Nhân cách tạo chuỗi giá trị

Nói về công nghệ cho một thế hệ sản phẩm tương lai, ông đúc kết: “Nền công nghiệp 4.0 là dựa vào lý thuyết ảo để thể hiện trên một thực tế sinh động”. Đó chính là những siêu phẩm từ trí tuệ dành cho những nhà khởi nghiệp trẻ trong tương lai.

Ông đã phải trả giá nhiều trên con đường khai phá công nghệ. Một ngày của ông thời gian trong phòng thí nghiệm nhiều hơn là ở với… gia đình. Cao điểm là vào năm 2014, không chỉ công ty ông mà nhiều doanh nghiệp trong nước đã tận dụng ưu thế nguồn nguyên liệu bản địa để tạo ra các dòng sản phẩm mới. Riêng Thorakao đã được nhận diện thương hiệu rất đặc biệt nhờ “Hương thảo dược”. Nói về công nghệ cho một thế hệ sản phẩm tương lai, ông đúc kết: “Nền công nghiệp 4.0 là dựa vào lý thuyết ảo để thể hiện trên một thực tế sinh động”. Đó chính là những siêu phẩm từ trí tuệ dành cho những nhà khởi nghiệp trẻ trong tương lai.

“… Chúng ta cũng cần nói đến lý do vì sao người dân Việt Nam giờ ít đi sự tôn trọng với hàng Việt, cũng bởi sự vô đạo đức của nhà sản xuất: lúc đầu họ làm tốt, sau ngày càng dở để bỏ vốn ít hơn mà thu lợi được nhiều hơn, đó là lừa đảo.” – ông Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch HĐQT Thorakao

Khởi nghiệp là điều tất yếu

Ông nhận định nền kinh tế của những nước phát triển trên thế giới giàu có đều bắt đầu từ những người khởi nghiệp, đầu tiên mang tính chất một vùng rồi lan ra cả nước, như vùng thung lũng Silicon ở Mỹ.

Là thành viên ban giám khảo của cuộc thi Khởi nghiệp tại Bến Tre, ông Huỳnh Kỳ Trân đã bàn bạc với chính quyền sở tại: “Muốn cho Bến Tre vững mạnh, giàu có chúng ta phải mở rộng chương trình khởi nghiệp và mang tính chất của người Bến Tre: đồng nhất, nhất quán, tập thể. Người Bến Tre vốn đã cùng nhau đoàn kết tạo nên phong trào Đồng Khởi trong chiến tranh, nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị tỉnh phát động phong trào xây dựng lại những doanh nghiệp tư nhân vững mạnh bằng khởi nghiệp, và Bến Tre là một trong những tỉnh đi đầu sớm nhất theo chủ trương của Chính phủ phát động”.

Khi có phong trào phát động của tỉnh uỷ và uỷ ban, các bạn thanh niên của tỉnh đã ủng hộ rất mạnh với nhiệt huyết vẫn theo tinh thần Đồng Khởi cách mạng. Phải gọi là bùng nổ tinh thần khởi nghiệp. Điểm đặc biệt trong phong trào khởi nghiệp ở Bến Tre là có đến hàng trăm ý tưởng, dự án của các bạn gởi đến. Trong đó ông lọc ra gần 40 ý tưởng rất tốt, có thể tạo thành một chuỗi mắt xích của sự khởi nghiệp. Đó là dây chuyền để nối những công việc khác nhau của những người khởi nghiệp thành chuỗi. Như nuôi dê bằng cách trồng cây đinh lăng, những phế phẩm của đinh lăng cho dê ăn rất tốt, rồi từ phân dê chế biến thành phân hữu cơ góp phần cho người khởi nghiệp trồng rau hữu cơ. Ở Bến Tre có công ty rượu Phú Lễ, họ đặt hàng nông dân nấu rượu bán cho Phú Lễ chế biến thành rượu thương phẩm, nông dân lấy hèm để nuôi bò để bán thịt, và lấy phân bò bán cho người ủ phân để nuôi trùn quế làm thức ăn cho thuỷ sản, động vật… Hay trộn với mùn cưa trồng nấm linh chi, lấy bã của nấm linh chi gầy trồng nấm bào ngư, bán nấm bào ngư rồi lại lấy bã đó cho người làm phân hữu cơ, để sau đó cung cấp cho người trồng rau hữu cơ. Trở lại từ chỗ trùn quế, lấy làm giá thể nuôi đông trùng hạ thảo dạng nấm và sản phẩm thứ cấp từ đông trùng hạ thảo này dùng để chế thuốc bổ, chống lão hoá… rồi bã này vẫn mang nguồn dinh dưỡng tốt để làm thức ăn nuôi gia súc… Tóm lại, khởi nghiệp của Bến Tre rất đặc thù, tạo ra chuỗi mắt xích cho nhiều người đều có thể tham gia – “nghệ thuật” khởi nghiệp là chỗ đó.

Kết hợp kinh nghiệm dân gian với khoa học, công nghệ

“Tôi hỏi các em: vì sao em biết lấy bã mía để làm thức ăn cho tôm. Các em trả lời trơn tru: “Cây mía lấy đường bán, bã mía chế thành mùn lên men, thả xuống nước thì tảo bám vô và có cả vi sinh bám vào biến thành thức ăn cho tôm”, tôi vô cùng thích thú vì nghĩ người có chuyên môn như chúng tôi cũng phải nghiên cứu rất kỹ, sao các em còn nhỏ lại biết. Tôi lại hỏi, các em trả lời: “Do bà của con chỉ cho con”, tôi rất ngạc nhiên và càng thấy tin tưởng vào thế hệ sau, các em đã biết giữ lấy những giá trị của tiền nhân để khởi nghiệp. Tôi nhớ lại chính sản phẩm nước súc miệng dầu dừa hiện nay cũng xuất phát các sản phẩm từ dầu ôliu có từ công thức từ 5.000 – 7.000 năm trước của người Ai Cập cổ đại.

Bài học của tiền nhân là những giá trị vẫn còn sống mãi, giờ đã trở thành con đường sống của Bến Tre. Ở đất nước chúng ta 1 đôla mua được 1 ký chôm chôm, ở nước ngoài 10 đôla mới mua được 1 ký. Nhưng tại sao chúng ta không thực hiện được việc nâng giá trị trái chôm chôm, để xứng đáng với giá trị của nó khi vượt ra khỏi biên giới Việt Nam? Vì có lẽ chúng ta thiếu tôn trọng mình. Nếu chúng ta tôn trọng trái chôm chôm như một bảo vật – như hạt châu trong sáng ngon ngọt có giá trị thực tiễn, chúng ta đã làm mọi cách để có người biết thu mua, chế biến, đặt hàng…”, ông kể.

Khoa học, kỹ thuật, thương mại và quản lý đan lại thành một sợi dây xỏ chuỗi ngọc đó: chính cải cách hành chính và đưa khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất, mới thực hiện được việc cải cách nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Điều kiện đầu tiên của khởi nghiệp là được cấp vốn và có người hướng dẫn. Khởi nghiệp ai cũng muốn thành công, nhưng mình cũng phải thuận theo tự nhiên, đừng sợ thất bại. Đất trời cũng có lúc bão tố, thiên tai mà ta không thể chống đỡ được, vì thế muốn khởi nghiệp cũng phải chuẩn bị hành trang cho việc thất bại, để tiếp tục đi đến thành công. Gieo trồng rất nhiều, nhưng thành đại thụ có được mấy cây? Luôn có ý chí quyết tâm thực hiện đến cùng, nhưng cũng cần đặt vào phương hướng đúng với đạo đức xã hội. “Tôi hy vọng là doanh nghiệp khởi nghiệp là tài – đức song hành (trong đó các bạn trưởng thành từ 15% môi trường gia đình – 75% còn lại là những kham khổ trên hành trình mình đi rèn luyện mình. Chúng tôi sắp về hưu, các bạn trẻ mới là quyết định tương lai”, ông tâm sự.

Trước hết hãy là một người yêu nước

… Chúng ta cũng cần nói đến lý do vì sao người dân Việt Nam giờ ít đi sự tôn trọng với hàng Việt, cũng bởi sự vô đạo đức của nhà sản xuất: lúc đầu họ làm tốt, sau ngày càng dở để bỏ vốn ít hơn mà thu lợi được nhiều hơn, đó là lừa đảo.

Hỏi ông: “Năm 2013, có tập đoàn muốn mua lại thương hiệu Thorakao với giá 30 triệu đô nhưng ông không bán. Thành lập từ năm 1957 đến nay, thương hiệu Thorakao đã tròn 60 năm. Có phải ở tuổi 60 người ta đủ trải nghiệm để hiểu có những thứ không thể trả được bằng nhiều tiền, với ông đó là gì vậy?”, ông trả lời ngay: “Đối với các bạn trẻ, tôi chỉ muốn hỏi: Các bạn có muốn làm giàu hay không? Nhưng muốn làm giàu thì phải làm như thế nào? Theo tôi phải có nhân cách trước, rồi học hỏi để có trí tuệ. Học ở trường lẫn ngoài đời. Từ nhân cách, trí tuệ và tầm nhìn rồi mới từng bước tới việc biết chế tạo sản phẩm có giá trị cả bên trong lẫn bên ngoài, từ đó mới biết bán hàng – làm thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm của mình cả vật chất và tinh thần.

Giàu có rồi thì làm sao để giữ gìn bền vững sự giàu có đó? Tôi chỉ xin nói gọn thế này và mong các bạn trẻ ngẫm nghĩ: người làm tiền đã khó, người giữ tiền khó hơn, nhưng người biết xài tiền là khó nhất.

Để giữ được đạo đức làm người, trước hết hãy là một người yêu nước. Vì sao Nhật Bản và Đại Hàn chỉ dùng sản phẩm của nước họ? Có phải người Việt Nam đã đánh mất lòng tự trọng dân tộc. Ngày trước người Việt Nam ủng hộ hàng Việt Nam rất nhiều, “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, đâu rồi câu ca dao sâu thẳm đó, tôi cho rằng nó vẫn nằm trong lòng dân tộc, chúng ta chỉ cần khơi dậy.

Nhưng chúng ta cũng cần nói đến lý do vì sao người dân Việt Nam giờ ít đi sự tôn trọng với hàng Việt, cũng bởi sự vô đạo đức của nhà sản xuất: lúc đầu họ làm tốt, sau ngày càng dở để bỏ vốn ít hơn mà thu lợi được nhiều hơn, đó là lừa đảo. Chưa kể đến tư tưởng lợi ích nhóm, móc nối nhau để được càng nhiều quota nhập hàng ở nước ngoài, cạnh tranh giết chết thương hiệu Việt rất nhiều… bởi vì những yếu tố đó mà dẫn đến sự suy vong của chúng ta. Vô đạo đức dẫn đến mất lòng tin từ những chuyện vô cùng đơn giản: 1 ký nho giá 30.000 đồng của nông dân Việt người ta không mua, nhưng bỏ ra cả trăm ngàn mua của nước ngoà,i người ta vẫn mua. Đi chợ thấy con cá sông, người bán móc lưỡi câu vô nói là cá câu từ thiên nhiên, họ lấy máy bắn ba sợi lông làm heo rừng… từ dưới nước tới trên bờ mà không ai tin ai thì sao mà làm ăn.

Chuỗi giá trị phải tạo bằng nhân cách. Không có nhân cách thì dây mục văng ra hết, không liên kết gì được. Bền vững nằm trong giá trị đạo đức. Cho nên sự bền vững của một công ty nằm ở chỗ: lòng tin của khách hàng đối với giá trịdanh dự của công ty mình”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/nhan-cach-tao-chuoi-gia-tri-793500.html