Nhận biết các loài sứa độc cắn và sơ cứu đúng cách

Các bãi tắm thuộc các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Vũng Tàu... du khách cần lưu ý khi tắm biển vì rất dễ gặp sứa.

Những vùng biển hay có sứa độc tấn công

Chiều 25/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa xác nhận đang điều trị cho một bệnh nhận tên H.T.L (7 tuổi, trú TP Nha Trang) vào viện chiều 23/6 do bị sứa cắn, nổi mẩn ngứa, tím tái, mất ý thức. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã cấp cứu, chữa trị và truyền kháng sinh. Đến nay, bệnh nhi đã tỉnh, mạch rõ nhưng vẫn còn sốt nhẹ, vết thương ở cánh tay sưng nề, đỏ, lan tỏa.

Mẹ bé L kể lại, chiều 23/6, hai bố con cháu L tắm ở khu vực biển Hòn Chồng, Nha Trang. Trong lúc tắm biển, cháu L bất ngờ bị sứa cắn nhưng không hay biết. Sau khi bố cháu phát hiện sự việc liền đưa cháu L lên bờ. Lúc này 2 tay bé đã thâm tím, bé mê man, ngất đi nên được đưa vào bệnh viện điều trị.

Sứa độc cắn có thể dẫn đến tử vong nếu không biết cách xử trí đúng.

TS Trương Sĩ Hải Trình, Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, thời điểm giao mùa, thời tiết nắng nóng nên sứa thường nổi lên mặt nước. Do đó những ai tắm biển vào buổi sáng và buổi trưa thường đụng phải sứa lửa. Và việc nhìn thấy để phát hiện sứa dưới biển để tránh xa là rất khó. Ở Việt Nam thời gian có sứa gây ngứa, đau rát xuất hiện hầu hết các tháng trong năm. Các bãi tắm thuộc các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Vũng Tàu... du khách cần lưu ý khi tắm biển vì rất dễ gặp sứa ngứa (Chrysaora), xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm đúng vào mùa du lịch biển.

Ngoài ra, mùa này các vùng biển có độ mặn cao như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa thường xuất hiện nhiều loài sứa độc. Tuy nhiên tình trạng bị sứa cắn có thể xảy ra ở hầu hết các vùng biển ở Việt Nam. Khách du lịch đến tắm biển ở các tỉnh này nên hỏi người dân địa phương hoặc nhân viên cơ sở du lịch để tránh những bãi tắm có sứa và các khung giờ có sứa. Sứa biển có các xúc tu với các tế bào có chứa chất gây dị ứng và gây độc, vì vậy nếu vô tình chạm vào sứa khi đang bơi, các chất độc này sẽ bám vào da và xâm nhập cơ thể.

Nhận biết và xử lý các loại sứa độc

TS Đào Việt Hà, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, có một số loài sứa độc khi cắn để lại vết thương khá nghiêm trọng cho người tiếp xúc khi tắm biển. Người dân có thể ghi nhớ và nhận biết các loài sứa độc này để phòng tránh cũng như sơ cứu đúng cách.

3 loại sứa độc cắn là sứa lửa, sứa bắp cày và sứa vòng. Sứa lửa có tên khoa học là Physalia sp hay có tên khác là chiến binh Bồ Đào Nha. Loại sứa này có nhiều xúc tu dài và trong suốt, màu hơi xanh, nhìn như túi nilon. Các xúc tu chứa độc tố gây rát da, bỏng, thậm chí tử vong cho người với lượng lớn độc tố Physaliatoxin gây họa huyết trong thử nghiệm tế bào, gây chết trong thử nghiệm trên động vật.

Sửa lửa cắn sẽ có triệu chứng bỏng rát như lửa đốt, đau nhói như kim châm tại vùng da bị tiếp xúc, sau lan rộng đến háng, bụng và nách. Ở vùng da bị sứa lửa quất (sứa lửa cắn bằng cách quất các xúc tu vào người tiếp xúc), các đường lằn dọc theo vết quất màu đỏ hoặc nâu tím, phồng rộp, nổi bọng nước. Trường hợp nặng sẽ sưng phù, bỏng da, xuất huyết dưới da. Triệu chứng có thể kéo dài đến 1-2 tuần. Trường hợp nặng có thể gây hoại huyết tế bào tim dẫn đến tử vong do suy tuần hoàn.

Khi bị sứa lửa cắn, đầu tiên phải cứu hộ dưới nước, tránh xảy ra đuối nước, hạn chế tối đa cử động để tránh tăng cảm giác đau đớn. Giảm triệu chứng đau nhức bằng cách bôi kem hoặc xịt dung dịch chứa lidocaine và liên hệ với cơ sở y tế gần nhất. Hiện không có thuốc chữa đặc hiệu. Sử dụng thuốc kháng histamine, corticosteroid không có hiệu quả nhưng chườm lạnh có thể giúp giảm triệu chứng.

Sứa bắp cày là loại sứa độc nhất trong số 51 loài sứa hộp, chúng sống trôi nổi ở vùng biển ven bờ Úc, Neu Guinea, Philippin và Việt Nam. Chúng di chuyển vào gần bờ hoặc cửa sông vào mùa sinh sản. Triệu chứng khi bị sứa bắp cày đốt là rát bỏng như chạm vào thanh sắt nung nóng, đau nhức dữ dội. Vùng da tiếp xúc nhanh chóng xuất hiện dấu hiệu phồng rộp, đỏ đậm hoặc tím bầm. Khi bị sứa bắp cày đốt, cần sơ cứu bằng cách ra khỏi vùng nước biển có sứa ngay lập tức. Không rửa vết thương bằng nước ngọt, không gỡ bỏ các xúc tu bằng tay, không chà xát bằng cát sẽ làm tình trạng nhiễm độc trầm trọng hơn. Tốt nhất là dùng giấm loãng để rửa vết thương trong 30 giây. Gỡ bỏ các xúc tu bám trên cơ thể bằng khăn và liên hệ với cơ sở y tế ngay lập tức.

Sứa vòng có tên khoa học là Linuche unguiculata phân bố tầng mặt đến độ sâu 5000m tại vùng nước ấm ở khắp các đại dương, thường bát gặp với một số lượng khổng lồ hàng km trên biển. Chúng có màu trong suốt nhưng thường thấy màu nâu cam từ tảo Zooxanthellae cộng sinh, có kích thước rất nhỏ (16x20mm).

Khi bị sứa vòng đốt sẽ đau dữ dội hàng giờ, đỏ, sưng và phồng rộp ở vùng da tiếp xúc. Các triệu chứng này không nghiêm trọng và sẽ thuyên giảm sau vài ngày. Trường hợp nghiêm trọng có thể gây ra hoại tử da, vết thương ở giác mạc có thể làm tăng nhãn áp dẫn đến suy giảm thị lực. Sơ cứu khi bị sứa vòng đốt bằng cách lập tức thoát ra khỏi vùng nước hoặc vào bờ, nhẹ nhàng cởi bỏ quần áo, đồ lặn, tắm bằng nước biển. Giảm triệu chứng ngứa bằng kem dưỡng da thông thường. Trường hợp nặng có thể dùng kháng histamine/corticosteroids và các loại hạ sốt thông thường.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trong mùa hè khi đu du lịch biển, các gia đình nên phòng sẵn một số thuốc giảm ngứa, thuốc kháng sinh, thuốc chữa tiêu chảy và một chai dấm để chủ động xử lý khi bị sứa đốt. Trước khi xuống tắm biển cần tìm hiểu thêm thông tin từ người dân địa phương để biết những vùng biển nào có nhiều sứa thì nên hạn chế xuống tắm. Khi quan sát thấy sứa biển, tuyệt đối không xuống tắm để tránh bị sứa tấn công.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-cac-loai-sua-doc-can-va-so-cuu-dung-cach-169230628102057476.htm