Nhà ven sông Hồng bị nứt do khai thác cát quá mức, người dân phải làm gì?

Việc khai thác cát vượt mức sẽ làm tụt đáy sông. Dòng sông bị xói sâu ở một điểm sẽ gây xói lở đáy dẫn đến sụt lún ven sông. Tình trạng sụt lún sẽ ngày càng nghiêm trọng khi cát bị khai thác quá mức, sức chịu đựng của lòng sông không còn.

Hàng chục nhà ven sông Hồng bị nứt tường

Từ cuối năm 2023 đến nay, hàng chục căn nhà chủ yếu thuộc xóm Bãi, thôn Vân Hội (xã Phong Vân, Ba Vì, TP Hà Nội) có dấu hiệu bị nứt tường, nhiều nhà kiên cố cũng xuất hiện những vết nứt chạy dài trên nền gạch.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch xã Phong Vân cho rằng hút cát làm ảnh hưởng đến lòng sông, biến đổi dòng chảy, gây nứt kè, tường nhà dân. Khoảng 900m bờ kè sông Đà đã bị tụt chân. Số nhà lún nứt tăng nhanh, hiện lên 42, nằm từ bờ kè vào sâu khoảng 40-50 m, tập trung ở xóm Bãi.

TP Hà Nội không cấp phép khai thác khoáng sản ở khu vực này, nhưng Phú Thọ cho phép khai thác mỏ cát trên địa bàn của họ, giáp ranh với xã Phong Vân. Trung bình mỗi ngày có hàng trăm tàu hoạt động, lúc cao điểm vài trăm tàu khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Trước việc hàng chục nhà dân ven sông Hồng đoạn qua huyện Ba Vì bị nứt tường, địa phương kiến nghị UBND TP Hà Nội làm việc với tỉnh Phú Thọ, đề nghị tạm dừng cấp phép khai thác cát khu vực này.

Khai thác cát quá mức được cho là nguyên nhân gây sạt lở nhà cửa ven sông Hồng.

Khai thác cát quá mức được cho là nguyên nhân gây sạt lở nhà cửa ven sông Hồng.

Qua đánh giá sơ bộ, đơn vị chức năng của huyện cho biết so với thời điểm mới xây dựng tuyến kè Phong Vân năm 2018, khu vực này bị xói lở với độ sâu 4,5-5m, làm mái và chân kè sạt lở, ảnh hưởng đến công trình nhà dân. Lãnh đạo UBND xã Phong Vân cho biết số nhà dân có hiện tượng nứt tường, nền gạch thời gian qua có dấu hiệu tăng nhanh, bắt đầu từ cuối năm 2023. Các nhà này tập trung ở khu vực xóm Bãi, nằm men theo bờ kè đoạn giao giữa sông Hồng, sông Đà và sông Thao.

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì việc hút cát quá mức đã khiến nhiều nơi trên sông Hồng và các sông dọc theo hướng Bắc - Nam bị hạ thấp và giảm mực nước.

Nếu lượng cát bị hút quá nhiều tại một vị trí, nhất là nạo vét thông luồng, mực nước tại đó và thượng nguồn sẽ bị giảm, đồng thời độ dốc đáy sông và mặt nước tăng lên nên vận tốc dòng chảy cũng tăng theo, gây xói lở đáy dẫn đến sụt lún ven sông. Thậm chí một số cây trồng ở hai bên sông có thể bị chết và tạo ra những thay đổi đến hệ sinh thái. Đồng thời, việc mực nước ngầm bị hạ thấp còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước ngọt phục vụ sinh hoạt của dân cư. Dòng sông bị tụt khiến chân công trình bị lộ và nhanh chóng hư hỏng.

"Lòng sông và thay đổi chế độ dòng chảy cũng ảnh hưởng tới việc săn mồi, phát triển, đẻ trứng và nuôi dưỡng các con non của động vật thủy sinh" - ông Ca cho biết.

Bên cạnh lượng phù sa giảm là sự khai thác cát quá mức làm cho đáy sông bị biến dạng; tác động dây chuyền đến dòng chảy. Khi dòng chảy của nước đang ổn định mà bị sự tác động bất thường nào đó nó sẽ bị biến đổi. Quán tính của nước tới chỗ địa hình đáy sông thay đổi thì dòng nước bị lệch và không thể "nắn" lại liền được, nhất là với các dòng sông lớn.

Thực tế cho thấy, khai thác cát dù ở mức độ nào cũng gây ảnh hưởng nhất định đến môi trường và chất lượng nước sông. Đối với những khu vực đã xảy ra sụt lún, khẩn trương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng, thiết lập hành lang an toàn (hướng dẫn, có giải pháp khắc phục sụt lún và đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện... được lưu thông thông suốt) và lắp đặt biển báo đối với những khu vực có nguy cơ xảy ra sụt lún.

Dòng sông - 'giết' thì dễ', 'hồi sinh' cực khó

Theo chuyên gia, giải pháp lúc này đặt ra, việc giám sát không chỉ xung quanh khu vực khai thác mà phải chạy dài lưu vực, bởi mức độ ảnh hưởng của quá trình khai thác cát trên một phạm vi rộng lớn. Đồng thời, khi cấp phép phải buộc chủ dự án cam kết bồi thường nếu để xảy ra các sự cố cho môi trường như sạt lở, gây ô nhiễm nước sông, cá chết. Chỉ có như vậy mới hạn chế được việc các chủ dự án lợi dụng giấy phép để làm bậy.

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam - VRN), việc khai thác cát vượt mức sẽ làm tụt đáy sông. Do dòng sông bị xói sâu ở một điểm, lượng cát từ thượng nguồn về sẽ đọng lại mà không chuyển được về cho hạ du. Với diễn biến khai thác cát khó kiểm soát, tình trạng sụt lún, nứt nhà ven sông sẽ còn tiếp tục nghiêm trọng trong thời gian tới. Sụt lún sẽ diễn ra từ từ, hệ quả là người dân có thể mất nhà bất cứ lúc nào.

Thực tế hiện nay, một dòng sông thường chảy qua nhiều tỉnh, thành nhưng sự hợp tác giữa các địa phương còn mang tính hình thức. Chỉ thông qua họp và trao đổi hơn là xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể. Phải cải tổ cách quản lý. Có như vậy mới trị được vấn nạn ô nhiễm và "cát tặc" hoành hành".

Cũng cần lưu ý, việc khai thác cát chắc chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy, gây hiện tượng bồi lắng không theo trật tự nào, từ đó tạo ra những dòng xoáy bất ổn định hoặc gây nên hiện tượng lở cả hai bờ sông. Vì thế, cần phải đặt lợi ích chung của xã hội lên trên lợi ích nhỏ lẻ, cục bộ. "Giết chết" một dòng sông bằng cách xả thải chưa qua xử lý và khai thác cát bừa bãi thì dễ, nhưng để hồi sinh một dòng sông chết là vô cùng khó khăn. Có khi phải cần đến vài chục năm, hàng trăm năm.

Tình trạng khai thác cát trái phép quá mức và thiếu kiểm soát ở nhiều nơi thời gian qua không chỉ gây thất thoát tài nguyên, thất thu cho Nhà nước mà đang trực tiếp gây ra nhiều hệ lụy kép. Việc khai thác bừa bãi, không tuân thủ quy định gây tác động rất lớn đến hệ thống sông ngòi. Ở nhiều dòng sông, mực nước đã và đang có xu hướng hạ thấp mà một trong những nguyên nhân là do khai thác cát bừa bãi gây xói mòn lòng sông và xói lở bờ bãi.

Theo PGS TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ), nếu tiếp tục tăng cường khai thác cát sông theo tốc độ như hiện nay thì sẽ chúng ta sẽ phải trả giá. Cụ thể, việc khai thác cát sông quá mức sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân ven sông, gia tăng và kéo dài thời gian sạt lở... Đây là những vấn đề đã được các nhà khoa học cảnh báo từ lâu song chưa có biện pháp quản lý phù hợp.

PGS.TS Lê Anh Tuấn ví dụ: Những hộ dân sống ở khu vực bị khai thác cát nhiều nhất có nguy cơ mất nhà cửa cao nhất. An Giang và Đồng Tháp là 2 tỉnh có lượng khai thác nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, lần lượt là 5,3 triệu m3 và 5,5 triệu m3 hằng năm. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi 2 tỉnh này cũng dẫn đầu về số nhà cửa có nguy cơ bị mất do sụt lún và cần phải di dời 5.300 ngôi nhà ở An Giang và 6.400 ngôi nhà ở Đồng Tháp.

Chuyên gia khuyến cáo người dân khu vực này không xây dựng các công trình nhà ở, vật kiến trúc và các công trình khác trong thời gian cơ quan chức năng khắc phục việc sụt, lún đất và các biện pháp phòng ngừa việc sạt, lở đất tại khu vực này.

Chủ động theo dõi diễn biến sụt, lún, nứt hoặc sạt, lở đất tại khu vực này, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các diễn biến phát sinh để có biện pháp xử lý bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân nhất là trong mùa mưa lũ.

Theo các chuyên gia, phải tăng cường giám sát hoạt động khai thác cát của các dự án, không để chủ đầu tư lạm dụng giấy phép hủy hoại dòng sông nhằm trục lợi. Nạn nhân của khai thác cát bừa bãi chính là những người dân sống ở ven sông, mất nhà cửa, mất đất canh tác, sinh kế bị lấy đi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nha-ven-song-hong-bi-nut-do-khai-thac-cat-qua-muc-nguoi-dan-phai-lam-gi-16924051709543456.htm