Nhận biết sớm để loại trừ bệnh phong

Bệnh phong (dân gian còn gọi là bệnh hủi hay bệnh cùi) là bệnh truyền nhiễm mãn tính không còn xa lạ với mọi người. Bệnh phong có thời gian ủ bệnh rất lâu, trung bình 3 - 5 năm hoặc có trường hợp có thể 5 năm, 10 năm mới phát bệnh. Các bác sĩ nhận định, đây chính là nguồn lây, nếu không tiếp tục chống bệnh phong thì bệnh này vốn bị coi là lãng quên sẽ có khả năng quay trở lại.

TÁC HẠI CỦA BỆNH PHONG

Bệnh phong là bệnh nhiễm khuẩn, do một vi khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium leprae gây ra. Vi khuẩn này do một nhà bác học người Na Uy tên là Hansen tìm ra vào năm 1873, nên còn được gọi là trực khuẩn Hansen và bệnh phong được gọi là bệnh Hansen.

Bệnh phong chủ yếu gây thương tổn ở da, các dây thần kinh ngoại biên, bề mặt niêm mạc của đường hô hấp và mắt. Bệnh có thể để lại những tàn tật vĩnh viễn ở cơ thể. Ngoài ra, một số biến chứng khác cũng có thể xảy ra nếu loại bệnh này không được can thiệp gồm: Rụng tóc và rụng lông, đặc biệt là lông mày, lông mi; nghẹt mũi mãn tính, chảy máu cam và xẹp vách ngăn mũi; viêm mống mắt; tăng nguy cơ bị bệnh tăng nhãn áp - một trong những bệnh về mắt gây tổn thương đến thần kinh thị giác, gây mù lòa; suy thận; giảm năng lực sinh lý...

Đoàn kiểm tra loại trừ bệnh phong của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân phong tại Trạm Y tế xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành.

Bệnh phong lây truyền trực tiếp từ người sang người. Mầm bệnh thải ra từ dịch tiết của bệnh nhân phong qua đường hô hấp và vết thương ở da; người lành nhiễm phải mầm bệnh chủ yếu qua vùng da bị tổn thương và qua đường hô hấp. Bệnh phong có tỷ lệ lây nhiễm rất thấp (khó lây), bởi vì đối với người có sức đề kháng tốt thì cơ thể có khả năng tiêu diệt mầm bệnh, không bị bệnh; đối với người có sức đề kháng kém, có điều kiện sống thiếu thốn, nhà ở chật hẹp, ẩm ướt, thiếu ánh sáng, thiếu vệ sinh... thì dễ nhiễm bệnh. Đối với bệnh nhân phong có thể dùng thuốc điều trị cắt đứt nguồn lây ngay ở lần uống đầu tiên, do đó trong điều trị không cần cách ly.

Thời gian qua, nhờ thực hiện tốt Chương trình phòng, chống phong quốc gia, tỷ lệ mắc bệnh phong tại Việt Nam hiện nay rất thấp. Tuy nhiên, không ít trường hợp mắc bệnh phong bị chẩn đoán muộn, để lại di chứng tàn tật nguy hiểm cho bệnh nhân và có thể tạo thành các ổ bệnh nguy hiểm trong cộng đồng. Hiện toàn quốc còn khoảng 8.000 bệnh nhân phong đang được quản lý. Hằng năm, nước ta phát hiện khoảng 100 bệnh nhân mới.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, các địa phương trong tỉnh đang quản lý 209 bệnh nhân phong, trong đó 200 trường hợp đang được chăm sóc tàn tật.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BỆNH SỚM

Bệnh phong là bệnh truyền nhiễm mạn tính, chủ yếu biểu hiện ở ngoài da và hệ thống thần kinh ngoại biên. Nếu không điều trị kịp thời bệnh phong sẽ để lại di chứng mất cảm giác các dây thần kinh, tàn tật vĩnh viễn, biến dạng cơ thể. Do đó, bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động nặng nề đến tâm lý người bệnh. Cơ chế lây nhiễm của bệnh phong chủ yếu qua tiếp xúc, lây qua dịch tiết của người bệnh, nhưng đòi hỏi phải tiếp xúc gần và kéo dài. Nếu người bệnh đã bắt đầu điều trị thì khả năng truyền bệnh giảm tới 99%. Tỷ lệ lây giữa vợ chồng chỉ là 2-3%.

Bệnh phong hiện nay đã có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu, người bệnh được điều trị tại nhà, không cần cách ly và được miễn phí thuốc điều trị. Nếu phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời thì bệnh nhân sẽ khỏi hoàn toàn không để lại di chứng (tàn tật). Trường hợp có biến chứng, có thể điều trị nội trú tại các cơ sở y tế.

Do đó, để bệnh phong không để lại di chứng tàn tật và biến chứng nguy hiểm, người dân cần chú ý các dấu hiệu phát hiện sớm của bệnh. Theo chuyên gia bệnh da liễu, dấu hiệu sớm gợi ý người dân cần tới khám bệnh phong tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Dấu hiệu đó là tổn thương da, thay đổi màu sắc (trắng, thẫm, hồng...) hoặc các mảng đỏ, u da kèm theo có rối loạn/giảm mất/cảm giác (nóng, lạnh, đau, xúc giác), bề mặt tổn thương thường khô, bóng; dáy tai dày, bóng, rụng lông mày; tê bì, mất cảm giác tay, chân.

Về cách phòng ngừa bệnh phong, cho đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh phong, nên cách phòng bệnh có thể áp dụng là mỗi người cần thường xuyên giữ vệ sinh thân thể, tắm rửa bằng xà phòng. Vệ sinh môi trường sạch sẽ, ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Nếu không may mắc bệnh thì cần bình tĩnh, duy trì tinh thần lạc quan để trách ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như lây lan ra cộng đồng và tiến hành điều trị theo phác đồ từ bác sĩ. Trong lúc điều trị, người nhà không cần phải cách ly mà vẫn có thể sống cuộc sống hoàn toàn bình thường như tất cả mọi người trong xã hội.

Có thể nói, với sự phát triển của y học hiện đại, bệnh phong đã không còn là loại bệnh quá nguy hiểm, có thể điều trị dứt điểm bằng nhiều phương pháp. Tuy nhiên, mọi người vẫn cần duy trì tinh thần phòng ngừa bệnh để tránh sự lây lan ra cộng đồng hoặc sự tiến triển quá mạnh mẽ của bệnh, gây ra hậu quả đáng tiếc.

MAI HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202305/nhan-biet-som-de-loai-tru-benh-phong-980328/