Nhạc chế Phật giáo – hiện tượng đáng báo động

Nhạc chế Phật giáo là cụm từ để chỉ những bài hát bị sửa lời, nội dung mang yếu tố Phật giáo. Đó không chỉ là hành vi vi phạm bản quyền

Nhạc chế Phật giáo là cụm từ để chỉ những bài hát bị sửa lời, nội dung mang yếu tố Phật giáo. Đó không chỉ là hành vi vi phạm bản quyền

Tác giả: Viên Sanh

“Nhạc chế Phật giáo” là cụm từ dùng để chỉ những bài hát bị sửa lời với nội dung mang yếu tố Phật giáo. Đó không chỉ là hành vi vi phạm bản quyền, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của đạo Phật trong đời sống văn hóa xã hội. Đáng buồn là, các sản phẩm như thế càng lúc càng xuất hiện ồ ạt trên Internet hiện nay.

Chỉ cần tìm kiếm với cụm từ “nhạc chế Phật giáo”, chúng ta sẽ thấy hàng loạt sản phẩm âm nhạc hiển thị. Các bài hát này sử dụng nhạc nền của các ca khúc đang được lưu hành, nhưng đặt ra lời mới với nội dung về Phật giáo.

Đa phần các bài hát bị chế lời đều là nhạc vàng – dòng nhạc được công chúng bình dân yêu thích. Tuy nhiên bên cạnh đó, dân ca, nhạc trẻ, nhạc nước ngoài, thậm chí là nhạc thiếu nhi… cũng chịu chung số phận, dù số lượng không nhiều.

Có thể liệt kê một số trường hợp như: Chiếc áo bà ba (Trần Thiện Thanh) trở thành Chiếc áo cà sa, Con đường xưa em đi (Châu Kỳ) trở thành Con đường đi Tây phương, Vó ngựa trên đồi cỏ non (Giao Tiên) trở thành Ăn cơm chay ở chùa, Đêm buồn tỉnh lẻ (Bằng Giang) trở thành Con về chùa, Thành phố buồn (Lam Phương) trở thành Giải thoát, Phố đêm (Tâm Anh) trở thành Bình bát Như Lai…

Rước tình về với quê hương (Hoàng Thi Thơ) trở thành Con theo cha Di Đà, Chuyện hoa sim (Anh Bằng) trở thành A-na-luật Thiên nhãn đệ nhất, Trăng tàn trên hè phố (Phạm Thế Mỹ) trở thành Giác ngộ, Xin anh giữ trọn tình quê (Duy Khánh) trở thành Con giữ trọn đạo mầu…

Lời mới của các bài nhạc chế Phật giáo đương nhiên là lành mạnh, có nội dung hướng thiện, kêu gọi tu hành… Tuy nhiên, chúng không phải là những tác phẩm được sáng tạo hoàn toàn, mà hình thành thông qua sự chắp nối thô sơ, cho nên thiếu sự trau chuốt về nghệ thuật. Đơn cử như: “Ai bảo ăn chay là khổ, ăn chay vui lắm chứ. Vì từ bi tấm lòng vị tha vì thương xót chúng sinh. Không lấy sát sinh làm vui mà dùng chay thanh khiết” (Ai bảo ăn chay là khổ).

Thậm chí, không ít bài hát còn những “hạt sạn”, có thể làm người nghe “phản cảm”, chẳng hạn như: “Ai bảo đi tu là khổ, đi tu sướng lắm chứ. Ngồi tụng kinh, cái đầu rung rinh và đôi mắt lim dim. Năm tháng không lo chuyện chi ngoài công phu chấp tác. Cứ mỗi năm ba má đến thăm mang bánh quà đầy mâm” (Ai bảo đi tu là khổ). Ngoài ra, có nhiều lời ca đan xen tùy tiện giữa đạo và đời, thanh thoát và thô thiển, thẩm mỹ và thông tục…

Không chỉ dừng lại ở phần lời, phần nhạc cũng tạp nham không kém. Do các bài nhạc chế được hình thành từ việc ghép nhạc nền ca khúc có sẵn với lời mới, nên có những trường hợp không tương thích. Nhiều bài hát có giai điều sầu não, rên rỉ, oán than… không phù hợp với tinh thần của nhà Phật, khiến người nghe có cái nhìn tiêu cực về đạo Phật.

Dùng âm nhạc để góp phần lan tỏa những giá trị của đạo Phật là điều đáng quý. Song, thực hiện các sản phẩm về Phật giáo bằng cách chắp vá, ghép nối, cải biên… đã thể hiện sự thiếu tôn trọng, thiếu trang nghiêm, thiếu chuẩn mực… trong ứng xử. Đồng thời, điều đó còn ảnh hưởng đến hình ảnh chung của Phật giáo Việt Nam.

Về phương diện thế tục, pháp luật quy định hành vi sửa chữa, cắt xén, làm tác phẩm phái sinh dưới bất kỳ hình thức nào mà không được sự đồng ý của tác giả đều là hành vi vi phạm pháp. Về phương diện tôn giáo, nhà Phật quy định giới thứ hai trong năm giới dành cho phật tử là không trộm cắp. Do đó, không có lý do gì dung túng cho hành vi sử dụng và chỉnh sửa sản phẩm trí tuệ của người khác, dù mục đích phi lợi nhuận.

Có thể, những người chế nhạc không hiểu rõ pháp luật, không biết mình đang “đạo nhạc”. Họ “vô tư” chế nhạc vì nghĩ đơn giản rằng đây là việc làm có ích, thậm chí góp phần vào sự nghiệp hoằng pháp. Mặc dù xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, nhưng như thế không có nghĩa là họ không có lỗi.

Chúng ta biết, chế nhạc là việc làm tự phát của mỗi cá nhân, không liên quan đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Song, với tư cách là tổ chức đại diện cho cộng đồng Phật giáo tại Việt Nam, thiết nghĩ Giáo hội cần lên tiếng trước tình trạng này. Bởi, những người sửa lời ca khúc trở thành lời mới mang nội dung Phật thì dĩ nhiên họ phải là người theo đạo Phật.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Ban Văn hóa và Ban Thông tin Truyền thông cần có những biện pháp truyền thông cụ thể để phật tử không tham gia chế nhạc hoặc lan truyền các bài nhạc chế có nội dung Phật giáo.

Mặt khác, nếu Giáo hội có nhu cầu phát triển âm nhạc Phật giáo và phật tử có nhu cầu thưởng thức âm nhạc Phật giáo, chúng ta có thể tạo điều kiện thúc đẩy nhạc sĩ sáng tạo những tác phẩm mới. Thông qua các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác, chương trình biểu diễn, tổ chức ghi hình hay thu âm… Phật giáo Việt Nam sẽ có nhiều tác phẩm âm nhạc có nội dung sâu sắc, giai điệu phù hợp, có tính định hướng đạo đức và thẩm mỹ…

Tác giả: Viên Sanh

Số 388/21 Bình Hòa, Bình Thủy, Châu Phú, An Giang

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/nhac-che-phat-giao-hien-tuong.html