'Nhạc trưởng' cộng đồng người Tày ở Ea Ly

Ông Nguyễn Đình Sao biểu diễn một bài hát then ca ngợi quê hương do chính ông sáng tác. Ảnh: NGÔ XUÂN

Sau hơn 30 năm rời quê hương vào lập nghiệp tại xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, ông Nguyễn Đình Sao, 67 tuổi, người dân tộc Tày ở thôn Tân Lập đã coi vùng đất này là quê hương thứ hai của mình. Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông còn là người có uy tín, “nhạc trưởng” của cộng đồng người Tày ở vùng đất này.

Làm kinh tế giỏi

Năm 1992, khi đời sống ở quê nhà Lạng Sơn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Đình Sao quyết định đưa vợ cùng 3 con nhỏ vào vùng đất mới Ea Ly lập nghiệp. Choáng ngợp trước vùng đất giàu tiềm năng, nhiều lợi thế này, ông Sao lao vào làm việc, với quyết tâm phải làm giàu trên mảnh đất này. Ban đầu, ông đi làm thuê cho người khác, sau một thời gian tích cóp, ông mua đất, trồng rừng, phát rẫy để phát triển kinh tế cho riêng mình.

Ông Nguyễn Đình Sao tâm sự: Khi mới vào vùng đất Ea Ly, tôi sững sờ trước một vùng đất rất giàu về tài nguyên thiên nhiên, bạt ngàn rừng cây. Thêm vào đó là lợi thế về thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Rất nhiều loại cây ngắn ngày, dài ngày đều được tôi trồng thử, để rút kinh nghiệm xem loại cây trồng nào mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững nhất.

Theo ông Nguyễn Đình Sao, gia đình ông hiện có khoảng 19ha cây lâu năm; trong đó có 14ha cao su, 5ha sầu riêng. Ngoài ra, dưới tán sầu riêng, ông còn trồng xen nhiều cây ăn trái như vải thiều, nhãn, bưởi… Năm 2022, vườn sầu riêng của gia đình ông Sao bắt đầu cho trái, thu bói được 5-6 tạ; dự kiến năm nay sẽ cho trái đều và ổn định hơn. Mùa sầu riêng của Phú Yên thường chậm hơn các địa phương khác khoảng 2 tháng, cùng với chất lượng giống tốt nên giá sầu riêng luôn cao hơn.

Những năm qua, từ sản xuất nông, lâm nghiệp đã mang về cho gia đình ông Sao nguồn thu từ 500-900 triệu đồng/năm; đồng thời tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Nhiều năm liền, ông Nguyễn Đình Sao được tuyên dương nông dân sản xuất giỏi từ cấp xã, huyện đến cấp tỉnh. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, sản xuất cho cộng đồng người đồng bào dân tộc ở địa phương. Nhờ vậy, đời sống người dân thôn Tân Lập ngày càng khá giả và ổn định hơn.

Giữ nét đẹp văn hóa

Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông Nguyễn Đình Sao còn là một người có uy tín của cộng đồng người dân tộc Tày ở thôn Tân Lập. Ông Sao cũng là “nhạc trưởng”, người gìn giữ và duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng người dân tộc Tày di cư từ các tỉnh phía Bắc vào Phú Yên.

Chia sẻ về quá trình gắn bó với vùng đất Ea Ly, ông Nguyễn Đình Sao nhớ lại: Năm 1994, tôi được phân công làm Phó Trưởng Công an xã Ea Bar. Đến năm 2003, xã Ea Ly được thành lập, tôi được điều chuyển làm trưởng công an xã này. Năm 2008, tôi nghỉ hưu, rồi được bầu làm bí thư chi bộ, kiêm người uy tín của thôn Tân Lập. Năm 2017, tôi lại được giao làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã cho đến nay.

Thời điểm ông Nguyễn Đình Sao vào Ea Ly lập nghiệp, vùng đất này còn rất hoang sơ, không có bất kỳ một hoạt động vui chơi, giải trí nào. Xuất phát từ lòng thương nhớ quê hương, ông Sao tập tành hát then - môn nghệ thuật truyền thống của người Tày ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhận thấy được sự hấp dẫn của môn nghệ thuật này, địa phương đã vận động ông thành lập câu lạc bộ hát then phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng người đồng bào dân tộc Tày của huyện. Không chỉ hướng dẫn về đàn, hát, dân vũ, ông Sao còn tự sáng tác rất nhiều bài hát về cảnh sắc quê hương cho các thành viên câu lạc bộ đàn, hát và biểu diễn trong cộng đồng cũng như giao lưu với các địa phương lân cận. Không những vậy, ông Sao còn vận động bà con gìn giữ rất nhiều tập quán, văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc Tày như tục đón tết, cưới xin, các món ăn truyền thống; duy trì lễ hội xuống đồng vào những ngày đầu xuân mới…

Trong vai trò là người có uy tín ở thôn Tân Lập, ông Nguyễn Đình Sao luôn làm tốt công tác vận động, tuyên truyền và định hướng cộng đồng người Tày nói riêng và người đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung luôn sống và làm việc theo pháp luật; kiên quyết chống lại các hủ tục lạc hậu.

Ông Nguyễn Đình Sao cho biết: Khi vừa bước chân vào vùng kinh tế mới Tân Lập, khu vực này toàn bộ là rừng núi hoang vu. Khi ấy, muốn có một bì muối, chai mắm cũng phải đi bộ gần một ngày trời để xuống được thị trấn mua. Ấy vậy mà chỉ trong khoảng 30 năm, khi Nhà nước triển khai các chính sách khuyến khích phát triển vùng kinh tế mới, cùng với những định hướng, hỗ trợ đầu tư dự án trồng cây cao su, sầu riêng, đã mang lại những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần thay đổi đời sống người dân ở Ea Ly. Nhờ vậy, bà con đồng bào các DTTS luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bà Nguyễn Thị Minh Sương, Chủ tịch UBND xã Ea Ly, cho biết: Ông Nguyễn Đình Sao không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi, mà còn là một cán bộ gương mẫu, một người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Tày của địa phương. Dưới dự động viên của ông Nguyễn Đình Sao, cộng đồng người dân tộc Tày không những có đời sống kinh tế ổn định, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn luôn biết chú trọng gìn giữ và phát huy tốt các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc mình.

Dưới dự động viên của ông Nguyễn Đình Sao, cộng đồng người dân tộc Tày ở Ea Ly không những có đời sống kinh tế ổn định, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn luôn biết chú trọng gìn giữ và phát huy tốt các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc mình.

Bà Nguyễn Thị Minh Sương, Chủ tịch UBND xã Ea Ly

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/420/298609/-nhac-truong--cong-dong-nguoi-tay-o-ea-ly.html