Nhà văn Pháp Eric Emmanuel Schmitt: 'Văn học là hành lang dẫn ta vào giấc mơ'

Trong buổi giao lưu với bạn đọc Việt Nam, nhà văn Pháp Eric Emmanuel Schmitt đã chia sẻ rất nhiều về công việc viết văn của mình. Với ông, đó không chỉ là cầm bút lên và viết, mà là cả một cuộc thâm nhập tận sâu thẳm trong tâm hồn, thâm nhập vào những giấc mơ của mình qua những hành lang bằng văn học.

Hội trường của Trung tâm Văn hóa Pháp không còn một chỗ trống.

Hội trường của Trung tâm Văn hóa Pháp không còn một chỗ trống.

Eric Emmanuel Schmitt hoàn toàn không phải là cái tên xa lạ đối với bạn đọc Việt Nam, rất nhiều tác phẩm của ông đã được Nhã Nam ấn hành và tái bản nhiều lần như Nửa kia của Hitler, Oscar và bà áo hồng, Một mối tình ở điện Élyseé… Có lẽ chính vì thế mà buổi giao lưu của ông với bạn đọc tại Trung tâm Văn hóa Pháp tối 9-11 đã không chỉ không còn chỗ trống, khán giả đứng kín vòng trong vòng ngoài của hội trường Trung tâm, đến mức người dẫn chương trình là dịch giả Nguyễn Đình Thành đã phải mời rất nhiều bạn đọc lên ngồi trên sân khấu, chung quanh và thật gần với nhà văn, mà phía ngoài hội trường, rồi chỗ gửi xe vẫn còn xếp hàng rồng rắn…

Các tác phẩm đã được dịch và phát hành tại Việt Nam của nhà văn.

Đối với nhà văn Pháp, viết văn đối với ông giống như một trạng thái kỳ lạ của tâm hồn: “Mỗi cuốn sách với tôi giống như một cuộc hò hẹn, trái tim tôi đập thổn thức, với trạng thái đầy ắp sự tò mò, hồi hộp, trạng thái đó nằm trong miên man suy nghĩ của tôi cho đến tận cuối cùng con đường là một tác phẩm”. Khi viết, Eric Emmanuel Schmitt cho biết ông rơi vào một trạng thái khác, nó lơ lửng, hoàn toàn thoát khỏi thực tại, chỉ sống trong không gian của tác phẩm và “nhập hồn” hoàn toàn vào nhân vật trong tác phẩm. Đó là trạng thức của sự sáng tạo, giống như một giấc ngủ mơ, một hành lang dẫn dắt ông đi vào thế giới tưởng tượng, đến với những điều ông muốn viết: “Tôi thoát khỏi tôi và cuộc sống thường ngày để thâm nhập vào nhân vật tôi muốn sáng tác. Tôi giống như người phục vụ câu chuyện tôi viết ra, tuân theo mệnh lệnh của các nhân vật, gần như là không có gì thuộc về bản thân mình”. Sự nhập tâm trọn vẹn, đó là điều ông thường làm: tự biến mình thành nhân vật, và thường thấy khi biến mình thành các nhân vật như Einstein, Oscar trong “Oscar và bà áo hồng”, một số nhân vật lịch sử…

Nhà văn cho biết, ông đã từng mơ ước mỗi ngày viết được một cuốn sách. Thời gian không viết lách, ông dành để tích lũy kinh nghiệm sống, và cho đến một lúc nào đó, khi thấy đã đủ đầy, ông sẽ thâm nhập vào nhân vật, biến mình thành nhân vật để hiểu, rồi sẽ rời khỏi trí tưởng tượng của mình và viết, giống như con tằm nhả tơ.

Eric Emmanuel Schmitt kể lại, có những ngày ôngmiên man chìm trong trạng thái vô thức của quá trình sáng tác, viết rất nhiều giờ trong ngày, đi trong hành lang tưởng tượng và đi theo nhân vật của mình. Đến một ngày, sau rất nhiều ngày viết lách không ngủ được, ông gặp một cậu bé 11 tuổi đi xe đạp trên hè phố và phanh két lại. Ông kể: “Lúc đó tôi mới giật mình và giống như trạng thái tỉnh giấc, ra khỏi giấc mộng. Tôi tỉnh khỏi sự vô thức và trở lại với đời sống của mình sau rất nhiều ngày, rời khỏi giấc ngủ của sự sáng tác”. Văn học chính là hành lang để kết nối chúng ta với trí tưởng tượng.

Có mặt tại Hà Nội lần này, với nhà văn Eric Emmanuel Schmitt, giống như gặp một người xa lạ nhưng như đã quen ở đâu đó: “Tôi tràn đầy một cảm giác bất ngờ khi đặt chân lên các đường phố ở Hà Nội. Một nơi xa lạ nhưng lại đem lại cho tôi cảm giác quen thuộc như ở gia đình mình. Một cảm giác rất lạ lẫm. Những con phố xa lạ nhưng rất thân thiết, là những con phố cổ, có kiến trúc Pháp nhưng lại mang những câu chuyện, cảm xúc của Việt Nam”. “Tôi đi bộ trên những con phố mang nhiều tầng lớp lịch sử, cảm nhận điều đó từ những căn nhà được xây dựng từ những năm 30”.

Ông chia sẻ, là một nhà văn khi ở Paris, ông cảm thấy mình không thể viết hay về Paris như những người ở nơi khác đến, đó là cảm xúc của một người lạ mà người ở Paris lâu không có được. “Nếu ví những nơi tôi đến là những cuốn sách, có nơi chỉ hai trang là hết. Hà Nội, với bề dày văn hóa và lịch sử, giống như một cuốn sách cả nghìn trang đầy ắp những trải nghiệm thú vị” – đó là điều nhà văn cảm nhận về Hà Nội.

Éric-Emmanuel Schmitt là tác giả nổi tiếng Pháp-Bỉ sinh năm 1960 tại Sainte-Foy-lès-Lyon (Pháp). Ông xuất thân từ gia đình trí thức, và bản thân cũng là tiến sĩ triết học.

Ngay từ nhỏ ông đã bộc lộ sở thích đối với văn học và từng viết một truyện ngắn khi mới 11 tuổi. Sau một thời gian làm giáo viên, Éric-Emmanuel Schmitt chuyển hoàn toàn sang mảng sáng tác. Hai thập kỷ sau tác phẩm kịch đầu tay Đêm Valognes khá thành công, Éric-Emmanuel Schmitt đã trở thành một trong những tác giả Pháp nổi tiếng nhất trên toàn thế giới, các sách của ông đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Ông đã giành được khoảng 30 giải thưởng văn học, trong đó đáng kể nhất là Giải Goncourt dành cho truyện ngắn với tác phẩm Một mối tình ở điện Élyseé, Giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp dành cho toàn bộ các tác phẩm kịch… Về kịch, ông từng được nhận giải thưởng danh tiếng Molìere cho Phát hiện sân khấu của năm, giải tác giả xuất sắc nhất và giải vở kịch xuất sắc nhất của các nhà hát tư của Pháp, giải của Viện hàn lâm Balzac, Giải thưởng lớn về sân khấu cho toàn bộ các tác phẩm của ông do Viện Hàn Lâm Pháp tặng. Ông cũng được huân chương hiệp sĩ văn học và nghệ thuật của chính phủ Pháp. Ngoài ra, các tác phẩm của Schmitt cũng được nhận nhiều giải thưởng uy tín tại Đức và Thụy Sĩ.

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/31230802-nha-van-phap-eric-emmanuel-schmitt-van-hoc-la-hanh-lang-dan-ta-vao-giac-mo.html