Nhà văn Đào Sỹ Quang - những nét đẹp của một cốt cách văn chương

Nhà văn Đào Sỹ Quang sinh năm 1954 tại Thái Nguyên. Ông hiện sống tại TP.Biên Hòa. Ông từng là bộ đội Sư đoàn 304, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ngoài vết thương do đạn pháo, ông còn trải qua hai lần mổ và thay van tim. Trở về miền Bắc ông theo nghề sư phạm, giảng dạy môn Vật lý. Ông vừa được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam tháng 12-2023.

Nhà văn Đào Sỹ Quang

Các tập truyện ngắn đã xuất bản: Sự đời (2013), Đất và người (2015), Viên đạn cuối cùng (2016), Mùa tôm sú (2017), Điều như không thể (2018), Trời đang vào thu (2019), Đối mặt (2019), Bến hồng nhan (2023). Tiểu thuyết Ngày của những tháng năm, bắt đầu viết năm 2019 và đang hoàn chỉnh.

Đào Sỹ Quang là một cốt cách văn chương có nhiều nét đẹp. Tác phẩm của ông đóng góp cho sự phong phú của văn chương Đồng Nai. Tập truyện Bến hồng nhan khắc họa những đường nét của cốt cách ấy.

* Một nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn

Đào Sỹ Quang hướng đến nhiều vùng miền hiện thực với sự hiểu biết sâu sắc và một tấm lòng rộng mở, yêu thương. Ông đặc biệt quan tâm đến nhân dân trong những hoàn cảnh nghiệt ngã của đời sống (chiến tranh, loạn lạc, nghèo đói). Đây là một giá trị rất đáng quý của ngòi bút Đào Sỹ Quang, bởi đó chính là cái tâm của nhà văn. Đào Sỹ Quang chủ trương: “nghệ thuật phải chạm đến trái tim con người”. Xin đơn cử: Truyện Bến hồng nhan không chỉ nói về sự hy sinh của người lính ngoài chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ (anh Phú và đồng đội) mà còn nói tiếng nói cảm thông sâu sắc với chị Tính có người yêu chết trận cùng với bao nỗi niềm giấu kín trong hòa bình.

Truyện Mẹ Nghiệp là hình ảnh vừa cảm động vừa đau thương ở trạm cứu thương của Mẹ Nghiệp Quảng Bình. Mẹ có chồng hy sinh ở Khe Sanh 1968. Mẹ có 4 người con thì người con đầu cũng chết trận. Con trai thứ hai đi bộ đội B dài, hai o sau đang ở thanh niên xung phong. Thương binh chuyển đến trạm của mẹ liên tục. Bom đạn cũng dội trên đầu. Mẹ Nghiệp nấu cháo cá chăm sóc từng người. Mẹ nói: “Trên trời có bao nhiêu ngôi sao thì tau nấu bấy nhiêu nồi cháo”.

Chuyện nhà tôi là tình cảnh một gia đình người dân tộc Tày bản địa sống ở bên dãy núi Tam ở Tây Bắc, vì chiến tranh biên giới (1979) phải ly tán. Người mẹ dẫn các con lưu lạc bơ vơ, khổ nhục, có lúc người mẹ định nhảy cầu tự tử. Bà được bà Bảy, ông Chín là người dân Đồng Nai cưu mang (Bà Bảy bán bún riêu, có chồng là công nhân hỏa xa ở ga Biên Hòa. Ông Chín là dân tập kết 1954)…

Đất nước chuyển sang kinh tế thị trường, kinh tế phát triển nhưng đời sống đạo đức có nhiều mặt tha hóa. Ngòi bút Đào Sỹ Quang khơi tung cái sự thật đằng sau mặt nạ của quan tham (truyện Hiền cái con khỉ), ông cũng lật tẩy cái nhơ nhớp, bẩn thỉu đằng sau sự mĩ miều, hào nhoáng của giới nghệ sĩ khi kết hợp với bọn lưu manh (truyện Lên sàn, Bố thí). Và điều đặc biệt là ông khám phá ra cái phần tốt ẩn dưới những cái xô bồ nhiễu nhương trong đời thường (Mít Tơ Thọi, Quan tòa cuối cùng, Người phố tôi). Tất cả những điều ấy đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương con người. Viết về cái xấu, kẻ xấu, ông không nặng lời phê phán. Viết về cái tốt, người tốt bị che lấp, ông xem xét nhiều mặt, tìm nhiều nhân chứng để khẳng định điều mình khám phá.

Ở vùng miền hiện thực nào, Đào Sỹ Quang cũng đứng trong nhân dân, nhận thức bằng con mắt, trí tuệ của nhân dân và nói tiếng nói của nhân dân. Ông thường viết: “Người ta nói, người ta vẫn kể”. Truyện Người phố tôi gồm đủ mặt dân phố.

Nhà văn Đào Sỹ Quang gửi gắm rất nhiều tâm huyết trong những trang văn viết về những năm tháng mưa bom bão đạn ở mặt trận Quảng Trị, tâm huyết của một trái tim yêu thương con người sâu nặng. Dù khi đối mặt với sự khốc liệt, đau thương trong chiến tranh, hay phải chứng kiến những tha hóa của đời sống hôm nay thì ngòi bút của Đào Sỹ Quang luôn đằm thắm. Truyện của ông luôn kết thúc bằng sự thăng hoa, bằng tình yêu thương, sự bao dung và cái đẹp.

* Những đường nét chân dung

Đọc văn của Đào Sỹ Quang, người đọc sẽ nhận ra một chân dung văn học có nhiều nét đẹp.

Ở chiều sâu của văn chương Đào Sỹ Quang là tấm lòng yêu thương con người. Cụ thể là yêu thương nhân dân, yêu thương đồng bào, đồng đội, chia sẻ những cảnh ngộ đau buồn trong chiến tranh, hoạn nạn, hòa chung niềm vui, hạnh phúc của tình người trong đoàn tụ, trong thành đạt, trong ân tình ân nghĩa. “Thương lắm những người lính vận tải cáng thương binh đi trong rừng. Lúc bị bom và pháo kích của địch, họ đã quên thân mình để che chở cho thương binh” (Mẹ Nghiệp)… Tấm lòng yêu thương và trải nghiệm máu lửa đã giúp Đào Sỹ Quang viết được những trang văn máu thịt thiết tha như vậy.

Đọc truyện Đào Sỹ Quang vừa thú vị vừa thấy tâm hồn mình mở ra những điều yêu thương.

Chân dung ấy hiển hiện nét dung dị đằm thắm và trải đời. Giọng văn điềm đạm, thấp thoáng chút hài. Đó là tiếng cười hiền, tiếng cười của lòng bao dung, đôi khi là tiếng cười rất lạ: “Hịc hịc hịch (tiếng cười nghe tưởng âm thanh thoát ra từ ống xả chiếc xe bị nghẹt xăng”. Đứng trước đau khổ cùng cực, nhà văn đã khóc. Nghe mẹ Nghiệp nói: “Câu nói của mẹ làm cho tôi òa khóc. Tôi không còn đủ can đảm nuốt nước mắt vào trong nữa”. Truyện của Đào Sỹ Quang có nhiều hy sinh, mất mát, đau thương nhưng không kết ở bi kịch, trái lại đau khổ thăng hoa (Chuyện nhà tôi, Robin Hood đã trở về, Thưa cô con đã hiểu, Quan tòa cuối cùng…).

Trong cốt cách văn chương của Đào Sỹ Quang, nét văn hóa Bắc bộ hiện lên rất rõ. Đào Sỹ Quang cũng điểm những câu triết lý. Ông viết: “Phàm ở đời chẳng hết tiếu lâm, mà ông nào để ý”; “Thật, không cái dại nào giống cái dại nào”. Vốn từ “Bắc bộ” cũng giúp tạo nên chất riêng của văn chương. Thí dụ: “Tôi làm vù cái”; “Thời gian đâu mà học, họa hoằn lướt mấy trang thôi”. Đào Sỹ Quang cũng dùng nhiều thành ngữ Bắc bộ: “ăn no ấm cật dậm dật mọi nơi”; “của biếu là của lo, của cho là của nợ”; “chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao”.

Đào Sỹ Quang cũng có cách kiến tạo truyện ngắn riêng. Ông dựng nhiều cảnh (theo tuyến thời gian) ở những không gian khác nhau, đây là cách dựng truyện của tiểu thuyết. Nhờ thế truyện sống động, như trong truyện Mít Tơ Thọi.

Thực hiện cách kiến tạo này, Đào Sỹ Quang thường dùng nhân vật Tôi làm ngôi kể. Nhà văn nhập thân vào một nhân vật để kể chuyện. Sự việc được nhìn từ người trong cuộc đủ tạo được lòng tin của người đọc. Ở một vài truyện khác, Đào Sỹ Quang cấu trúc truyện bằng sự vận động của tâm lý nhân vật. Xin đọc: Lên sàn (tâm trạng của một nghệ sĩ tha hóa), Hiền cái con khỉ (tâm trạng của một quan tham), Quan tòa cuối cùng (tâm trạng của cụ Tình day dứt 60 năm vì nghi oan cho thằng Coong ăn cắp tiền).

Bùi Công Thuấn

(Đọc tập truyện ngắn Bến hồng nhan của Đào Sỹ Quang. NXB Hội Nhà văn quý I-2023)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202401/nha-van-dao-sy-quang-nhung-net-dep-cua-mot-cot-cach-van-chuong-1a94122/