Nhà thuốc, cá nhân có được phép livestream bán thuốc qua mạng xã hội?

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược kỳ vọng sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp ổn định thị trường kinh doanh thuốc online hiện nay.

Cá nhân không được phép livestream bán thuốc

Thời gian qua, tình trạng livestream, quảng cáo tràn lan bán thuốc và thực phẩm chức năng trên mạng xã hội đã nhiều lần được phản ánh, nhưng vấn nạn này vẫn diễn biến phức tạp. Do đây vẫn là "mảnh đất màu mỡ" khiến không chỉ các nhà thuốc đẩy mạnh bán hàng online, nhiều cá nhân cũng công khai vi phạm, chào bán các loại thuốc theo quy định phải có bác sĩ kê đơn mới được bán.

Theo nhiều chuyên gia, đây là xu thế chung khi công nghệ ngày càng phát triển. Tuy nhiên, cần có chế tài quản lý chặt chẽ hoạt động livestream, quảng cáo đối với thuốc, do đây là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Nhiều nhà thuốc đẩy mạnh bán thuốc qua mạng xã hội. Ảnh: Minh Ngọc

Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể với hình thức bán hàng này. Tuy nhiên, đối với các cơ sở bán lẻ thuốc đã có các quy định về điều kiện địa điểm, cơ sở vật chất, người chịu trách nhiệm chuyên môn và quy trình tư vấn bán thuốc. Ngoài ra, đại diện Cục Quản lý dược khẳng định, các cá nhân không được phép livestream, quảng cáo bán thuốc trên các nền tảng mạng xã hội.

"Thuốc là mặt hàng kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, được quản lý chặt chẽ bởi Bộ Y tế. Hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe. Hiện, quy định kinh doanh thuốc online chưa thực sự cụ thể. Tuy nhiên, việc cá nhân tự phát kinh doanh thuốc online là không đúng quy định. Do việc kinh doanh bán lẻ thuốc phải đáp ứng về điều kiện kinh doanh, trong khi đó những quy định này chỉ dành cho các cơ sở bán lẻ thuốc", đại diện Cục Quản lý Dược cho hay.

Tình trạng livestream bán thuốc, TPCN phát triển nhanh thời gian vừa qua.

Đối với nhà thuốc, đại diện Cục Quản lý dược cho biết, những cơ sở này có thể đưa các thông tin về thuốc lên mạng, tuy nhiên nếu thông tin được truyền tải theo dạng quảng cáo thì cần tuân thủ nghiêm các quy định về quảng cáo thuốc của Bộ Y tế.

Vừa qua, Bộ Y tế đã đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, trong đó quy định chi tiết về việc kinh doanh thuốc qua hệ thống thương mại điện tử. Cục Quản lý Dược cho biết, hiện đơn vị đang tổ chức nghiên cứu để khi dự án Luật này có hiệu lực, Cục sẽ kịp thời ban hành hướng dẫn cụ thể về kinh doanh thuốc online với các cơ sở kinh doanh, bán lẻ thuốc.

Tháo gỡ băn khoăn cho cơ sở bán lẻ thuốc

Anh Hoàng - Chủ hiệu thuốc tại Linh Lang (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, cơ sở của anh đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kinh doanh bán lẻ thuốc. Tuy nhiên, đối với việc triển khai livestream bán hàng qua mạng xã hội vẫn khiến anh không khỏi băn khoăn, lo lắng.

"Tôi đã tham khảo ý kiến tư vấn của nhiều bên về vấn đề này, nhưng đều nhận được phản hồi rằng, hiện chưa có quy định cụ thể về việc bán thuốc online. Dù rất muốn triển khai nhưng lo lắng có thể bị xử phạt, ảnh hưởng đến nhà thuốc đã bỏ công gây dựng từ lâu nên đành tạm dừng ý tưởng này", anh Hoàng cho hay.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Luật sư X (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể với hình thức bán thuốc online. Do đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật dược là cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý, tránh khoảng trống trong quy định đối với loại hình này.

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Hệ thống luật sư X (Đoàn luật sư TP. Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo luật sư, vấn đề bán thuốc online có đúng quy định hay không lâu nay là câu hỏi của không ít nhà thuốc. Trước sự phát triển của hệ thống thương mại điện tử và thói quen mua thuốc online, các nhà thuốc không thể đứng ngoài xu thế này. Tuy nhiên, việc hiện nay có được triển khai bán thuốc online không, cần đáp ứng những yêu cầu nào thì hiện vẫn là câu hỏi "khó"...

Phân tích nhận định trên, luật sư Nghĩa cho rằng, việc kinh doanh bán lẻ thuốc của các cơ sở được quản lý theo quy định Luật Dược 2016 và Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dược.

Đầu tiên, các cơ sở phải có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược, theo đó phải đáp ứng đủ các yêu cầu về địa điểm, cơ sở vật chất, nhân sự, tư vấn,... Người phụ trách, chịu trách nhiệm chuyên môn nhà thuốc phải có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, với hình thức bán thuốc online, rất khó để đảm những bảo những quy định này, chưa kể đến nguồn gốc chất lượng thuốc và hóa đơn hàng hóa bán ra.

Ngoài ra, trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược (GCN) phải thể hiện nội dung phạm vi kinh doanh (được hướng dẫn theo công văn của Cục Quản lý Dược về phạm vi kinh doanh của nhà thuốc). Tuy nhiên, do hoạt động bán thuốc online chưa có quy định cụ thể nên hiện hoạt động này không được nêu trong nội dung "phạm vi kinh doanh" của nhà thuốc.

"Nếu triển khai bán thuốc online, tức là nhà thuốc đang kinh doanh theo phương thức nằm ngoài phạm vi kinh doanh của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Vậy hoạt động này có vi phạm quy định, các nhà thuốc có bị xử phạt hay không (?!). Đó chính là nỗi băn khoăn lâu nay của không ít nhà thuốc. Vì vậy, sự ra đời của Luật sử đổi, bổ sung một số điều Luật Dược, trong đó quy định chi tiết việc bán thuốc online là điều cần thiết, không chỉ "gỡ rối" cho cơ quan quản lý mà còn giúp các cơ sở bán lẻ thuốc có căn cứ tham gia vào thị trường này", Luật sư Nghĩa nhận định.

Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân - Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc bán thuốc online hiện chưa được quy định cụ thể. Do đó, trong thời gian tới, sự ra đời của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược được kỳ vọng giải quyết những "nút thắt" trong loại hình kinh doanh thuốc này.

Minh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nha-thuoc-ca-nhan-co-duoc-phep-livestream-ban-thuoc-qua-mang-xa-hoi-169240118130008733.htm