Nhà vườn gặp khó trong phòng trừ sâu đầu đen, bọ cánh cứng trên cây dừa

Hiện diện tích nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn toàn tỉnh 30,5ha; trong đó, diện tích nhiễm nặng 3,2ha, nhiễm trung bình 9,56ha, nhiễm nhẹ 17,72ha. Tập trung ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú... Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng các địa phương đang tập trung khoanh vùng phun thuốc phòng trị đối với các vườn nhiễm nặng, có nguy cơ lây lan ra xung quanh.

Vườn dừa của gia đình bà Lê Thị Chay bên bị sâu đầu đen tấn công.

Qua ghi nhận thực tế của chúng tôi tại một số vườn dừa có nhiễm sâu đầu đen, việc phun thuốc của nhà vườn gặp nhiều khó khăn, khó triển khai và nhà vườn chưa thật sự quan tâm đến phòng, trừ sâu đầu đen hại dừa…

Bà Lê Thị Chay, ấp Kinh A, xã Huyện Hội, huyện Càng Long cho biết: gia đình có 0,3ha đất trồng dừa (khoảng 70 cây), từ giữa tháng 7/2023, sâu gây hại trên cây dừa, đến nay, trên 80% diện tích dừa của gia đình đã bị nhiễm bệnh và toàn bộ lá dừa có hiện tượng trắng móc; một số cây dừa bắt đầu chết.

Cũng theo bà Lê Thị Chay, do dừa khá cao nên việc phun thuốc rất khó, chỉ trông chờ vào cán bộ kỹ thuật của huyện, xã phun xịt. Hiện nay, năng suất dừa có khả năng giảm trên 50% và người trồng dừa cũng không dám sử dụng các loại thuốc để diệt sâu đầu đen, vì sợ ảnh hưởng đến trái dừa, cũng như sức khỏe người tiêu dùng.

Còn gia đình ông Phan Văn Bé Ba cùng ngụ ấp Kinh A, cũng có 0,2ha diện tích trồng dừa (trong đó có 0,1ha dừa mới trồng được 02 năm tuổi) cho biết: sâu bệnh gây hại trên cây dừa, gia đình cũng chỉ biết qua thông báo và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật ở huyện xuống tuyên truyền. Cái khó của các hộ trồng dừa ở đây là do dừa quá cao, việc tự phun xịt thuốc không khả thi. Phương tiện sử dụng để phun xịt, ngành chuyên môn nên đưa máy bay không người lái vào phun và thực hiện đồng loạt trên diện rộng…

Hiện nay, tình hình sâu đầu đen đối với các vườn dừa đã được phun xịt có mang lại hiệu quả rất cao, tuy nhiên sau thời gian phun xịt, do chưa thực hiện đồng bộ, một số diện tích dừa mới xuất hiện sâu đầu đen lây lan, tấn công. Riêng trên địa bàn huyện Trà Cú, đã xuất hiện sâu đầu đen vào đầu năm 2024 và đang được cán bộ kỹ thuật tập trung phun xịt để tránh lây lan; diện tích khoảng 04ha (tương đương 1.000 cây dừa) ở ấp Xoài Lơ, xã Lưu Nghiệp Anh.

Do sâu đầu đen thường cạp mặt dưới lá, thải phân và nhả tơ kết thành tổ giống như đường đi của tổ mối để trú ẩn, khi bị động, sâu đầu đen ẩn nắp vào trong tổ hoặc nhả tơ xuống đất. Vì vậy việc phun thuốc phòng trừ gặp nhiều khó khăn. Sâu gây hại làm tàu dừa bị cháy khô từ các tàu lá già bên dưới, dần lên các tàu lá phía trên ngọn, sâu còn tấn công cả vỏ trái dừa.

Một số giải pháp kỹ thuật trong phòng, trị sâu đầu đen được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo: thường xuyên thăm vườn dừa để kịp thời phát hiện. Cắt tỉa và tiêu hủy các tàu lá dừa bị sâu gây hại, đem đốt hoặc vùi xuống nước nhằm làm giảm mật số sâu hại. Chăm sóc, bón phân đầy đủ cho vườn dừa phát triển tốt.

Bảo vệ thiên địch: ong ký sinh, bọ xít bắt mồi, kiến vàng, bọ đuôi kìm. Khi phun trị, sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu có hoạt chất như: Emamectin benzoate, Lufenuron, Spinetoram, Flubendiamide hoặc Spirotetramate...

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nha-vuon-gap-kho-trong-phong-tru-sau-dau-den-bo-canh-cung-tren-cay-dua-35301.html