Nhà văn 'bắt mạch', thầy thuốc làm thơ

Nghề văn và nghề thuốc xưa kia được xếp rất gần nhau: Nho - Y - Lý - Số, có lẽ vì vậy mà hai nghề này cùng gánh vác sứ mệnh chữa bệnh cho nhân loại. Bác sỹ có vai trò chữa “thân bệnh” còn nhà văn có trách nhiệm chữa “tâm bệnh”. Nhưng đôi khi, hai vai trò ấy hòa vào nhau thành một và người được hưởng lợi ích nhiều nhất chính là các độc giả yêu văn chương...

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Thơ đến từ những ngày cô đơn và đói rét

Nhà thơ Vũ Quần Phương tên thật là Vũ Ngọc Chúc. Ông có quãng đời niên thiếu sống trong cảnh côi cút, đói rét nên sớm thấm thía nỗi cô đơn và sự ngẫm ngợi. Sự nhạy cảm của tâm hồn thi sĩ và nỗi khát khao thay đổi cuộc sống đã gắn cậu học trò 10 tuổi trọ học xa nhà với sách vở, chữ nghĩa.

Học hết phổ thông, ông thi vào Đại học Y Hà Nội rồi tốt nghiệp xuất sắc và được phân công về công tác tại Bộ Y tế. Sự nghiệp tưởng chừng đang rất thuận lợi nhưng niềm đam mê với thơ đã khiến ông không bằng lòng với nghề nghiệp của mình. Năm 1969, nhà thơ Chế Lan Viên khuyên ông về công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam.

Hai năm sau, ông quyết định dứt bỏ nghề y về công tác tại chương trình Tiếng thơ, thuộc Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Vừa làm công việc biên tập, vừa tham gia nói chuyện thơ ở nhiều nơi, Vũ Quần Phương nhanh chóng trở thành một nhà thơ kiêm nhà phê bình nổi tiếng. Những năm 1990 trở về trước, các phương tiện giải trí còn thiếu thốn, lạc hậu thì những buổi được nghe nhà thơ nói chuyện luôn là sự kiện được mong đợi và ghi nhớ nhất đối với mỗi bạn đọc. Tính đến nay, ông có khoảng 2.000 cuộc nói chuyện thơ ở khắp mọi miền đất nước.

Tên tuổi của Vũ Quần Phương gắn với các tác phẩm: “Chiều”, “Trước biển”, “Đợi” (được nhà thơ Huy Thục phổ thành ca khúc với chất liệu ca trù tạo nên giai điệu tha thiết, đằm sâu); Bài “Áo đỏ” chỉ với 4 câu nhưng mang cả một chiều dài ước mơ về cuộc sống ấm no, yên bình: “Áo đỏ em đi giữa phố đông/Cây xanh như cũng ánh theo hồng/Em đi lửa cháy trong bao mắt/Anh đứng thành tro em biết không...”.

Bởi khi bài thơ ra đời (năm 1973), Hà Nội vừa trải qua 12 ngày đêm khói lửa với trận “Điện Biên phủ trên không”. Thời chiến, mọi người đều mặc trang phục màu xanh công nhân, màu cỏ úa của bộ đội hay những màu nâu sẫm... bỗng dưng xuất hiện một cô gái mặc áo đỏ đi giữa phố Khâm Thiên khiến ai cũng phải chú ý, phải ngoái lại nhìn. Trong đó, có nhà thơ Vũ Quần Phương còn đương độ thanh xuân.

Càng về sau này, thơ Vũ Quần Phương ngoài sự tinh tế, thông minh của người đọc nhiều, hiểu rộng còn có rất nhiều suy nghiệm của sự từng trải. Đọc thơ của một người U80 (nhà thơ sinh năm 1940) nhưng bạn đọc trẻ không hề thấy có sự cách biệt nào của thế hệ ở mỗi câu chữ, bởi ông luôn vận động để bắt kịp với đời sống đương đại. Vì thế, Vũ Quần Phương vẫn luôn được nhiều tác giả tin tưởng trao gửi đứa con tinh thần nhờ ông “bắt mạch” qua những bài bình thơ hóm hỉnh, súc tích.

Nhà văn Vũ Oanh: Bác sĩ đoạt giải viết văn

Nhà văn Vũ Oanh, quê ở Kim Tân (Kim Thành, Hải Dương), ông là một bác sĩ ngoại khoa, từng công tác ở Bệnh viện Đa khoa trung tâm Hải Hưng, Bệnh viện Đa khoa Kim Thành...

Nhiều năm sáng tác văn xuôi (ông có thế mạnh về truyện ngắn), cho đến khi nghỉ hưu ông mới dành tâm huyết để viết cuốn tiểu thuyết đầu tay có cái tên khá mộc mạc: “Bác sĩ trưởng khoa” (do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành năm 2013) dày 500 trang. Cuốn sách như một biên niên ký, ghi chép lại rất đa dạng về thế hệ thầy thuốc được đào tạo ở miền Bắc, trưởng thành và hành nghề trong những năm đánh Mỹ, cho đến sau giải phóng, những năm đất nước đổi mới.

Trong tiểu thuyết “Bác sĩ trưởng khoa”, bạn đọc không ít lần như được tận mắt chứng kiến những chuyện “trong nhà”. Từ những ca mổ dưới ánh đèn ắc-quy xe đạp trong hầm cứu thương ở Trường Sơn đến chuyện mổ cắt gan, nối ruột… đến “khâu vá” cho các cô gái trẻ tìm cách lừa tiền đại gia.

“Bác sĩ trưởng khoa” đã được vinh danh trong cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV của Hội Nhà văn Việt Nam với giải C (không có giải A), còn nhà văn - bác sĩ vẫn tiếp tục ấp ủ những tác phẩm mới được tạo nên từ chất liệu thực tế qua 40 năm hành nghề y của mình.

Nhà văn Đỗ Doãn Quát: Ngày kê đơn, đêm chong đèn sáng tác

Nhà văn ở nơi làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Đỗ Doãn Quát tự thân gắn với văn chương như kẻ tử vì đạo. Ngay từ khi học phổ thông, cậu học trò trường huyện đã nghĩ đến… giải Nobel cho tác phẩm của mình. Học xong lớp 10, cậu lên núi đi chăn bò với những chàng thanh niên người Dao, người Mường trên núi Ba Vì.

Những ngày lang thang đó, văn hóa vùng đất Thánh thấm vào tâm hồn kẻ nuôi mộng văn chương từ lúc nào không biết, nhiều bài thơ ra đời được cất kỹ dưới đáy túi rết (loại túi người Dao vẫn đeo theo khi lên rừng, về nhà là cởi ra đặt lên bàn thờ). Gặp được nàng sơn nữ đang thả tóc gội đầu bên suối, lãng tử dừng chân, rồi rút về làng Đường Lâm kế nghiệp làm thuốc gia truyền, kiếm kế sinh nhai.

Trong các nghề, nghề làm thuốc là nơi chứng kiến nỗi đau của con người trực tiếp và tận cùng nhất. Thầy lang đất cổ ngày kê đơn bốc thuốc, đêm chong đèn viết lách, những vần thơ trải lòng với nỗi đau nhân thế chẳng mấy khi lấp lánh “hào quang”. Tuổi 37, một bậc đàn anh thẳng thừng “bắt mạch”: Tạng của mày phải viết văn xuôi mới phát được! Thơ phú xem ra lẹt đẹt lắm!

Vậy là đau đớn từ giã thơ để chuyển sang viết văn xuôi. Tháng 2-1985, truyện ngắn đầu tay: “Cỏ cây thường gặp” in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội đã gây ấn tượng mạnh với văn đàn. Như nguồn đã được khơi, dòng văn chương ào ra như nước suối mùa mưa. Nhưng phải 20 năm sau mới ra được tập sách đầu đời “Sang vàn ba”. Nhưng đến nay, gia tài của nhà văn đã đầy đủ cả truyện ngắn và tiểu thuyết.

“Văn chương cũng là nghề thuốc, phải là một thứ gia truyền, phải có người kế nghiệp mình, làm tiếp những điều đời mình còn dang dở. Mình chưa thành công thì đến đời con, đời cháu chắt hẳn phải thành công. Quan trọng là biết truyền cho chúng niềm say mê. Tôi hướng các con theo nghiệp chữ cũng vì muốn “quyết tử” với văn chương, dù biết theo văn có thể sẽ lâm vào cảnh “một bầy đói rách con như bố…” - nhà văn Đỗ Doãn Quát nói, rồi lại ha hả cười, giọng cười của người đã biết bình thản trước những thăng trầm, được mất ở đời người, đời văn.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/nha-van-bat-mach-thay-thuoc-lam-tho/709552.antd