Nhắm tới Trung Đông

Các nước Arab trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Khoảng 90% lượng dầu của Nhật Bản đến từ Trung Đông.

Sau cuộc chiến giành ảnh hưởng tại châu Phi, trong vài năm qua, Trung Quốc và Nhật Bản cũng từng bước có những cách thức khác nhau để can dự vào Trung Đông nhằm gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này.

Thực tế cho thấy cả Trung Quốc và Nhật Bản đều phụ thuộc nặng về nguồn năng lượng Trung Đông. Các nước Arab trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Khoảng 90% lượng dầu của Nhật Bản đến từ Trung Đông. Nhìn bề ngoài, sự cạnh tranh để tiếp cận nguồn năng lượng có vẻ như là nguồn lực lớn nhất của cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Trung Đông. Việc phát triển hàng loạt mỏ dầu của Trung Quốc và Nhật Bản đua nhau ra đời. Cuộc cạnh tranh kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong khu vực này còn diễn ra khốc liệt ở các dự án cơ sở hạ tầng. Các công ty Trung Quốc và Nhật Bản thậm chí là đang giành giật nhau các dự án xây dựng ở Trung Đông. Thậm chí, Bắc Kinh không chỉ nhắm đến các cơ hội hợp tác với các nước Trung Đông, mà còn tìm kiếm sự hỗ trợ cho Trung Quốc thực hiện chiến lược “một vành đai, một con đường” từ rất lâu.

Ở nhiều nước Trung Đông dầu mỏ đóng góp phần lớn GDP . Ảnh: TELEGRAPH

Nhiều người ở Trung Quốc đã từng gợi ý lợi dụng tình hình bất ổn của Mùa xuân Arab để gia tăng vị trí của của Trung Quốc trong khu vực. Nhật Bản thì dường như có vẻ thận trọng hơn trong việc tăng cường can dự chính trị ở Trung Đông. Tuy nhiên, nếu như Trung Quốc đánh mạnh vào việc mở rộng lợi ích kinh tế ở khu vực này thì Nhật Bản cố gắng tăng cường ổn định ở khu vực bằng các chương trình tình nguyện kết hợp với viện trợ phát triển. Đối với Nhật Bản, Trung Đông có ý nghĩa kinh tế rất quan trọng và đó là lý do chính mà họ gửi tình nguyện viên tham gia vào khu vực này. Người Nhật cho rằng một khi hòa bình mất đi, tất cả mọi thứ khác sẽ bị ảnh hưởng. Năm 2009, các lực lượng Nhật Bản tham gia vào các nỗ lực chống cướp biển quốc tế ở vịnh Aden, theo đó cho Nhật Bản nhiều cơ hội mới để mở rộng các lực lượng quân đội của họ. Nhật Bản thậm chí đã thành lập một căn cứ chống cướp biển ở Djibouti năm 2011 - căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của Tokyto sau Thế chiến II. Có thể nói, căn cứ quân sự của Nhật ở Djibouti là một trong những lý do để Trung Quốc tìm cách thành lập căn cứ quân sự của họ ở đó.

Theo Eastasiaforum, cả hai nước đang nỗ lực tăng cường can dự nhiều hơn vào nền chính trị quyền lực Trung Đông. Đầu năm 2016, khi nguyên thủ Trung Quốc đến thăm Iran và là lần đầu tiên trong vòng 12 năm đến thăm Ai Cập nhằm tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực, nhiều chuyên gia cho rằng cục diện Trung Đông hỗn loạn, Trung Quốc có thể sẽ trắng tay. Tuy nhiên, không giống như các cường quốc phương Tây, giành được sự thống trị trong khu vực đã không trở thành mục tiêu duy nhất của họ. Cả 2 quốc gia này đều không muốn nhúng sâu vào nền chính trị phức tạp của khu vực. Người Nhật tỏ ra rất thực tế về những gì có thể đạt được và trong bao lâu. Điều này có nghĩa là nhiều nước ở Trung Đông không nên hy vọng nhiều vào sự ủng hộ về các vấn đề khu vực từ hai cường quốc châu Á này.

HẠNH CHI

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/nham-toi-trung-dong-445253.html