Nhà văn Ako Akiba và gần 3 thập kỷ làm cầu nối điện ảnh Việt - Nhật

Ako Akiba (SN 1966) là cái tên quen thuộc trong giới điện ảnh ở Việt Nam. Người phụ nữ Nhật có tên Việt là Hoàng Yến đã dịch phụ đề cho hơn 50 bộ phim Việt Nam được trình chiếu ở Nhật Bản.

Ngoài ra, bà còn tổ chức các buổi chiếu phim Việt tại các trường đại học, phiên dịch cho nhiều người Việt, đặc biệt cho giới điện ảnh.

Yêu Việt Nam bằng tình yêu đặc biệt

Cơ duyên nào khiến bà gắn bó với đất nước Việt Nam?

Ako Akiba bên bức tranh đạo diễn Đặng Nhật Minh tặng Viện Lưu trữ phim Fukuoka, nơi lưu giữ và bảo quản nhiều phim Việt Nam.

Từ đó, những hình ảnh, những câu chuyện về Việt Nam đã hằn sâu trong tâm trí tôi. Khi thi vào Đại học Ngoại ngữ Tokyo, tôi đã quyết định đăng ký học tiếng Anh và tiếng Việt. Đó cũng là cơ duyên tôi gắn bó với Việt Nam.

Bà đến Việt Nam lần đầu khi nào?

Năm 1986, lần đầu tiên tôi sang Việt Nam. Khi ấy, tôi đi du lịch và tôi ấn tượng về con người Việt Nam tình cảm, thân thiện, gắn bó với nhau. Sau đó, năm 1990 tôi đã đăng ký học 1 năm tiếng Việt tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi ra trường tôi thường xuyên đến Việt Nam du lịch và công tác. Từ đó, tôi dành một tình yêu đặc biệt cho Việt Nam mà ở đó tôi có rất nhiều bạn bè thân thiết.

Mỗi lần đến Việt Nam tôi đều bất ngờ, Việt Nam ngày càng thay đổi và phát triển. Được dạo quanh phố phường, ăn những món ăn ngon khiến tôi ngày càng yêu Việt Nam hơn.

Mới đây, tháng 12/2023, tôi đến Việt Nam. Tôi đi từ thành phố nhộn nhịp đến những vùng quê xa xôi, lên tận Tây Nguyên để tìm hiểu thêm về văn hóa và ngôn ngữ bản địa.

Yêu Việt Nam nên tôi luôn tìm hiểu và học hỏi thêm không ngừng để trau dồi, cập nhật và nâng cao kiến thức của mình, không chỉ ngôn ngữ mà cả văn hóa.

Ako Akiba tổ chức buổi chiếu phim Việt Nam "Cha cõng con" của đạo diễn Lương Đình Dũng để quảng bá phim Việt Nam tại Nhật Bản.

Tại Nhật Bản, phim Việt Nam có được nhiều người dân biết tới không?

Trước đây, người dân Nhật Bản ít có cơ hội xem điện ảnh Việt Nam. Năm 1980 có chiếu bộ phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Cánh đồng hoang".

Khoảng những năm 1990 Nhật Bản có xu hướng chiếu phim của đạo diễn Việt Kiều như Trần Anh Hùng, Tony Bùi. Tuy nhiên, những năm gần đây, các liên hoan phim quốc tế Nhật Bản bắt đầu trình chiếu nhiều các bộ phim của Việt Nam, đề cập, giới thiệu các tác phẩm phim nổi tiếng của Việt Nam.

Tôi bắt đầu làm phụ đề tiếng Nhật cho các bộ phim Việt Nam từ năm 1990, khi đó tôi cộng tác với Liên hoan phim Asia Focus Fukuoka International và gắn bó hơn một nửa cuộc đời của mình.

Mặc dù liên hoan phim đã dừng hoạt động vào năm 2020 nhưng tôi trân trọng và cảm ơn liên hoan phim đã cho tôi kinh nghiệm quý báu và những kỉ niệm đáng nhớ, làm cho cuộc đời tôi thêm nhiều màu sắc phong phú với Việt Nam.

Đặc biệt, liên hoan phim là cơ hội làm quen bè bạn Việt Nam như các đạo diễn Đặng Nhật Minh, Lê Hoàng, Lương Đình Dũng, Phan Đăng Di, Hồng Ánh, Nguyễn Quang Dũng, Phan Gia Nhật Linh, diễn viên Lan Phương …

Với điện ảnh Việt Nam, Liên hoan phim Asia Focus Fukuoka International đã tổ chức 2 lần chương trình đặc biệt chiếu phim Việt Nam vào các năm 1992 và 2016. Bên cạnh đó hầu như năm nào cũng có ít nhất 1 bộ phim Việt Nam tham dự.

Cầu nối điện ảnh Việt - Nhật

Đến nay, bà đã dịch phụ đề cho bao nhiêu bộ phim Việt Nam?

Cho đến nay tôi dịch phụ đề cho 50 bộ phim Việt Nam, trong đó có nhiều phim mới hoặc phim cũ kinh điển của Việt Nam. Có thể kể đến như: "Lưỡi dao", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Ròm", "Chuyện của Pao", "Mùa hè chiều thẳng đứng", "Hậu duệ mặt trời"... Bên cạnh làm phụ đề, tôi còn làm phiên dịch cho các đoàn làm phim Việt Nam sang dự các liên hoan phim tại Nhật Bản.

Ako Akiba chụp ảnh cùng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và Phan Đăng Di.

Tôi là người đồng hành cùng với các đạo diễn Việt Nam khi họ tham dự các sự kiện ở Nhật Bản.

Trong các bộ phim bà làm phụ đề, bà ấn tượng về bộ phim Việt Nam nào nhất?

Bộ phim nào làm phụ đề tiếng Nhật với tôi cũng hay và có ấn tượng riêng. Nhưng tôi nhớ nhất là bộ phim "Lưỡi dao" của Lê Hoàng. Đây là phim đầu tiên tôi làm phụ đề tiếng Nhật Bản một mình từ đầu đến cuối. Cảm xúc lúc ấy thật vui và khó tả.

Khi làm phụ đề tiếng Nhật cho phim Việt, bà gặp những khó khăn gì?

Những năm đầu khá vất vả vì có nhiều bộ phim kinh điển không có đầy đủ kịch bản, phải nghe lời thoại, chính tả, thậm chí phải nhờ người Việt Nam ở Nhật Bản hỗ trợ. Tuy nhiên, những năm gần đây, công việc của tôi đã thuận lợi hơn.

Được biết, trong năm 2023 bà đã có nhiều hoạt động chiếu phim Việt Nam tại Nhật Bản?

Năm 2023, là năm đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Tôi đã phối hợp với nhiều đơn vị để tổ chức hoạt động giới thiệu phim Việt Nam tại Nhật Bản.

Cụ thể, tháng 2/2023, tôi đã tổ chức buổi chiếu phim Việt Nam "Cha cõng con" của đạo diễn Lương Đình Dũng để quảng bá phim Việt Nam tại Nhật và tổ chức tọa đàm, giao lưu tại trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo với 200 khán giả.

Tháng 10/2023, tôi dịch phụ đề 13 phim, là người dẫn giao lưu tại chương trình chiếu phim với tựa đề "Hai người của nền điện ảnh Việt Nam" nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản do Thư viện thành phố Fukuoka Nhật Bản đăng cai.

Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều buổi chiếu phim và giao lưu phim Việt Nam và Nhật Bản để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau của nhân dân hai nước thông qua các hoạt động giới thiệu các bộ phim nổi tiếng của Việt Nam.

Cảm ơn bà!

Không chỉ làm thông dịch viên Việt - Nhật, phụ đề phim, nhà văn Ako Akiba còn là giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo và Đại học Seinan Gakuin. Ngoài ra, bà còn viết sách liên quan đến tiếng Việt, sách giới thiệu tiếng Việt, tuyển tập hội thoại du lịch Việt – Nhật.

Bà cũng đảm nhận vai trò cố vấn tại Hiệp hội Hữu nghị Kyushu - Việt Nam để thúc đẩy giao lưu nhân dân hai nước.

An Nhiên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nha-van-ako-akiba-va-gan-3-thap-ky-lam-cau-noi-dien-anh-viet-nhat-192240305154417911.htm