiệm vụ quan trọng, phải được tập trung hoàn thành trong năm 2021 để tạo bước chuyển biến trong 4 năm còn lại của nhiệm kỳ. Các cấp, các ngành thành phố cũng phải khẩn trương triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 04 ngày 13/5/2021 của Thành ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo; xây dựng Đề án luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức thành phố; tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 15 và Chỉ thị số 15 của Ban Thường vụ Thành ủy, củng cố các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém và giải quyết dứt điểm những vụ khiếu kiện kéo dài, các vụ việc phức tạp; không để phát sinh thành “điểm nóng”.

Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ này đặt ra nhiều vấn đề bức thiết phải giải quyết. Một trong những vấn đề đó là tạo động lực phát triển cho các đơn vị, địa phương ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là các huyện phía Nam. Thành phố đã có chủ trương đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư hạ tầng, tăng tính kết nối với các địa phương này để tạo động lực phát triển. Chương trình xây dựng nông thôn mới (Chương trình 04) của Thành ủy cũng hướng tới mục tiêu này. Nhiệm kỳ này, chương trình có phạm vi thực hiện rộng hơn, yêu cầu đặt ra cao hơn, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu... Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, cần bảo đảm các phương án sản xuất nông nghiệp, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm ổn định lương thực, thực phẩm để cung cấp cho người dân trên địa bàn thành phố…

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Ngọc Tiến - Trường Phong (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhan-dan-dong-long-de-chien-thang-dai-dich-post1370623.tpo