Nhầm lối yêu thương

Chúng ta không nhọc công gieo trồng vun xới sao chúng ta lại cứ kỳ vọng vào một mùa vàng bội thu? Chúng ta chứ không ai khác phải chịu trách nhiệm trước sự không chịu lớn của những đứa con của mình.

Chẳng có gì phải bàn luận hay phê phán cả nếu chúng ta yêu thương, xót xa những đứa con máu thịt của mình. Những đứa con dẫu đến với chúng ta bằng ''con đường chính thống'', nghĩa là chúng là kết quả tình yêu của bố mẹ, hay là từ nhiều thật nhiều những ''con đường'' khác nữa thì chúng cũng đem đến cho chúng ta những lý do đẹp đẽ, đầy lo toan và trách nhiệm để tồn tại ở trên đời này.

Ảnh internet.

Chúng ta sẵn lòng chết để cho các con ta sống - nếu như số phận đặt ta vào những sự lựa chọn có tính quyết liệt, sinh tử như vậy. Chúng ta có thể đổi những giọt mồ hôi đi cùng với biết bao những nhọc nhằn để con chúng ta được no đủ ấm áp nhất trong khả năng của mình. Chúng ta công khai, chúng ta tràn trề hạnh phúc nói với con chúng ta rằng ta yêu con ta nhất đời...nhất nhất đời... không gì có thể sánh bằng con ta được...

Và... cũng chẳng có gì phải bàn luận hay phê phán khi những đứa con hiểu rất rõ rằng chúng là tất cả của cuộc đời của cha mẹ chúng. Tình mẹ con. Tình cha con. Sự yêu thương đầy ắp của tình cảm gia đình là những tình cảm vừa rất đỗi thiêng liêng lại cũng vừa xiết bao thiết thực và gần gũi. Ta cứ sống trong niềm yêu thương ấy và ta tìm ra cho mình những ý nghĩa thực sự của cuộc đời mình chỉ qua việc ta có những đứa con để chăm chút nâng niu cho chúng mỗi ngày.

Nhưng ở một khía cạnh khác, mỗi một ngày trôi đi, chính là chúng ta đã khiến cho con cái của chúng ta hiểu rằng chúng là number one-chúng chính là số một! Chúng ăn mặc, hưởng thụ một cuộc sống vật chất đủ đầy trong đó có cả việc hưởng thụ sự lựa chọn trường lớp, thầy cô và bạn hữu mà chính chúng ta là những đạo diễn.

Ảnh internet.

Mọi thứ đều ''sẵn nong sẵn né'' đến mức những đứa trẻ coi như thế là đương nhiên -chúng trở thành những đứa trẻ thản nhiên thụ hưởng công sức cũng như tình yêu của cha mẹ nói riêng của mọi người lớn ở trong nhà nói chung mà chính chúng cũng không ý thức được đấy là sự thản nhiên đến hờ hững của mình. Ở trong nhà đã vậy, ra ngoài xã hội cũng thế. Những đứa con chúng mặc nhiên cho rằng ai ai ở ngoài cánh cửa gia đình cũng phải có trách nhiệm làm theo ý chúng-nghĩa là cung phụng chúng như cung phụng những ông Hoàng bà Chúa vậy.

Vì thương con, tất cả chỉ vì thương yêu con hết lòng thôi, chúng ta dành lấy làm mọi việc lớn nhỏ ở trong nhà để các con ta chỉ có một việc duy nhất là chú tâm vào việc học. Kết quả là sao thì chắc các ông bố bà mẹ nuông chiều con đều đã biết: có những đứa trẻ đã trở nên thụ động, lười biếng không biết đến cả tự chăm sóc bản thân chứ chưa nói gì đến quan tâm đến sức khỏe cũng như những tâm trạng vui buồn của cha mẹ.  Chúng điều khiển cha mẹ, coi cha mẹ là những đối tượng phải có trách nhiệm chăm sóc cũng như thỏa mãn mọi nhu cầu của chúng. Nếu không được như ý, chúng hờn giận trách móc, thậm chí ở mức cao hơn, có đứa còn thù hận cha mẹ.

Cũng lại vì thương con, chúng ta không tiếc bất cứ một thứ gì kể cả việc ''gửi gắm'' thầy cô, ''có lời'' với thầy cô để con chúng ta đến trường cũng như ở nhà, vẫn duy trì được ở vị trí number one, tức là vị trí số một cao chót vót, ngất ngưởng. Nói một cách không ngoa rằng, bằng tất cả khả năng và các mối quan hệ của mình, cha mẹ đã ''mua'' cho trẻ những tấm thảm lót đường. Chúng cũng lại thản nhiên thụ hưởng chứ không cần phải nhọc công nỗ lực. Mà nỗ lực để làm gì khi chúng biết chắc là nếu có chuyện gì xảy ra, chúng không phải chịu trách nhiệm đã đành mà đã có cha mẹ lo cho chỗ khắc dễ chịu hơn để lại tiếp tục làm một người lớn to xác nhưng không bao giờ trưởng thành!

Ảnh internet.

Rồi cũng chỉ vì thương yêu con hết lòng hết dạ nên trong mắt chúng ta chỉ có những đứa con của mình. Chúng ta luôn thấy ở con cái chúng ta những điều tuyệt vời nhất. Nếu chúng không ''nhất'' thì đấy là lỗi của những yếu tố bên ngoài, lỗi của ngoại cảnh chứ con cái chúng ta không có lỗi! Nếu con chúng ta giằng lấy đồ chơi của bạn mà không được-lỗi ấy thuộc về ''đứa con nhà người'' không nhường nhịn con ta chứ con ta nào đâu có lỗi-chúng còn bé ấy mà? Nếu cô giáo có nặng lời với con ta, thì nhất định cô giáo ấy có vấn đề về khả năng sư phạm chứ con chúng ta không thể có khuyết điểm được-con ta thông minh, tài giỏi thế kia mà...

Vậy mới có chuyện cha mẹ can thiệp bằng cả vũ lực với bạn cùng lớp với con và giáo viên của con. Tất cả chỉ bởi con ta không được nâng niu chiều chuộng một cách vô điều kiện như chính chúng ta nâng niu chiều chuộng con chúng ta ở nhà vậy. Cứ như vậy, theo thời gian, theo năm tháng, chúng ta mải mê yêu thương con mình mà quên đi một sự thật khác: những đứa trẻ khác cũng là tất cả cuộc đời của cha mẹ chúng! Chúng ta ví con cái chúng ta như vàng bạc kim cương thì vì lẽ gì chúng ta lại coi con cái người khác chẳng hơn gì một cục đất thó?

Có không ít gia đình có con cái đã lớn lao phương trưởng mang tâm lý ai yêu con mình, ai lấy được con mình cũng là phúc đức bảy tám đời nhà họ. Chính vì cái sự phúc đức ấy mà ''con nhà người khác'' phải cúc cung tận tụy với con mình. Cái đứa con nhà người khác ấy lại tiếp tục cái trách nhiệm và bổn phận nâng niu chằm bẵm một đứa trẻ con trong một thân xác lớn, không được trái ý, cãi lời bởi nếu có chuyện gì tất đã có cha mẹ hứng đỡ cho rồi!

Vậy là, tiếng là đã sống mấy chục năm trên đời, tiếng là to con hay nõn nường khả ái, tiếng là tốt nghiệp trường nọ để trang bị bằng cấp kia, thậm chí tiếng là đã có một tổ ấm riêng của mình-những đứa con của chúng ta ấy vẫn tiếp tục là những đối tượng để chúng ta sống hộ, làm hộ, chịu trách nhiệm hộ mọi đường đi nước bước của chúng.

Như một hệ quả tất yếu của sự nuông chiều con quá mức, đã có không ít những giọt nước mắt tủi thân và cả nhuốm phần cay đắng của các bậc phụ huynh khi nhận ra sự thờ ơ ghẻ lạnh đến ích kỷ lạnh lùng của những đứa con dành cho mình. Nhưng chúng ta không rèn con tự lập, làm sao có thể đòi hỏi chúng khả năng thích ứng và xoay xỏa trong những hoàn cảnh không mong muốn? Chúng ta không dạy con hiếu đễ, quan tâm đến những người thân yêu ruột già, làm sao có thể đòi hỏi chúng phải có những hành xử ấm áp xuất phát từ trái tim chúng với chúng ta?

Chúng ta không dạy con biết phấn đấu để tích lũy bồi bổ tri thức, sao lại có thể đòi hỏi chúng phải thông tuệ, anh minh sáng láng? Sao lại trách chúng nông cạn hời hợt khi chính chúng ta thả nổi cho chúng muốn làm gì thì làm mà không nhận được từ chính chúng ta bất cứ một sự hướng dẫn cũng như rèn rũa nào?

Chúng ta không nhọc công gieo trồng vun xới sao chúng ta lại cứ kỳ vọng vào một mùa vàng bội thu? Chúng ta, chính là chúng ta chứ không ai khác phải chịu trách nhiệm trước sự không chịu lớn của những đứa con của mình.

Liệu có bao nhiêu ông bố bà mẹ ngộ ra được điều này?

Saomai Pham.

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/me-va-be/nham-loi-yeu-thuong-245288/