Nhà tù đế quốc – Nơi thử thách, rèn luyện ý chí, bản lĩnh cách mạng của người thanh niên yêu nước Đoàn Khuê

Nguyễn Thị Thu Hà

Đồng chí Đoàn Khuê xuất thân trong một gia đình cách mạng trung kiên tại xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, vùng quê giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Với hoài bão và nhiệt huyết của tuổi trẻ, được chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc soi sáng, Đoàn Khuê hăng hái tham gia các phong trào, không sợ hy sinh, không nề gian khổ.

Năm 1939, khi mới 16 tuổi, Đoàn Khuê được tổ chức tin tưởng phân công làm Bí thư thanh niên phản đế phủ Triệu Phong. Năm 1940, 17 tuổi đồng chí bị địch bắt, kết án tù ở nhà lao Quảng Trị, sau đó đưa đi đày ở Buôn Ma Thuột. Hơn 5 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, Đoàn Khuê đã tỏ rõ khí phách, chí kiên cường, bất khuất trước sự dụ dỗ, đày ải, tra tấn tàn bạo của kẻ thù, giữ vững khí tiết cách mạng, xứng đáng là người con ưu tú của quê hương Quảng Trị.

Người thanh niên yêu nước Đoàn Khuê tìm đến với cách mạng

Làng cát Gia Đẳng, quê hương của Đại tướng Đoàn Khuê, xưa kia giao thông đi lại, học hành và đời sống rất khó khăn. Với khát khao cháy bỏng là con cháu mình biết chữ để được đi làm cách mạng, đánh tây, để có tự do, độc lập và hạnh phúc, một số gia đình đã mời, rước được một thầy “trong ruộng”, chịu ra “miền biển”, nhờ vậy mà Đoàn Khuê được đi học. Học xong vỡ lòng, Đoàn Khuê được gia đình gửi đến nhà ông Bộ Trương làng Thi Ông để học thêm trước khi vào trường Tiểu học tại tỉnh lỵ thị xã Quảng Trị.

Tại tỉnh lỵ Quảng Trị, phong trào cách mạng thời gian này phát triển mạnh, nổi bật là các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn. Dưới tác động của phong trào và được các đồng chí cách mạng tiền bối dìu dắt như Lê Hàn (em của đồng chí Lê Chưởng, sau này là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy), Lê Vụ (em của đồng chí Lê Hàn, sau này công tác ở Ban Thống nhất Trung ương), Nguyễn Nhơn (sau này là Phó Chánh án Tòa án tối cao), Đoàn Khuê tham gia Thanh niên phản đế ở trường Trường Xuân.

Để hiểu sâu hơn và tuyên truyền tư tưởng cách mạng mới, Đoàn Khuê đã tìm đọc những bài ca cách mạng, đọc Nguyên lý chủ nghĩa Lênin (trích bằng tiếng Pháp), chép và hướng dẫn cách chép tài liệu bí mật với quy ước riêng. Để tránh bị phát hiện, tài liệu được anh và những người bạn giấu ở mái tranh và trong ruột bông của gối.

Anh còn tổ chức hòm thư chết ở hốc cây có bóng mát bên bến xuống sông Thạch Hãn trước trường Tiểu học Quảng Trị, nơi học sinh hay để quần áo khi xuống tắm sông và bà con chợ Sãi đi chợ tỉnh hay dừng lại nghỉ chân. Anh giao cho người em Đoàn Chương: có tài liệu thì gói lại, nhét vào hòm thư và có gói gì thì mang về cho các anh.

Để truyền bá tư tưởng và tham gia các hoạt động cách mạng, ban đầu anh vắng nhà vài ngày, sau thành nếp thường xuyên hơn, trùng vào các ngày chợ Phiên (Cam Lộ), chợ Sòng (Gio Linh), mà anh hay nói đùa với mẹ và chị chủ nhà là đi theo cô này, cô kia. Có lúc anh cải trang thành người khai thác gỗ để lên về Ba Lòng để tiếp thu chủ trương, đường lối từ các đồng chí lãnh đạo. Anh còn động viên bố, mẹ xoay bạc trắng (bạc nén) để đưa cho anh em thoát ly lên hoạt động vùng đồng bào thiểu số. Trước hay sau khi đi về Đoàn khuê hay “nghêu ngao” bài thơ nói về tâm tình của người thoát ly:

“...Con đi theo tiếng gọi lương tâm

Giữa lúc rền vang giọng hổ gầm

Con quyết lấy máu mình rửa nhục

Cho hồn Tổ quốc sống giam cầm...”1

Sau một thời gian hoạt động, năm 1939, 16 tuổi, Đoàn Khuê đã tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên phản đế, được tổ chức tin tưởng phân công làm Bí thư thanh niên phản đế phủ Triệu Phong. Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01/5/1939, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Mạnh Quỳ, Đoàn Khuê đã thể hiện vai trò tích cực trong phát động thanh niên, học sinh mít tinh đòi “Ban hành các quyền tự do dân chủ”, “Tự do tổ chức ái hữu, tương tế”, “Ủng hộ phòng thủ Đông Dương”, “Chống phát xít Nhật”, “Ủng hộ Mặt trận nhân dân Pháp”, “Tự do báo chí”, “Đại xá chính trị phạm”2... gây tiếng vang lớn.

Cuối năm 1939, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến phức tạo. Hội nghị Tỉnh ủy tháng 8/1939 quyết định: ra sức củng cố cơ sở bí mật của Đảng; cán bộ của tỉnh, phủ, thị phải thoát ly hoạt động. Chủ trương của Tỉnh ủy và tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (tháng 11/1939) được cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú hoạt động ở thị xã tích cực tuyên truyền, vận động chuyển tổ chức công khai như hội: Tương tế, Ái hữu thành các hội phản đế hoạt động bí mật. Ngoài một số cơ sở cách mạng trong công nhân làm ở nhà máy đèn, nhà máy nước, thì Đoàn Khuê, Bí thư thanh niên phủ Triệu Phong đã củng cố và xây dựng thêm một số cơ sở bí mật thanh niên phản đế ở trường học.

Từ giữa năm 1940, chiến tranh thế giới lần thứ hai ngày càng ác liệt và lan rộng hơn. Tháng 9/1940, phát xít Nhật đánh chiếm Đông Dương. Ngày 22/9/1940, quân Nhật tiến vào Lạng Sơn, quân Pháp rút về Thái Nguyên. Ngày 27/9/1940, nhân dân Bắc Sơn thừa cơ nổi lên khởi nghĩa. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Phủ ủy Triệu Phong tổ chức rải truyền đơn kêu gọi hưởng ứng khởi nghĩa Bắc Sơn, đánh đuổi Nhật-Pháp vào tối 20/10/1940.

Thực hiện nhiệm vụ, tối 20, truyền đơn được rải nhiều nơi ở vùng ven thị xã tỉnh lỵ. Mật thám cho quân lính đi lục soát khắp nơi, chúng ập vào nơi anh Khuê trọ và bắt đi một số anh em. Do có người dao động, khai báo, chúng ráo riết lùng bắt Đoàn Khuê.

Ngày 30/10/1940, Đoàn Khuê bị địch bắt. Mật thám biết anh là Bí thư Phủ ủy thanh niên phản đế Triệu Phong, nên tập trung tra hỏi. Dụ dỗ, thuyết phục không được, chúng trói hai tay tréo cánh gà, cột hai đầu ngón chân cái sát vào nhau, treo lơ lửng trong phòng tra tấn. Hai vai bị rút lên, móc xích cứa vào nách, da thịt bầm tím. Sức nặng toàn thân và máu dồn về chân sưng vù... Trong lúc đó, mật thám quất roi vào gan bàn chân, đau thấu tận óc, “có lúc tưởng chết rồi, thế mà không chết”, sau này anh tâm sự với vợ, con và cũng vì thế, mà sau này, vai của đồng chí bị lệch.

Ba, bốn ngày, rồi 1 tuần anh bị treo lơ lửng như thế, nhưng không hé răng nửa lời; không khuất phục được anh, chúng tống anh vào lao cầm cố. Sự kiên cường của anh, khiến bạn tù kính nể, tù thường phạm kính trọng và anh em binh lính canh gác cũng cảm phục. Không khai thác được gì, nhưng chúng vẫn liệt anh vào loại tù nguy hiểm, kết án 8 năm tù, đày đi Buôn Ma Thuột.

Sau khi kết án, địch thôi không giam cầm cố, cho đi lao động như anh em tù khác. Đây là dịp anh được trò chuyện với bạn tù, được gặp gia đình, cơ sở và anh tiếp tục hướng dẫn cơ sở bắt mối liên lạc để phục hồi phong trào.

Ngày 28, 29/4/1941, toàn nhà lao Quảng Trị đấu tranh làm reo, chống khủng bố, trong đó anh Đoàn Khuê là người hoạt động tích cực, thuộc loại nguy hiểm. Tức thì ngày 01/5/1941, địch đưa số đi đày Buôn Ma Thuột lên đường, trong đó có Đoàn Khuê, với số tù ở nhà lao Buôn Ma Thuột là 2907.

Vừa mới tham gia cách mạng, kinh nghiệm hoạt động chưa nhiều, lại bị địch bắt... Nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, anh đã biến cái rủi thành cái may và nhà tù đế quốc chính là nơi thử thách, rèn luyện và đào tạo người thanh niên yêu nước Đoàn Khuê.

Được tổ chức tin tưởng, giao nhiệm vụ tổ chức vượt ngục

Bị giam cầm trong lao tù đế quốc, tù chính trị đã “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, luôn tổ chức đấu tranh, với khát khao, mong muốn được trở về với cách mạng, với anh em, đồng chí, đồng đội. Vì vậy, làm thế nào để bảo toàn lực lượng, vượt khỏi ngục tù đế quốc, luôn được tính toán, bàn bạc kỹ lưỡng.

Thời gian này, tình hình thế giới, trong nước có những chuyển biến tích cực. Hồng quân Liên Xô đập tan cuộc tấn công vào Matxcơva, phát xít bị tổn thất nặng nề và đẩy lùi. Trước cục diện thế giới mới và với tình hình khả quan tại nhà đày, Tổ chức lãnh đạo đã kịp thời đặt vấn đề mở rộng tổ chức trung kiên và xác định rõ nhiệm vụ của tổ chức. Trước hết là lựa chọn và kết nạp thêm thành viên mới có phẩm chất, hoạt động tích cực qua các cuộc đấu tranh với kẻ thù.

Cho dù chưa là đảng viên, nhưng các đồng chí trong tổ chức trung kiên ở nhà đày Buôn Ma Thuột đã đánh giá cao về Đoàn Khuê, tin tưởng anh, cử anh vào “Ủy Ban vận động cách mạng”, đây là tổ chức làm nhiệm vụ của một chi bộ, gồm 19 thành viên. Anh Đoàn Khuê là một trong những thành viên mới của tổ chức này và sau phát triển đông hơn, chia thành các tổ, mỗi tổ phụ trách một số nhiệm vụ. Anh Đoàn Khuê được phân công vào tổ vượt ngục.

Với kinh nghiệm những năm tuổi trẻ tham gia cách mạng ở quê nhà, được rèn luyện tại nhà lao Quảng Trị, khi được chuyển đến nhà đày Buôn Ma Thuột, anh xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, đòi hỏi lòng dũng cảm, trí thông minh, đức tính kiên trì, phẩm chất và cẩn mật. Suy nghĩ và hành động, anh vừa phải thực hiện các nhiệm vụ được phân công, vừa phải tích cực học tiếng dân tộc (Ê đê, Gia rai, M nông) để tìm hiểu đường đi, phong tục, tập quán của bà con, nắm bắt tình hình nhà đày. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, có văn hóa, chịu khó, cần mẫn, anh tiến bộ rất nhanh trong học tiếng dân tộc, nhất là tiếng Ê Đê.

Anh Đoàn Khuê đã tận dụng mọi cơ hội để thăm dò, quan sát, tìm hiểu cách thức quản lý của địch; báo cáo với tổ chức sơ hở của địch trong canh gác, quản lý và địa thế nhà lao..., đề xuất cách thức vượt ngục: như trèo qua tường trong lúc đi cắt cỏ ngựa, khi đi lấy than, lấy nước...

Sau các cuộc vượt ngục thành công và không thành công, địch tăng cường cảnh giác, quản lý tù nhân chặt chẽ hơn, các con đường đó bị kiểm soát nghiêm ngặt. Anh tiếp tục nghiên cứu, tìm phương án vượt ngục mới, bằng cách chui qua cống ngầm của nhà vệ sinh để thoát ra ngoài. Tiếc rằng, phương án này cuối cùng bị thất bại do gặp phải một hồ chứa lớn ở bên ngoài.

Sau cuộc vượt ngục thành công của đồng chí Nguyễn Chí Thanh bằng con đường đi cắt cỏ ngựa, địch tăng cường bảo vệ, đưa tên giám ngục khét tiếng Moshine trở lại cai quản, mở thêm trại giam Đắc Min. Tổ chức phân tích và quyết định chuyển hướng vượt ngục sang Đắc Min, nơi địch còn sơ hở và có điều kiện thuận lợi hơn để vượt ngục. Đoàn Khuê được phân công thêm phụ trách công tác vận động binh lính và sĩ quan người Ê Đê.

Tổ công tác này lúc đầu anh là thành viên và từ năm 1944 anh đảm nhận làm Tổ trưởng. Anh luôn nắm bắt tâm tư của tù nhân, tận dụng các mối quan hệ để làm quen với binh lính, gây thiện cảm và giác ngộ. Nhiều anh em binh lính và chỉ huy người Ê Đê được anh giác ngộ, ngày càng có thiện cảm với tù chính trị, ủng hộ các cuộc đấu tranh của tù nhân; đặc biệt anh đã giác ngộ được nhiều cai, đội, binh lính người Ê Đê về với cách mạng và sau này là chỉ huy các đội quân cách mạng ở Đắc Lắc.

Những tên gọi trìu mến như: “Đội Hột mít, Cai học trò, Đội Sông Cầu”... mà anh em tù nhân quen gọi lúc đó, sau này là chỉ huy sư đoàn, trung đoàn và luôn giữ mãi tình cảm với anh em tù chính trị Buôn Ma Thuột. Thành công lớn nhất của tù chính trị Buôn Ma Thuột, trong đó có đóng góp lớn của anh Đoàn Khuê là cảm hóa thành công ông Quan Lé (tức Ibli, sau này là Phó Chủ tịch MTDTGPMNVN). Lúc đầu Quan Lé là ông quản trung thành với chủ ngục, nhưng qua tuyên truyền, vận động và trực tiếp chứng kiến tinh thần đấu tranh anh dũng của tù nhân, ông đã ngã về cách mạng, trở thành lãnh đạo có uy tín ở Tây Nguyên.

Ngày 9/3/1945, nhận được tin Nhật đảo chính Pháp, Ban lãnh đạo nhà đày gấp rút nhận định tình hình và quyết định: Phải có biện pháp đấu tranh thích hợp với chính quyền Trần Trọng Kim để sớm ra khỏi nhà đày; đồng thời chuẩn bị kế hoạch chu đáo, để tù nhân thoát khỏi nhà đày an toàn, không để tổn thất lực lượng, vì đây là vốn quý của cách mạng. Công việc chuẩn bị vượt ngục, đường đi, liên lạc với các địa phương .... được anh Đoàn Khuê và các đồng chí chuẩn bị chu đáo.

Trong tháng 3, 4 năm 1945, không khí trong nhà đày rất sôi sục. Việc học quân sự, chính trị, văn hóa; đấu tranh tư tưởng trong nội bộ, với địch, việc sắp xếp lực lượng tù nhân, việc phân công nhau về địa phương... tất bật ngày đêm; rồi việc liên lạc bên ngoài, việc bắt mối với các địa phương... là một chuỗi kế hoạch cụ thể, chi tiết và công phu.

Ban Lãnh đạo tuy có phân công, nhưng công việc dồn dập, nhiều việc mới phát sinh hằng ngày, nên mỗi lần hội ý là một lần có phân công thêm. Trong thời gian này, anh Đoàn Khuê đã tỏ rõ là đồng chí có năng lực, tháo vát và được giao nhiều việc cụ thể, quan trọng. Sau khi bàn kỹ kế hoạch giải phóng nhà đày, anh Đoàn Khuê được phân công ra về cuối cuối và phải có trách nhiệm đảm bảo anh em trở về an toàn. Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được tổ chức giao.

Phối hợp, tổ chức các cuộc đấu tranh tại ngục tù

Đầu năm 1942, bọn thống trị nhà đày quyết định cắt giảm một số quyền lợi về vật chất và tinh thần của tù chính trị. Để bảo vệ quyền lợi mà anh em tù chính trị phải đánh đổi bằng máu mới giành được, cuộc vận động đấu tranh đòi cải thiện sinh hoạt, phản đối cắt bớt gạo, thịt, lao động khổ sai đã diễn ra. Khó khăn lúc này là nội bộ tù nhân có ý kiến khác nhau: đấu tranh hay là không đấu tranh.

Nhận định và phân tích tình hình, các đồng chí quyết định: phải đấu tranh trong nội bộ trước. Anh Đoàn Khuê được cử vào Ban vận động nhà 6 (nơi giam giữ tù chính trị mới), đồng thời tìm cách liên lạc với các bạn tù ở nhà 3 và 4 (nơi giam giữ tù nhân cũ, có chế độ đãi ngộ hơn và cũng là nơi tập trung nhiều ý kiến không muốn đấu tranh). Được các đồng chí trong Ban lãnh đạo dìu dắt, cùng kinh nghiệm hoạt động ở bên ngoài, đồng chí đã tìm cách liên lạc, thuyết phục bạn tù.

Sau một thời gian vận động, thuyết phục và cuộc đấu tranh đòi cắt xén chế độ, đòi cải thiện chế độ sinh hoạt cho tù nhân đi đến thống nhất. Đầu tháng 4/1942, bắt đầu là một số tù nhân ở các trại tuyên bố không đi làm việc để phản đối chế độ hà khắc của nhà đày. Quản ngục sau khi được lệnh của Công sứ đã dồn các tù nhân tham gia đấu tranh vào lao 2 và ráo riết đàn áp.

Tù nhân đấu tranh bị cùm chân suốt ngày đêm, bị phạt ăn cơm nhạt và cứ 2 ngày một chúng cho lính vào đánh đập. Mỗi lần lính đến đánh là máu chảy ra chiếu, nền nhà, tung tóe lên tường, trần, nhưng tiếng hô khẩu hiệu của tù chính trị từng đợt vẫn vang lên rầm rã cả nhà đày. Trong đợt khủng bố này, anh Đoàn Khuê đã thể hiện sự dũng cảm, kiên cường, động viên và hết lòng bảo vệ, che chắn cho những anh em sức yếu...

Cuộc đấu tranh kéo dài 3 tuần, chủ ngục chấp nhận gặp đại diện nhà đày, hứa sẽ giải quyết và khuyên anh em thôi đấu tranh. Các yêu cầu về gạo, thực phẩm và một số chế độ khác được giải quyết. Sau cuộc đấu thắng lợi, tình hình nhà đày chuyển biến tích cực. Nội bộ tù nhân đoàn kết, các tư tưởng sợ đấu tranh, bi quan, không tin tưởng được khắc phục.

Đầu năm 1943, tình hình nhà đày trở nên căng thẳng do tên Moshine, một tên chủ ngục gian ác trở lại cai quản nhà đày. Vào tháng 6/1943, để trả thù cuộc vượt ngục của các đồng chí Tống, Duy, Nhân, khủng bố tinh thần và răn đe tù nhân khác có ý định vượt ngục, tên Moshine đã vô cớ bắn chết 4 đồng chí-mà hắn cho là đã tổ chức cho các đồng chí vượt ngục.

Hành động giết người man rợ của Moshine gây căm phẫn cao độ trong tù nhân. Ban lãnh đạo quyết định phát động cuộc đấu tranh phản đối hành động gian ác của Moshine và đòi đổi tên này đi. Cuộc đấu tranh được tuyệt đại đa số anh em tán thành và hưởng ứng.

Ban chỉ đạo đấu tranh thành lập và chia làm 2 bộ phận: một bộ phận tham gia đấu tranh, một bộ phận không trực tiếp đấu tranh, ở ngoài lo các công việc và để phục vụ cho đồng đội, tranh thủ vận động binh lính trong đấu tranh. Đoàn Khuê được Ban lãnh đạo nhà đày cử vào bộ phận này cùng với đồng chí Nguyễn Hữu Khiêú1. Anh được giao trong công tác nhà bếp, đi cùng với vận động binh lính, còn phụ trách việc tiếp tế cho anh em trực tiếp đấu tranh.

Ban lãnh đạo đã bí mật trao đổi và viết đơn gửi Bảo Đại và Công sứ Pháp gây sức ép, buộc chúng phải chấp nhận yêu cầu của ta. Sau sự kiện này, tên Moshine trả thù anh em một cách tàn bạo. Chúng cùm chân tù nhân, cho lính đứng thành hàng ngang thẳng tay đánh đập. Trong suốt 15 ngày đấu tranh, chúng đối xử với tù nhân rất thậm tệ, cứ 6 ngày bắt ăn cơm lạt và uống nước lã, chúng lại cho ăn 1 ngày cơm mặn đã khiến nhiều tù nhân bị ỉa chảy, kiết lị, cơ thể suy nhược 1 cách nhanh chóng.

Trong thời gian đấu tranh gay go này, anh Đoàn Khuê bất chấp hiểm nguy, thường xuyên động viên anh em đoàn kết, giữ vững lập trường đấu tranh với kẻ thù. Với sự thông minh, khôn khéo của anh và các anh nhà bếp, anh em bị phạt ăn nhạt vẫn có ruốc, muối ớt trong một số bữa ăn.... Chính trong thời gian này, Đoàn Khuê và anh em đã thuyết phục được nhiều binh lính ủng hộ cuộc đấu tranh đòi đổi tên Moshine, đỉnh điểm là khi nó bắn chết một tù nhân đang ốm.

Trước thái độ đấu tranh kiên quyết của tù nhân, Công sứ buộc phải đến nhà đày. Biết được tin này, Đoàn Khuê cùng một số đồng chí khác trong Ban lãnh đạo có cuộc họp chớp nhoáng và dự kiến hai khả năng có thể xảy ra: một là: chúng đến để thương lượng với ta; hai là: chúng tiếp tục dùng vũ lực hòng làm lung lạc ý chí đấu tranh của anh em. Từ nhận định khả năng thứ nhất có thể xảy ra, nhóm đã bàn tính và cử 4 tù chính trị giỏi tiếng Pháp lên gặp Công sứ.

Ngày hôm sau, tại cuộc đối thoại trực tiếp giữa các đại biểu của ta với Công sứ Pháp, ta tiếp tục nêu rõ yêu cầu đấu tranh đòi đổi tên chủ ngục Moshine, phản đối chế độ hà khắc của nhà đày. Trước thái độ cương quyết của tù chính trị, chúng buộc phải phê vào đơn chấp thuận các yêu cầu của ta. Cuộc đấu tranh giành được thắng lợi không chỉ trong niềm vui trong tù chính trị mà còn với sự vui mừng của binh lính người Ê Đê, chẳng những đời sống tù nhân được cải thiện mà những tù chính trị trẻ tuổi có thêm kinh nghiệm đấu tranh, tiếp thêm sức mạnh trên con đường cách mạng.

Học tập để nâng cao trình độ

Trong ngục tù đế quốc, học tập là để sống, để chiến đấu với kẻ thù và nâng cao trình độ văn hóa, lý luận chính trị để khi ra tù còn thêm năng lực phục vụ cách mạng là nhiệm vụ và nguyện vọng tha thiết của tù chính trị.

Cuối năm 1943, sau khi tên Moshine buộc phải ra đi, với giám ngục mới , cuộc sống của tù nhân được cải thiện. Nội bộ nhà đày tăng cường tổ chức lại đời sống, chăm lo sức khỏe cho tù nhân. Ban lãnh đạo chủ trương đề cao việc học tập văn hóa, lý luận, quân sự; chú trọng vận động binh lính, tìm cách vận động nhân dân ở thị xã và công nhân các đồn điền, có kế hoạch vượt ngục trở về hoạt động cách mạng. Để đáp ứng nhiệm vụ mới, tổ chức tù nhân được mở rộng; cơ quan lãnh đạo-tổ chức trung kiên của nhà đày được tăng cường. Anh Đoàn Khuê đươc bổ sung vào tổ chức này vào đầu năm 1944.

Trình độ văn hóa của tù chính trị tại nhà đày lúc này tương đối khác nhau, có người đã học đến Trung học, nhưng có người chưa đọc thông viết thạo. Anh Đoàn khuê đã đề xuất, những đồng chí có trình độ từ tiểu học trở lên làm thầy giáo. Nhờ vậy, phong trào học tập trong nhà đày phát triển với nhiều hình thức: học viết trên nền nhà, viết bằng que tre hoặc than bếp... Cứ mỗi tuần, thầy giáo kiểm tra bài, có thi, có khảo, có khen, chê rất nghiêm túc. Tù chính trị còn tổ chức dạy, học ngoại ngữ. Cũng nhờ tinh thần hiếu học, quyết tâm của cả thầy và trò, nhiều đồng chí có trình độ thấp, chưa đọc thông, viết thạo nhưng khi ra tù, trình độ văn hóa được nâng lên, biết ngoại ngữ.

Đầu năm 1944, tình hình thế giới có chuyển biến tích cực. Tình hình cách mạng trong nước có bước chuyển biến mới. Cơ quan lãnh đạo nhận định thời cơ sắp đến và phải tích cực chuẩn bị các mặt, tìm cách trở về với cách mạng. Chính trong thời gian này, trong nhà đày xuất hiện một số khuynh hướng lệch lạc, nên cuộc đấu tranh chống tư tưởng sai lệch diễn ra khá sôi nổi và có lúc căng thẳng.

Đồng thời, để giúp tù nhân vượt qua những đau đớn về chế độ hà khắc của nhà đày, vợi bớt nỗi nhớ quê hương, gia đình, nâng cao tinh thần cách mạng... hàng đêm ở các phòng giam diễn ra hình thức sinh hoạt, kể chuyện và sáng tác thơ văn và kể cho nhau nghe về gương đấu tranh anh dũng. Bài thơ được Đoàn Khuê đọc nhiều nhất là “Từ ấy” của nhà thơ Tố Hữu; anh kể chuyện tìm đến với cách mạng, về khó khăn của người miền biển, về các đồng chí tiền bối...

Đi cùng học văn hóa, chính trị, anh em còn hăng say mở lớp huấn luyện quân sự nhằm trang bị kiến thức cơ bản với niềm tin sẽ có ngày thoát khỏi ngục tù, tiếp tục phục vụ sự nghiệp cách mạng. Việc tổ chức học tập được tổ chức sôi nổi, anh Đoàn Khuê cùng một số tù chính trị trẻ, khỏe được lựa chọn phụ trách tiểu đội, trung đội.

Chương trình huấn luyện bao gồm các nội dung điều lệnh đội ngũ, chiến thuật (du kích, tập kích, phục kích), tính năng một số vũ khí, các động tác bắn súng, ném lựu đạn... Phương pháp học tập là thông qua các hoạt động thể thao, văn nghệ, vệ sinh, tăng gia...; có sự hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của các đồng chí phụ trách.

Nhờ cách thức tổ chức khéo léo, phương pháp học tập thích hợp và nỗ lực của anh em, sau vai tháng đã đạt được kết quả khả quan. Để biểu dương lực lượng, nâng cao chí khí đấu tranh của anh em, nhân dịp đón tết Giáp Thân (năm 1944), Ban lãnh đạo đề nghị với chủ ngục Moshine cho phép được tổ chức “duyệt binh” tại sân nhà tù. Sáng mồng 1 tết, các khối duyệt binh, đội nghi lễ, đội nhạc hàng ngũ chỉnh tề, bắt đầu cho cuộc duyệt binh trọng thể.

Sau lễ chào cờ là diễu hành 3 vòng của hơn 400 tù nhân trước sự chứng kiến của của vợ chồng quản ngục Minhô và binh lính, viên chức nhà tù. Cuộc duyệt binh là kết quả của quá trình vận động, tổ chức tài tình của Ban lãnh đạo và các đồng chí phụ trách huấn luyện và lớn hơn cả là cuộc diễn tập lớn chuẩn bị tinh thần và lực lượng chớp thời cơ thoát khỏi nhà đày trở về với phong trào cách mạng.

Được đảng giác ngộ bước vào đời hoạt động cách mạng khá trẻ, thực tế cuộc sống, cũng như hiểu biết về cách mạng chưa nhiều. Nhưng trải qua những năm tháng trong tù, anh đã trưởng thành khá nhanh. Thời gian ở ngục tù tuy không dài, nhưng đó là trường học đầu tiên góp phần tạo nên bản lĩnh của một vị tướng tài ba. Như lời nhận xét của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Đoàn Khuê, cậu ấy gan lỳ lắm ở nhà đày Buôn Ma Thuột, tôi biết đối với cách mạng, cậu ấy không bao giờ nề hà hơn, thiệt”.

1 Theo lời kể của đồng chí Đoàn Chương

2 Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Quảng Trị, Lịch sử Đảng bộ thị xã Quảng Trị. Nxbctqg. Hà Nội. 2010, Tr 85.

1 Quê ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong; sau này là UVTW Đảng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCNVN tại Liên Xô.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/nha-tu-de-quoc--noi-thu-thach-ren-luyen-y-chi-ban-linh-cach-mang-cua-nguoi-thanh-nien-yeu-nuoc-doan-khue/180887.htm