Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh - hành trình đi về phía trước

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh vừa qua đời đột ngột ngày 2/4/2024 ở tuổi 82. Tạp chí Công dân và Khuyến học trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Trần Mai Hưởng - nguyên Tổng Giám đốc TTX Việt Nam, viết về người anh trai đáng kính của mình.

Phóng viên Trần Mai Hạnh (người đeo kính) và các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tại cửa ngõ Sài Gòn ngày 30/4 năm 1975. Ảnh: Tư liệu

Anh đi nhé! Chuyến đi cuối cùng của một con người trong cõi nhân sinh, để lại tất cả vui buồn về miền mây trắng… Ở đấy anh sẽ gặp bố mẹ, anh Trần Mai Chung, cháu Hiền Anh và những người thân yêu khác. Một cõi yên bình, tĩnh lặng cho mỗi con người.

Hai anh em tôi vừa qua cuộc hành trình về chiến trường xưa, dọc theo chiều dài đất nước. Một chuyến đi anh muốn thực hiện từ lâu. Chúng tôi đã qua vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải - nơi đất nước đã từng cắt chia; qua Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên rồi đến Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, qua Xuân Lộc - Đồng Nai về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.

Một hành trình trở về những năm tháng xa xanh, ký ức một thời khói lửa nhiều hiểm nguy thử thách. Hành trình về với những vùng đất, những con người với nhiều gắn bó.

Chưa bao giờ tôi thấy anh vui thế. Anh vui vì tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp thông tấn, báo chí trên suốt dọc đường đi qua; niềm vui gặp gỡ với những nhân chứng lịch sử đã có mặt trong các bài viết của anh, ở đó có hình ảnh của chúng tôi từ những năm tháng ấy.

Và cả những người bạn mới với nhiều đồng cảm chân tình. Những cuộc gặp gỡ ấm áp, tin cậy, ân tình, tăng thêm tình yêu cuộc sống và khơi dậy những dự định sáng tạo mới.

Đúng vào thời điểm vừa đặt chân đến Sài Gòn, mảnh đất lịch sử gắn với những ngày tháng không quên, anh đột ngột ra đi! Anh đã lao động, đã sống với những trang viết và dự định đến ngày cuối cùng trong đời mình.

Nhà báo Trần Mai Hạnh cùng đồng nghiệp trên đường đi chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975). Ảnh: Tư liệu

Nhà báo Trần Mai Hạnh tại Lễ ra mắt Quân quản 7/5/1975. Ảnh: Tư liệu

Anh đã sống 82 năm trong hành trình nhiều gian khó, nhiều thử thách hy sinh. Anh có nhiều thành tựu, nhiều khoảnh khắc vinh quang và có cả những lận đận thăng trầm. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, với ý chí, nghị lực phi thường, bản lĩnh, tài năng, anh vẫn vượt lên tất cả để thực hiện sứ mệnh nghề nghiệp của mình. Và điều quan trọng hơn cả là sau mọi biến cố, thăng trầm, anh vẫn giữ lòng tin, tình yêu vào con người, hướng tới những điều chân, thiện, mỹ trong cuộc sống.

Anh đã trải qua những chặng đường đáng nhớ. Những ngày làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ở thành phố Hải Phòng bị phong tỏa, máy bay Mỹ đánh phá ngày đêm. Những ngày làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tại mặt trận Quảng Đà (1968-1970) vô cùng ác liệt. Mùa xuân năm 1975, những khoảnh khắc chói sáng, với bài tường thuật đầu tiên với danh xưng phóng viên Thông tấn xã Giải phóng từ dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975...

Những ý tưởng hình thành từ ngày ấy đã giúp anh viết lên "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" - một tác phẩm xuất sắc về chiến tranh, được trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam và giải thưởng các nước ASEAN về văn học.

Anh còn là tác giả của một số tác phẩm khác như Nắng Thu Bồn, Tình yêu và án tử hình, Sụp đổ và tự thú, Lời tựa một tình yêu, Thời tôi sống … để tạo nên một văn nghiệp của riêng mình.

Anh ở trong số những người tiên phong tạo ra những dấu ấn trong đổi mới hoạt động thông tin báo chí với việc tham gia chủ trì và xuất bản các bản tin thể thao Espana 82, báo Tuần Tin Tức… thời kỳ trước đổi mới của Thông tấn xã Việt Nam. Những đóng góp quan trọng của anh trên cương vị Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam được sự ghi nhận của bạn bè, đồng nghiệp.

Hai anh em nhà báo Trần Mai Hạnh, Trần Mai Hưởng gặp nhau ngay sau ngày Huế giải phóng. Ảnh: Tư liệu

Tác phẩm "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của nhà báo Trần Mai Hạnh. Ảnh: Tư liệu

Là con cả trong gia đình, anh đã làm tròn bổn phận với bố mẹ, các em; với chị Bùi Kim Anh và các con cháu với tình thương và trách nhiệm cao nhất. Anh là người đã định hướng cho tôi theo nghề báo chí thông tấn và luôn dành sự quan tâm, dìu dắt tôi từ những ngày đầu tiên cho đến sau này. Những ân nghĩa ấy, tôi và các con cháu trong gia đình luôn ghi nhớ.

Anh từng chia sẻ: "Cuộc đời thật vô cùng và nó vẫn luôn ở phía trước. Không ai gặp toàn những điều may mắn. Con người rốt cuộc phải vươn lên trong cuộc đời này giữa tổng hòa những điều may mắn và không may mắn, kể cả những oan trái, tai họa để cất bước..." .

Anh đã sống như điều anh nói. Dẫu hôm nay, hành trình của anh đã dừng lại khi còn bao khát khao, dự định với nhiều tiếc nuối. Nhưng ở một phương diện khác, anh vẫn đang đi về phía trước.

Bởi vì với một người viết, giá trị tinh thần trong các tác phẩm, những bài học, những kinh nhiệm sống từ cuộc đời vẫn sẽ cùng những người thân, bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc trong hành trình tới tương lai.

Anh ra đi thanh thản nhé! Rất nhiều yêu thương mãi còn trong em và những người ở lại...

4/4/2024

Trần Mai Hưởng

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nha-van-nha-bao-tran-mai-hanh-hanh-trinh-di-ve-phia-truoc-179240404212616961.htm