Nhà văn, nhà báo Mỹ Lady Borton và cuốn sách đầy tâm huyết về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi nhớ về dịp Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Bộ Quốc phòng cùng một số cựu chiến binh của Tiểu đoàn Bình Ca anh hùng họp mặt tại nhà một đồng đội để chúc mừng tác giả ra mắt cuốn sách 'Hồ Chí Minh - Một hành trình'. Đó là chị Lady Borton, một nhà văn, nhà báo Mỹ.

Lady Borton tại cuộc gặp mặt và làm việc với Thường trực Ban Liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 1 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 8/12/2022 tại địa chỉ 266 Thụy Khuê Tây Hồ, Hà Nội. (Nguồn: TGCC)

Lady Borton tại cuộc gặp mặt và làm việc với Thường trực Ban Liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 1 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 8/12/2022 tại địa chỉ 266 Thụy Khuê Tây Hồ, Hà Nội. (Nguồn: TGCC)

Cuốn sách được Nhà xuất bản Thế giới phát hành kịp ra mắt bạn đọc vào dịp tháng 10/2012. Tháng đó có những ngày kỷ niệm của Hà Nội và đơn vị chúng tôi như thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Giải phóng Thủ đô, chiến thắng Bình Ca trên sông Lô… Sách ra thật đúng dịp và có nhiều ý nghĩa (!).

Từ cảm tình với mảnh đất hình chữ S

Hôm ấy là ngày 6/10/2012, gặp chúng tôi, chị Lady Borton cười rất tươi, trên tay là những cuốn sách vừa được phát hành. Chị nói: “Tôi phải ra Nhà xuất bản Thế giới để lấy sách về tặng các anh!”. Nhìn những cuốn sách chị đang cầm trên tay, tôi có cảm giác như sự ấm nóng của quá trình in ấn, lan tỏa trong căn phòng và mọi người chia sẻ niềm vui cùng tác giả. Lady Borton nắn nót viết lời đề tặng cho từng người, chị viết bằng tiếng Việt rõ ràng, chính xác…

Lady Borton và cuốn sách Hồ Chí Minh-Một hành trình. (Nguồn: ru.dangcongsan.vn)

Lady Borton và cuốn sách Hồ Chí Minh-Một hành trình. (Nguồn: ru.dangcongsan.vn)

Cuốn sách dày 164 trang, phần lớn là hình ảnh Bác Hồ được sắp xếp theo thứ tự thời gian từng sự kiện diễn ra, người xem dễ dàng đón nhận những thông tin đó. Sự khách quan, chính xác của tác phẩm đã thuyết phục được người đọc.

Hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ được tác giả xếp đặt bằng hình ảnh với lời viết cô đọng, dễ hiểu. Đọc và xem xong cuốn sách, ta có thể hình dung được sự cẩn trọng và công sức của Lady Borton, chị đã dồn hết tâm huyết cho tác phẩm vì có rất nhiều tác giả Việt Nam, người nước ngoài đã viết rất hay về lãnh tụ Hồ Chí Minh rồi. Năm 2010, cuốn sách đã được xuất bản bằng tiếng Anh. Không dừng lại, chị đã cùng dịch giả/nhà văn hóa Hữu Ngọc, Lê Đỗ Huy và các cộng sự biên dịch cuốn sách sang ngôn ngữ tiếng Việt.

Với tác giả, đây là một việc làm xuất phát từ tình yêu chân thành của chị đối với đất nước Việt Nam, với dân tộc Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu ngay từ thuở niên thiếu, ngồi trên ghế nhà trường phổ thông khi 11 tuổi và đang học lớp 6. Chị kể, ngày đó, chị chưa biết gì về mảnh đất hình chữ S xa xôi, lạ lẫm, ở bên kia bán cầu, chị chỉ ngạc nhiên tại sao một cường quốc như Pháp mà lại thua một đất nước chưa bao giờ biết tên tại trận Điện Biên Phủ, trên tấm bản đồ có những mũi tên đỏ tỏa ra xung quanh các nước như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ… và sang cả nước Mỹ của chị! Ban đầu thấy lạ, nhưng càng ngày những thông tin về đất nước Việt Nam xa xôi, nhỏ bé, anh dũng, kiên cường ấy như có sức hút diệu kỳ, thôi thúc chị tìm hiểu và càng tìm hiểu thì chị càng có cảm tình với đất nước và con người Việt Nam.

Thường trực Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 1 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (thứ tư từ phải) với Lady Borton. (Nguồn: TGCC)

Thường trực Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 1 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (thứ tư từ phải) với Lady Borton. (Nguồn: TGCC)

...đến sự kính yêu dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 1965, chính quyền Mỹ khi đó gây ra cuộc chiến tranh Việt Nam, ồ ạt đưa hàng chục vạn quân chiến đấu Mỹ vào trực tiếp tham chiến, Lady Borton cùng với gia đình xuống đường tham gia biểu tình chống chính quyền L.Johnson đã gây ra cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu.

Năm 1969, do công việc chị được phân công sang Việt Nam làm việc tại Quảng Ngãi. Thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, lại thêm một sự ngạc nhiên nữa khi chị thấy ai ai cũng khóc thương Bác Hồ, dù người đó đang làm việc cho chính quyền Sài Gòn hay là người theo cách mạng. Họ khóc, họ để tang Bác Hồ như người ruột thịt trong gia đình.

Đầu năm 1975, nhờ những hoạt động giúp đỡ nhân đạo trong cuộc chiến, chị được mời ra thăm Hà Nội. Chị được gặp gỡ nhiều người đã từng làm việc, phục vụ công tác, gần gũi với Bác Hồ lúc Người còn sống. Chị hỏi họ, ghi chép, sưu tầm nghiên cứu nhiều tài liệu về lãnh tụ Hồ Chí Minh, kể cả những nơi lưu trữ, thư viện ở Việt Nam, Nhật, Thái Lan, Hongkong (Trung Quốc), Anh, Mỹ, Pháp, Ireland… Tại đây, có nhiều tài liệu quý hiếm chưa từng công bố.

Được tận mắt chứng kiến cuộc chiến tàn khốc đẫm máu do phía chính quyền Mỹ khi đó gây ra, trực tiếp sống và tìm hiểu cuộc đấu tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam từ Nam ra Bắc, gặp gỡ gần gũi với mọi tầng lớp quần chúng nhân dân và chị có một niềm tin vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta sẽ nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Từ những tìm hiểu kỹ càng, sâu sắc ấy, chị quyết định sưu tầm những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt với những người đã từng được gặp gỡ, gần gũi với Bác, nhận được những lời dạy bảo chân tình của Người và những cảm nghĩ, những việc làm thiết thực theo lời dạy đó để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước tốt hơn, hiệu quả hơn.

Bằng tình yêu của mình với đất nước, với con người Việt Nam và hơn cả là tình cảm kính yêu đặc biệt sâu sắc của Lady Borton với Bác Hồ của chúng ta, chị đã viết nhiều bài báo ca ngợi Người, tập trung vào hai tác phẩm Hồ Chí Minh-Một chân dung (Ho Chi Minh-A Portrait) và Hồ Chí Minh-Một hành trình (Ho Chi Minh-A Journey). Hai tác phẩm này của chị cần được phát hành rộng rãi để người đọc Việt Nam và bạn bè quốc tế cùng thưởng thức.

(*) Thường trực Ban liên lạc Cựu chiến binh Ban liên hợp quân sự trại Davis.

Hoàng Khánh (*)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-nha-bao-my-lady-borton-va-cuon-sach-day-tam-huyet-ve-chu-tich-ho-chi-minh-271874.html