Nhận biết dấu hiệu dị ứng thuốc trên da và cách xử trí

Dị ứng thuốc là phản ứng của hệ miễn dịch với loại thuốc được sử dụng hoặc tiếp xúc. Các phản ứng có thể từ nhẹ đến nặng tùy thuộc cơ địa của bệnh nhân. Trong đó các dấu hiệu dị ứng trên da có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh khác, cần nhận biết để có hướng xử trí kịp thời.

1. Các dấu hiệu dị ứng thuốc trên da thường gặp

- Nổi mề đay: Là dị ứng thuốc thường gặp nhất, trong đó có những thuốc gây dị ứng nổi mề đay rất nặng. Tùy loại thuốc và tùy cơ địa của mỗi người, triệu chứng nổi mề đay có thể xuất hiện (thường thấy) sau khi sử dụng thuốc có chứa thành phần mà cơ thể dị ứng khoảng 5 - 10 phút hoặc sau vài ngày. Người bệnh có cảm giác nóng bừng, ngứa, trên da nổi ban cùng sẩn phù này. Đối với những trường hợp nặng, ngoài nổi mề đay thì bệnh nhân còn chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, đau khớp, sốt...

Tất cả các loại thuốc đều có thể gây nên tình trạng nổi mề đay nhưng đa số là dị ứng thuốc kháng sinh, vaccine, huyết thanh, thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt...

- Nổi mẩn, ban đỏ: Sau khi sử dụng thuốc từ một vài ngày đến 1 tuần, trên da bệnh nhân xuất hiện nổi mẩn hoặc dạng ban sẩn hoặc ban dạng sởi, nhỏ như đầu đinh ghim ở thân mình và có thể liên kết lại với nhau tạo thành mảng, gây ngứa... Ban đỏ có thể tồn tại kéo dài đến vài tuần.

Một số biểu hiện dị ứng thuốc trên da.

Ngoài nổi mẩn, ban đỏ, nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng hồng ban đa dạng kèm bọng nước thường được chẩn đoán bị dị ứng nặng. Ngoài ngứa ngáy khó chịu, bệnh nhân còn cảm thấy nóng ran, mệt mỏi; ban đỏ và bọng nước còn xuất hiện ở những vùng da như bộ phận sinh dục, mắt, họng, miệng. Các ban nước này nếu không được xử lý đúng có thể phát triển, vỡ… gây ra viêm loét. Nghiêm trọng hơn là hoại tử niêm mạc ở những vùng da đó.

- Phù Quincke: Là một dạng mề đay khổng lồ với các biểu hiện sưng phù cục bộ dưới da, khiến bệnh nhân cảm thấy ngứa, đau nhức. Ngoài biểu hiện sưng phù, người bệnh còn cảm thấy buồn nôn, đau đầu… Các thuốc có thể gây phù Quincke là kháng sinh, huyết thanh, thuốc hạ sốt, thuốc chống viêm, giảm đau...

Các triệu chứng phù này thường xuất hiện ở những vùng da mỏng như môi, mắt, quanh cổ, bụng, chi, bộ phận sinh dục. Kích thước phù Quincke thường to, nếu ở gần mắt có thể làm mí mắt sưng to, híp lại; ở môi làm môi sưng to biến dạng. Các đám da phù Quincke bình thường hoặc hồng nhạt, đôi khi phối hợp với mày đay...

Dị ứng thuốc nặng có thể dẫn đến khó thở, phải kip thời cấp cứu.

Ngoài biểu hiện ngoài da, thì phù Quincke còn xuất hiện ở những nơi gây nguy hiểm như họng, thanh quản - gây khó thở, ho khan. Trường hợp nghiêm trọng có thể làm co thắt khí quản khiến bệnh nhân bị nghẹt thở và có thể tử vong nếu không được cấp cứu và chữa trị nhanh chóng. Phù Quincke nếu xuất hiện ở đường tiêu hóa khiến bệnh nhân tiêu chảy, nôn ói dữ dội.

- Hội chứng hồng ban đa dạng: Hay còn gọi là hội chứng Stevens-Johnson. Đây là các phản ứng quá mức trên da mức độ nặng. Các thuốc gây ra hội chứng này như: Thuốc chống động kinh co giật như carbamazepin, phenytoin, phenobarbital; các kháng sinh như penicillin, cotrimoxazol, sulfamid; thuốc điều trị gout như allopurinol. Thậm chí thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như paracetamol, các thuốc giảm đau kháng viêm, hạ số (NSAIDs) như ibuprofen, naproxen, meloxicam… đều có thể gây ra hội chứng này ở bệnh nhân quá mẫn.

Mặc dù ít gặp, nhưng đây là phản ứng dị ứng nặng, rất nguy hiểm. Hội chứng hồng ban đa dạng có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc vài giờ đến nhiều ngày sau đó, với các biểu hiện mệt mỏi, ngứa khắp người, nóng ran, sốt cao, nổi ban đỏ, nổi các bọng nước trên da, các hốc tự nhiên như mắt, miệng, họng, bộ phận sinh dục dẫn tới viêm loét, hoại tử niêm mạc các hốc này. Ngoài các biểu hiện nặng nề trên da, hội chứng này còn có thể gây tổn thương gan thận, thể nặng có thể gây tử vong.

- Hội chứng hoại tử tiêu thượng bì nhiễm độc: Hay còn gọi là hội chứng Lyell là biểu hiện của dị ứng thuốc rất nặng. Ban đầu khởi phát có các triệu chứng giống với hội chứng Stevens – Johnson. Hội chứng này có thể xuất hiện sau khi bệnh nhân sử dụng thuốc khoảng vài giờ, thậm chí là vài ngày hoặc vài tuần hoặc một tháng. Các biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, mất ngủ, ngứa khắp người, xuất hiện mảng đỏ trên da. Sau đó lớp thượng bì tách khỏi da, trợt từng mảng…

Ngoài các biểu hiện ngoài ra, thì các tổn thương nghiêm trọng hơn như loét niêm mạc môi, mắt, bộ phận sinh dục, hầu họng, đường tiêu hóa…

Ngoài các biểu hiện ngoài da, hội chứng Lyell còn có thể gây tổn thương nội tạng, viêm gan, viêm thận. Tiến triển bệnh nặng lên rất nhanh, tỉ lê tử vong cao. Các thuốc hay gặp gây ra hội chứng này, gồm:

Thuốc kháng viêm không steroid có tỉ lệ cao nhất khoảng 43%.
Thuốc sulfamid 25%.
Thuốc chống co giật 10%.

Ngoài ra còn một số loại thuốc khác chiếm tỉ lệ thấp như thuốc kháng herpes, thuốc kháng lao… Các thuốc đông y cũng có thể gây ra tình trạng này ở mức nghiêm trọng.

2. Làm thế nào khi dị ứng thuốc?

Ngừng ngay thuốc đang sử dụng và báo cho bác sĩ để được hướng dẫn xử trí.
Nếu hiện tượng dị ứng nhẹ, bác sĩ có thể cho dùng các thuốc chống dị ứng

Đến bệnh viện ngay khi thấy các triệu chứng:

Giọng khàn, khí phế quản bị co thắt khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở, thở khò khè.
Rối loạn tiêu hóa, tức ngực, phát ban khắp người.
Sưng vùng cổ họng, lưỡi, môi kèm theo triệu chứng buồn nôn, nôn ói và đau bụng.
Có triệu chứng mất ý thức dần.
Chóng mặt, mạch đập nhanh, nhịp tim tăng cao và dần dần xuất hiện triệu chứng mất ý thức.
Huyết áp giảm dần, phát ban toàn thân, cảm giác ngứa ngáy nhiều, đau đầu, sốt cao, tức ngực, tiêu chảy.
Các triệu chứng sốc phản vệ.

3. Cách phòng ngừa dị ứng thuốc?

Khi bị dị ứng thuốc, đặc biệt là với các trường hợp dị ứng nặng, việc tiến hành cấp cứu gặp không ít khó khăn, thậm chí để lại một số di chứng nặng nề. Với trường hợp dị ứng nhẹ, việc dùng thuốc chống dị ứng cũng chỉ mang tính chất tạm thời chứ không giải quyết được căn nguyên dị ứng. Do đó, để phòng ngừa dị ứng, bệnh nhân khi phải sử dụng thuốc cần tuân theo những quy tắc sau:

- Chỉ nên dùng thuốc điều trị bệnh theo đúng toa chỉ định của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc để tự điều trị cũng như giới thiệu thuốc điều trị cho người khác vì đơn giản nghĩ rằng họ có bệnh lý giống mình.

- Tình trạng dị ứng thuốc xảy ra ở những lần sau đều trầm trọng hơn lần trước. Do đó, khi đã bị dị ứng loại thuốc nào thì tuyệt đối không được dùng loại thuốc đó nữa. Người bệnh phải ghi lại loại thuốc đã từng gây ra dị ứng để tránh dùng lần sau. Báo cho bác sĩ biết về các loại thuốc mình từng bị dị ứng để bác sĩ tránh kê đơn thuốc đó hoặc thuốc cùng nhóm.

ThS.Nguyễn Minh Hiền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-dau-hieu-di-ung-thuoc-tren-da-va-cach-xu-tri-169231220111432413.htm