Nhà văn Bernard Werber - cha đẻ 'Kiến': Từng bị kiến tấn công suýt mất mạng

Tháng 3 , nhà văn Pháp Bernard Werber lần đầu đến Việt Nam. Ông tham gia buổi giao lưu tại Thư viện quốc gia (Tràng Thi, Hà Nội) và chia sẻ nhiều điều thú vị phía sau các tác phẩm nổi tiếng - bộ ba tiểu thuyết về kiến và 'Chiếc hộp Pandora'.

Từ nhỏ đã say mê loài kiến

Trong bộ ba tiểu thuyết về kiến gồm Kiến, Ngày của kiến, Cách mạng kiến ngoài chủ đề khám phá loài kiến, nhà văn Bernard Werber đề cập thân phận con người và khuyến khích độc giả chiêm nghiệm triết học về vị trí của con người trên trái đất.

Tác phẩm của ông nói về khả năng của con người trong việc thấu hiểu chính mình và những sinh vật xung quanh.

Nhà văn Bernard Werber lần đầu thăm Việt Nam.

"Người ta thường nghĩ viết về loài kiến không phải chủ đề hay. Nhưng tôi thấy chủ đề này lạ và có thể hấp dẫn độc giả. Về mặt kiến thức về hóa học, kiến tự sản sinh ra kháng sinh. Kiến có mặt trên hành tinh sớm hơn con người. Khi còn bé, tôi quan sát kiến rất lâu, đặt địa vị mình là kiến để xem chúng nghĩ gì về con người", tác giả nói về cảm hứng viết nên bộ tiểu thuyết về kiến.

Ba tác phẩm về kiến được dịch ra hơn 30 thứ tiếng.

Những chi tiết trong tiểu thuyết được Bernard Werber tổng hợp từ quan sát cá nhân và kiểm nghiệm bằng khoa học. Ông nhân cách hóa cho kiến, để loài kiến thể hiện tiếng nói của mình.

Năm 20 tuổi nhà văn từng làm phóng sự về loài kiến safari ở châu Phi. Ông kể từng bị kiến tấn công suýt chết. Từ đó Bernard Werber đúc rút ra kinh nghiệm rằng nhà văn phải gặp gỡ, chu du nhiều, khám phá thực tiễn để có những tác phẩm chất lượng.

Trước khi tác phẩm về kiến trở nên nổi tiếng, Bernard Werber từng bị nhiều nhà xuất bản từ chối.

Đeo đuổi triết lý viễn tưởng

Bernard Werber cho biết ông luôn tò mò về mọi thứ, từ công thức nấu ăn, âm nhạc, hội họa đến kiến thức vũ trụ, khoa học viễn tưởng. Ông nói rằng khi còn tò mò với thế giới, chúng ta còn học hỏi được nhiều thứ.

Bernard Werber đưa ra một thể loại văn chương mới gọi là “triết lý viễn tưởng”, pha trộn khoa học viễn tưởng, triết học và tâm linh. Qua những góc nhìn độc đáo, ngoại lai của các loài vật, cây cối, thần linh thậm chí cả người ngoài hành tinh, ông thôi thúc độc giả tự hỏi mình về vị trí của con người trong vũ trụ.

Với triết học viễn tưởng ông viết về sự tiến hóa, truyền đi thông điệp sử dụng công nghệ để phục vụ thế giới, lan tỏa năng lượng tích cực đến độc giả.

Tiểu thuyết Chiếc hộp pandora xuất bản năm 2018.

Trong tác phẩm Chiếc hộp pandora Bernard Werber kể về René - một giáo viên lịch sử - vô tình khám phá được những kiếp sống trước, hiểu ra rằng những gì anh từng trải qua trong những kiếp ấy đều có tác động lên cuộc sống hiện tại. Cuốn sách thú vị và đầy táo bạo đưa người đọc đến với các cơ chế của trí nhớ.

Bernard Werber đưa người đọc du hành vượt không gian và thời gian, đi từ Paris, vòng qua Atlantis - thành phố mất tích, rồi đến Ai Cập bằng thôi miên tiền kiếp.

Với 15 triệu bản sách đã bán ra trên toàn thế giới, Bernard Werber là một trong những nhà văn Pháp đương đại nổi tiếng nhất. Tại Hàn Quốc ông là tác giả ngoại quốc được yêu thích và đọc nhiều thứ hai, chỉ sau Haruki Murakami.

"Tác phẩm mở ra những dòng suy nghĩ, tư duy vượt thời gian, không gian. Tôi mong đặt ra những vấn đề mới vượt ra ngoài đời sống thông thường, đánh thức độc giả tìm tòi, khám phá", nhà văn 63 tuổi nói.

Những năm qua, ông dành thời gian đi nhiều nơi, tham gia các hoạt động trải nghiệm để có tư liệu phục vụ cho sáng tác. Sau cuộc gặp gỡ độc giả ở Hà Nội, ông tiếp tục tới Huế, Đà Nẵng và TPHCM giao lưu.

Nhà văn Bernard Werber sinh năm 1961 tại Toulouse, Pháp. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành luật và báo chí, Bernard Werber dành hơn 10 năm làm nhà báo khoa học.

Ông đặc biệt nổi tiếng với bộ ba tiểu thuyết về kiến, được xuất bản trong vòng 6 năm từ 1991 đến 1996. Đặc trưng trong các tác phẩm của Bernard Werber là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa, thú vị giữa văn chương, khoa học viễn tưởng và các ý tưởng triết học. Bernard Werber là một trong những nhà văn Pháp đương đại nổi tiếng nhất.

Ngọc Ánh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nha-van-bernard-werber-cha-de-kien-tung-bi-kien-tan-cong-suyt-mat-mang-post1620804.tpo