Nhà văn của một thế giới mong manh

Giải Nobel văn học 2017 được trao cho nhà văn Anh gốc Nhật Bản Kazuo Ishiguro với nhận xét: 'Trong các cuốn tiểu thuyết của mình, bằng sức mạnh phi thường của cảm xúc, ông đã khám phá cái sâu thẳm bên dưới những lý trí ảo giác kết nối với thế giới'. Lễ trao giải trọng thể sẽ diễn ra vào ngày 10 tháng 12 năm nay ở Stockholm, Thụy Điển.

Mấy năm gần đây, kể từ khi khi giải thưởng Nobel thay đổi thư ký (nhà sử học Peter Englund chuyển chức vụ này cho nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình văn học Sara Danius, bà trở thành nữ thư ký đầu tiên trong toàn bộ lịch sử của giải thưởng, còn với tư cách viện sĩ Viện hàn lâm Thụy Điển bà ngồi ghế thứ 7, trước đây thuộc về Seima Lagerlof - người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel văn học), có cảm giác rằng giải thưởng đang tìm kiếm một chiều kích mới. Việc xây dựng những con đường mới, như chúng ta biết, là công việc không đơn giản, còn những ngôi sao mới mà Ủy ban Nobel đã chọn với tư cách người đoạt giải, đã làm cho công việc này trở nên khó khăn hơn. Khó tránh khỏi sự bỡ ngỡ.

Năm 2015, nữ văn sĩ Belorusia viết bằng tiếng Nga Svetlana Aleksievich đã đoạt giải Nobel văn học. Lúc bấy giờ, quyết định trao giải Nobel cho các cuốn sách thực chất mang tính tư liệu của nữ văn sĩ viết về những người đương thời và những người tham gia các sự kiện của thế kỷ XX - thế kỷ của những cuộc chiến tranh và cải biến mang tầm quốc gia, được giới văn học và phê bình chuyên nghiệp đón nhận một cách hoàn toàn tích cực: giải thưởng Nobel mở rộng biên giới của văn học, và hiện nay những tác phẩm như vậy cũng được coi là văn học.

Những câu chuyện của những nữ chiến binh trong cuốn sách "Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ", của những người lính tham gia cuộc chiến tranh ở Afghanistan trong "Những cậu bé trong quan tài kẽm", và những con người nhỏ bé, yếu đuối trong "Một thời quá khứ" về những năm 90 thế kỷ trước, trên quan điểm văn học - nghệ thuật cũng có giá trị như những cuốn tiểu thuyết của Patrik Modiano và Gustave Le Glézio, như thơ của Tomas Transtrome và Wistawa Szymborska.

Nhà văn Kazuo Ishiguro người vừa được giải Nobel văn học 2017.

Sự mở rộng biên giới văn học là một điều dễ hiểu và tốt đẹp. Svetlana Aleksievich chỉ tô vẽ thêm bức tranh mà thôi. Cảm hứng nhân văn, cảm hứng công dân đôi khi thậm chí mang tính chất tố cáo, tồn tại như một bộ phận hữu cơ trong những cuốn sách của bà, bỗng nhiên vượt thoát ra bên ngoài: trong nhiều bài trả lời phỏng vấn của mình, nữ văn sĩ trở nên vừa thiếu thận trọng trong việc dẫn chứng các sự kiện vừa say sưa với những đánh giá đời sống xã hội, khiến cho ngay cả những người hâm mộ tác phẩm của bà cũng cảm thấy lúng túng.

Việc trao giải Nobel văn học năm ngoái cho nhạc sĩ, ca sĩ Mỹ Bob Dylan rõ ràng gợi nhớ tới một chân lý cổ xưa rằng, người ta không chỉ làm và đọc mà còn có thể hát thơ trên sân khấu, điều này gây ra không ít bối rối. Ngôi sao ca nhạc đã phá vỡ tất cả những luật lệ của Ủy ban Nobel.

Giải thưởng Nobel văn học 2016 đã làm được gì cho nước Nga và thế giới? Đầu tiên nữ thư ký Sara Danius suốt cả một buổi chiều tìm cách gọi điện thoại cho Bob Dylan, nhưng không thành công: Nhạc sĩ "ngủ trước buổi biểu diễn" và là người duy nhất trên thế giới không biết rằng ông vừa đoạt giải Nobel văn học. Thông tin được chuyển qua trợ lý. Sau đó Bob Dylan giữ im lặng gần hai tuần và trả lời rằng sẽ nhận giải thưởng, nhưng không đến dự lễ trao giải. Kết quả là nữ ca sĩ Patti Smith được cử đến dự lễ trao giải và hát bài hát của Dylan "A Hard Rain's Gonna Fall".

Với diễn từ Nobel cũng xảy ra nhiều điều khó xử. Diễn từ Nobel là điều kiện bắt buộc để nhận giải thưởng. Dylan không vội vã đọc diễn từ và "câu giờ" đến mức thư ký của Viện hàn lâm Thụy Điển phải gửi cho ông tối hậu thư: Nếu trước ngày 10-6-2016, ông không đọc diễn từ thì sẽ không được nhận khoản tiền thưởng 8 triệu krona Thụy Điển (911.000 USD).

Lúc bấy giờ nhạc sĩ gửi cho Viện hàn lâm Thụy Điển băng video diễn từ của mình. Nhưng điều này cũng không diễn ra suôn sẻ: hóa ra, có khoảng 20 câu trong diễn từ ở phần nói về cuốn tiểu thuyết kinh điển của nền văn học Mỹ "Moby Dick" của nhà văn Herman Melville đã ảnh hưởng tới ca sĩ như thế nào, rất giống với phần tóm tắt về tác phẩm trên sparknotes.com. Đây là trang web cung cấp tài liệu học tập cho sinh viên ngành văn học và các ngành khác.

Hình như sau câu chuyện diễn ra với Bob Dylan, Viện hàn lâm Thụy Điển quyết định tạm hoãn việc thử nghiệm kéo dài biên giới văn học, và giải thưởng văn học 2017 được trao cho một nhà văn theo đúng nghĩa truyền thống của từ này, nhà văn Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro.

Kazuo Ishiguro sinh năm 1954 ở Nagasaki, Nhật Bản, trong gia đình mà cụ thân sinh là một nhà hải dương học. Năm lên 6 tuổi, bố mẹ chuyển đến Anh, nơi bố ông làm nghiên cứu khoa học tại Viện Hải dương học quốc gia. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Kazuo Ishiguro nghỉ học một năm: ông đi du lịch khắp nước Mỹ và Canada, chơi nhạc trong các câu lạc bộ và mơ ước trở thành nhạc sĩ.

Nhưng mơ ước này không trở thành hiện thực (sau này ông nhận bằng cử nhân tiếng Anh và triết ở University of Kent, Canterbury), tuy nhiên, kinh nghiệm biểu diễn của ông về sau được ông sử dụng trong tiểu thuyết "Không khuây khỏa" (1995) - viết theo thủ pháp dòng ý thức, kể về một nhạc công piano trong dàn nhạc đấu tranh để được có tên trong danh sách luyện tập và biểu diễn ở một thành phố châu Âu không có tên.

Tác phẩm này được trao giải Cheltenham. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn "Nơi ngọn đồi khói phủ" xuất bản năm 1982 viết về thành phố quê hương và Tổ quốc mới. Tiểu thuyết là câu chuyện của một góa phụ Nhật sau khi con gái tự sát và chuyển đến Anh kể về sự tàn phá của Nagasaki.

Những người hâm mộ tác phẩm của Kazuo Nishiguro chia ra làm hai nửa ước lệ: những người coi "Những gì sót lại của ngày" (1989) là tiểu thuyết xuất sắc nhất, và những người hâm mộ cuốn "Mãi đừng xa tôi" (2005).

Cuốn thứ nhất mang lại thành công lớn cho Kazuo Ishiguro, tiểu thuyết lấy bối cảnh nước Anh thời hậu chiến, viết về số phận một lão quản gia suốt đời phục vụ một gia đình giàu có, đối diện với sự vỡ mộng khi ông ta nhớ lại quãng đời của mình, những ký ức được đặt trên nền chiến tranh và sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít. Kazuo Ishiguro được trao giải Booker với cuốn tiểu thuyết này. Năm 1993, đạo diễn Mỹ James Ivory đã chuyển thể điện ảnh cuốn sách với sự tham gia các vai chính của Anthony Hopkins và Emma Thompson.

Cuốn thứ hai nói về cuộc sống của những người sinh sản vô tính, những đứa bé, trẻ vị thành niên, sau đó là những thanh niên sống như những con người bình thường: kết bạn, yêu đương. Danh tiếng của nhà văn càng nổi lên sau khi xuất hiện bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết, đây là câu chuyện diễn ra ở nước Anh vào cuối thế kỷ XX; tại một trường nội trú người ta nuôi những đứa trẻ để hiến các bộ phận cơ thể cho nhân bản vô tính. Tham gia bộ phim có Andrew Russell Garfield, Keira Knightley, Carey Mulligan. Năm 2005, tiểu thuyết "Mãi đừng xa tôi" được xếp vào danh sách 100 cuốn sách xuất sắc nhất theo bình chọn của tạp chí The Times.

Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Kazuo Ishiguro "Người khổng lồ bị chôn" xuất bản năm 2015, được coi là một trong những tác phẩm lạ nhất và đồng thời là dũng cảm nhất của ông. Đây là tiểu thuyết-giả tưởng kiểu trung cổ, kể chuyện đôi vợ chống già bỏ làng ra đi tìm đứa con trai mất tích. Cuộc du hành của họ trở thành con đường dẫn tới những hồi ức riêng. Trên đường đi, họ chống chọi với những con rồng và những quái vật thần thoại khác. Đây là cuốn tiểu thuyết viết về đề tài ký ức cá nhân và ký ức tập thể.

Kazuo Ishiguro thường được so sánh với nhà văn Nga Vladimir Nabokov và nhà văn Ba Lan Joseph Condrad, hai tác giả đã sáng tác những tác phẩm xuất sắc bằng tiếng Anh vốn không phải là tiếng mẹ đẻ của họ.

Các nhà phê bình Mỹ và Anh nhận xét rằng Kazuo Ishiguro (coi mình không phải người Nhật, mà là người Anh) đã có nhiều đóng góp để biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ phổ quát của văn học thế giới.

Các cuốn tiểu thuyết của Ishiguro đã được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ.

Trần Hậu

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nha-van-cua-mot-the-gioi-mong-manh-462579/