Nhà văn và điện ảnh

Vừa qua, có một số hội thảo về điện ảnh với sự tham dự của các nhà quản lý, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên… nhưng lại thiếu đội ngũ những nhà văn viết kịch bản điện ảnh - truyền hình. Trong khi thực tế cho thấy, nhà văn có vai trò nhất định trong việc kích thích, thúc đẩy các tác phẩm điện ảnh; phần lớn những tác phẩm điện ảnh đỉnh cao đều khởi nguồn từ tác phẩm văn học của nhà văn. Chúng ta có thể nhắc đến Cánh đồng hoang (nhà văn Nguyễn Quang Sáng), Hòn đất (nhà văn Anh Đức), Ván bài lật ngửa (nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý), Vợ chồng A Phủ (nhà văn Tô Hoài) hay Thời xa vắng (nhà văn Lê Lựu), Mùa len trâu (nhà văn Sơn Nam). Đặc biệt là những phim ăn khách cho giới trẻ gần đây của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua, Mắt biếc… Có thể nói, tác phẩm văn học nổi tiếng vốn tự thân đã là sự bảo đảm cho một sản phẩm điện ảnh với công chúng. Vấn đề là chỉ nhờ vào tài năng của biên kịch chuyển sang ngôn ngữ điện ảnh và đạo diễn biến ngôn ngữ thành tác phẩm điện ảnh.

Poster phim Sơn ca trong thành phố và Tự thú trước bình minh.

Tác phẩm điện ảnh nào cũng vậy luôn mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc, đặc biệt là âm hưởng vùng đất và không ai khác chính nhà văn là người đầu tiên làm điều ấy. Ví dụ như các phim: Cánh đồng hoang, Mùa len trâu, Cánh đồng bất tận và sắp tới đây là phim Đất rừng phương nam chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi mang đậm hương vị miền sông nước Nam Bộ. Với miền Tây Bắc thì có phim Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài - người có gần chục năm sống ở miền núi, hay phim Chuyện của Pao chuyển thể từ truyện của nhà văn Đỗ Bích Thúy sống ở miền núi phía bắc. Phim Thời xa vắng thì đậm không khí, cảnh sắc miền đồng bằng Bắc Bộ bởi cha đẻ của tác phẩm văn học - Lê Lựu quê ở Hưng Yên. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vốn là người Quảng Nam, trong tác phẩm của ông có cảnh, người, phong tục và ngôn ngữ miền Trung nên các phim: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc đạo diễn đã phải quay ở miền Trung. Vài ví dụ cho thấy khởi nguồn các tác phẩm điện ảnh chính là văn học và người định danh địa lý vùng đất chính là nhà văn.

Với vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa, đầu thập niên 70, 80, nơi đây đã thành phim trường của các hãng phim truyện Việt Nam, Giải Phóng, Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh đến quay, sản xuất phim. Có thể kể đến các phim: Tự thú trước bình minh, Phương án ba bông hồng, Sơn ca trong thành phố... và một số phim có sử dụng một phần bối cảnh ở Khánh Hòa như: Về nơi gió cát, Bãi biển đời người, Miền đất không cô đơn... Nha Trang khi đó đắt hàng điện ảnh trước hết là vì thành phố biển thơ mộng hiền hòa, có nhiều danh thắng, di tích lịch sử thuận lợi cho khâu hậu cần. Ngày đó làm phim, đạo diễn có thể sử dụng một góc chợ Đầm, Tháp Bà, chùa Long Sơn mà họa sĩ không phải làm bối cảnh như hôm nay vì câu chuyện cảnh phim đều hiện thực với nhau. Tuy nhiên, có lẽ nhiều người không để ý rằng phim dựng ở Nha Trang chính là từ nhà văn. Có thể kể tới nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Ông là người Hải Phòng nhưng sau ngày đất nước giải phóng ông có thời gian sống và làm việc ở Nha Trang. Sau đó, ông chuyển sang làm biên kịch cho hãng phim truyện Việt Nam nên chính ông là người đầu tiên đưa đất và người Nha Trang lên phim qua 2 bộ phim: Tự thú trước bình minh - đạo diễn Phạm Kỳ Nam và Sơn Ca trong thành phố - đạo diễn Nguyễn Khánh Dư. Ngày đó ra được một bộ phim mất vài năm mà trong thời gian ngắn Nha Trang có 2 bộ là rất hiếm. Sau Nguyễn Khắc Phục cũng có một nhà văn sống ở Nha Trang là Phan Cao Toại, ông đã viết nhiều kịch bản phim và truyền hình có hình ảnh về Nha Trang. Tiếp đó là nhà văn quân đội - Đại tá Nguyễn Minh Ngọc - tác giả bộ phim 50 tập “Cao hơn bầu trời” nói về chiến công của các chiến sĩ không quân. Nhà văn từng sống ở Nha Trang, làm việc ở Trường Sĩ quan Không quân nên có rất nhiều kiến thức, vốn sống về đề tài này.

Sau thế hệ nhà văn lớp trước thì hiện nay chưa có người viết đủ tầm để đưa Nha Trang trở lại với điện ảnh từ tác phẩm văn học dù cũng có nhiều nhà biên kịch trẻ làm các phim ở Nha Trang - Khánh Hòa như: Đẹp từng centimet, Những nụ hôn rực rỡ, Chàng trai năm ấy và Mỹ nhân kế. Vậy nên, hãy khơi gợi và đặt hàng cho các nhà văn viết về đất và người Nha Trang - Khánh Hòa, để biết đâu có một ngày tác phẩm văn học ấy sẽ được chuyển thể thành những tác phẩm điện ảnh trong tương lai.

DƯƠNG MY ANH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202306/nha-van-va-dien-anh-c8707e5/