Nhà văn Hoàng Quốc Hải và 6.442 trang sách

(LĐ) - Nhà xuất bản Phụ Nữ và nhà sách Vạn Niên vừa cho ra mắt hai bộ tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Trong hàng biển sách để chào mừng Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm này, đây là bộ sách dày dặn nhất của một tác giả.

Có lẽ, sau không khí lễ hội này, rất nhiều cuốn sách nhanh chóng chìm vào quên lãng, nhưng hai bộ tiểu thuyết này sẽ có nhiều hy vọng để thử thách với thời gian và sự kiên nhẫn của bạn đọc. Hoàng Quốc Hải có lẽ không phải là cái tên thật quen thuộc với bạn đọc yêu văn chương và văn hóa dân tộc. Từ những năm 1970 đến đầu những năm 1990, một số tập truyện ngắn, tiểu thuyết và khảo cứu chưa mang lại nhiều dấu ấn trong lòng người đọc. Ông lại là người không "nổi tiếng" và kiên quyết "không chịu nổi tiếng" bởi những gì ngoài văn chương đích thực. Lặng lẽ và cần cù lao động sáng tạo, năm 1993, bộ tiểu thuyết lịch sử gồm 4 tập: "Bão táp cung đình", "Huyền Trân công chúa", "Thăng Long nổi giận" và "Vương triều sụp đổ" được xuất bản lần đầu tiên. Mỗi một tập cuốn sách nói về những nhân vật có vị thế của đời nhà Trần, có ảnh hưởng lớn đến lịch sử dân tộc. Bộ tiểu thuyết đã được trao giải "Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội" (2008). Cũng phải nói rằng, đây là giải không phải thật sự tầm cỡ, có độ dày truyền thống, nhưng những khao khát tìm hiểu, lý giải lịch sử và ý tưởng - như nhiều nhà văn trong và ngoài nước khác - muốn "văn học hóa lịch sử", đưa bộ tiểu thuyết làm nên tên tuổi của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Sau này ông viết thêm hai tập: "Đuổi quân Mông - Thát" (chống giặc Nguyên - Mông lần I) và "Huyết chiến Bạch Đằng" (chống giặc Nguyên - Mông lần thứ III). Do đó, "Bão táp triều Trần" gồm 6 tập (2.928 trang in khổ 14,15 x 20,5cm). Hoàng Quốc Hải là một nhà văn "chín muộn". Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội này, ông đã góp mặt với cái tuổi 73 (tuổi ta). Cách đây 20 năm, ở tuổi ngoài "ngũ thập nhi tri thiên mệnh", ông cặm cụi mở những dòng đầu tiên về triều đại nhà Lý, sau khi đã hoàn thành cơ bản bộ tiểu thuyết về nhà Trần. Không có nhà Lý, sẽ không có một triều đại hiển hách võ công, rực rỡ văn hiến như nhà Trần. Thêm một lần nữa, ông lại lội dòng lịch sử. Bộ tiểu thuyết gồm 4 tập: "Thiền sư dựng nước", "Con ngựa nhà Phật", "Bình bắc dẹp nam", "Con đường định mệnh" dày 3.514 trang in khổ 14,5 x 20,5cm, đã "lấy đi" của ông gần 20 năm cuộc đời, nói như Hoàng Quốc Hải là đã "giốc cả tâm lực và trí tuệ ra viết...". Con đường "văn học hóa lịch sử" ấy là không thể khác khi nhà văn viết về lịch sử, nhất là trong hoàn cảnh nước ta, các bộ chính sử không nhiều, lại có phần giản lược, các nguồn dã sử, truyện dân gian và cái gọi là truyền thuyết, thần phả... nhiều khi cũng ngộ nhận và hoang đường. Đứng trước một nguồn tư liệu không lấy gì làm phong phú ấy, viết về lịch sử đòi hỏi nhà văn phải có bản lĩnh, sự hiểu biết sâu rộng tri thức, văn hóa và có cách nhìn khoa học của một nhà sử học. Cả hai bộ tiểu thuyết "Tám triều vua Lý" và "Bão táp triều Trần" được xuất bản với hình thức đẹp, chất lượng bản in tốt như vậy là có sự góp công lớn, cùng sự "liều lĩnh" của nhà sách Vạn Niên - một nhà sách mới ra mắt đã dám chọn bộ sách không dễ kinh doanh như thế. Rõ ràng đây là hai bộ sách đáng trân trọng - không phải là hai "lẵng hoa" chào mừng đại lễ Thăng Long - Hà Nội nghìn năm - vì tác phẩm văn học đích thực không cần phải với lễ lạt, hội hè. Chỉ mong sao có nhiều bạn đọc bỏ công sức, bỏ thời gian để "liều mình" cùng tác giả... Y Trang

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/nha-van-hoang-quoc-hai-va-6442-trang-sach/14421