Nhà trường ủng hộ quy định không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học

Thay vì giao bài tập quá nhiều cho các em học sinh tiểu học, nhiều trường đã tổ chức các hoạt động tập thể, giáo dục kỹ năng sống nhằm phát triển năng khiếu của các em.

Quy định cấm giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo đề ra từ lâu. Theo đó, giáo viên phải hướng dẫn học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày hoàn thành nội dung ngay tại lớp và không được giao bài tập về nhà cho các em. Còn đối với học sinh học một buổi, Bộ GD – ĐT yêu cầu giáo viên chỉ được giao bài tập bằng học sinh học 2 buổi/ngày và không được giao bài tập ngoài sách giáo khoa. Bộ cũng khuyến khích các trường tiểu học tổ chức cho học sinh để sách vở tại lớp thay vì mang về nhà.

Trong thời gian đầu năm học mới, các Sở GD – ĐT tại nhiều tỉnh cũng đã có sự nhắc nhở đối với các trường học trên địa bàn để thực hiện quy định một cách nghiêm chỉnh hơn.

Đại diện Sở Giáo dục Đào tạo TP Hà Nội cho biết: "Sở Hà Nội vẫn luôn quan tâm và đốc thúc các trường thực hiện tốt chủ chương không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học tại các trường trên địa bàn. Thực hiện tốt chủ chương này sẽ giảm được áp lực cho các em học sinh. Lứa tuổi tiểu học là lứa tuổi hình thành nhân cách con người, đạo đức lối sống nên các em cần được giáo dục về văn - thể - mỹ, không nên quá nặng về kiến thức. Thực tế, học 2 buổi/ngày là đã đảm bảo kiến thức cho các em".

Hiện chủ chương không giao bài tập về nhà cho học sinh đang rất được nhà trường và các giáo viên ủng hộ. Cô Nguyễn Thị Huệ, hiệu trưởng tiểu học Chu Văn An – Hà Nội cho biết: "Nhà trường và các thầy cô rất ủng hộ và thực hiện nghiêm túc quy định không giao bài tập về nhà cho học sinh, có thể giảm gánh nặng và dồn được nhiều công sức, thời gian giúp các em phát triển toàn diện về mặt đạo đức, lối sống, kĩ năng sống. Đối với việc học 2 buổi/ngày, các em được học kiến thức vào buổi sáng, buổi chiều sẽ được các cô hướng dẫn cách làm bài tập. Hai năm qua, nhà trường cũng hướng đến việc chú trọng phát triển kỹ năng cho các em bằng cách tổ chức các hoạt động tập thể, sinh hoạt ngoài nhà trường, như giáo dục kỹ năng sống , phổ cập bơi, các hoạt động phát triển năng khiếu, học võ, học múa".

Thay vì làm bài tập về nhà, các em học sinh được tham gia những hoạt động ngoại khóa thú vị, phát triển thể chất và trí tuệ

Cùng với chủ trương không giao bài tập về nhà cho học sinh học 2 buổi/ngày, việc tăng thời lượng cho các hoạt động phát triển kỹ năng, năng khiếu đã giúp học sinh tiểu học có thể phát triển toàn diện.

Cô Nguyễn Vân Anh – giáo viên trường tiểu học Nghĩa Tân chia sẻ quan điểm của mình: "Đối với bậc tiểu học, việc không giao bài tập về nhà cho học sinh là hợp lý. Nếu mỗi ngày các em phải tiếp xúc với bài vở 8 – 9 tiếng ở lớp rồi lại về nhà cắm cúi làm bài tập thì rất áp lực, không có thời gian để vui chơi thư giãn. Khi đến lớp, các cô lại kiểm tra bài tập một cách khuôn phép, lặp đi lặp lại như vậy sẽ không thể tạo được niềm hứng khởi trong việc học của học sinh.

Ở lớp, các cô có thể hướng dẫn các em khi về nhà kể lại một câu chuyện hay làm một việc tốt, giúp đỡ bố mẹ, ông bà. Sau đó đến lớp kể lại cho cả lớp nghe về việc ấy chẳng hạn thì đây cũng là một cách hướng dẫn các em ôn tập mà không gò bó. Tôi cho rằng, cần phải xác định không phải không giao bài tập về nhà thì các em hoàn toàn không ôn tập lại bài cũ, cần rèn cho các em có tính tự học, hướng dẫn về nhà tự xem lại bài, tranh thủ ôn lại và chuẩn bị bài mới".

Các nhà nghiên cứu giáo dục cũng cho rằng con người phát triển tốt hay không phụ thuộc vào việc học tập ở độ tuổi từ 6 đến 9 tuổi. Hiện có nhiều nước trên thế giới cũng đã cấm việc giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học.

Nguồn VTV: http://vtv.vn/giao-duc/nha-truong-ung-ho-quy-dinh-khong-giao-bai-tap-ve-nha-cho-hoc-sinh-tieu-hoc-2016101710242015.htm