Nhà thơ Yến Lan với tình bạn, tình quê hương

Ngày 29/9, tại Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan (ở phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn), Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Bình Định phối hợp với Hội VHNT thị xã An Nhơn cùng gia đình nhà thơ tổ chức khánh thành tượng thi sĩ Yến Lan và chương trình thơ - nhạc 'Nhà thơ Yến Lan với quê hương' như một niềm kính ngưỡng, tri ân người đã khuất.

Nhà thơ Yến Lan và vợ tại Lễ trao Huân chương Lao động hạng Nhất, dịp mừng thọ 75 tuổi của ông. Ảnh: Trường Định

Nhà thơ Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang, sinh ngày 2/3/1916, tại phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. 6 tuổi, ông đã mồ côi mẹ, trải qua một tuổi thơ cơ cực với cha và người mẹ kế nơi không gian chùa Ông bên cửa Đông thành Bình Định. Có thể nói, ngoài nét cổ kính rêu phong của tháp Chàm, của thành Bình Định... thì chùa Ông là không gian đóng vai trò lớn trong việc tạo nên tâm hồn và cốt cách của nhà thơ Yến Lan.

Chùa Ông cũng là nơi đầu tiên ông gặp Hàn Mặc Tử, nơi chia ngọt sẻ bùi với Chế Lan Viên, Quách Tấn để sau này làm nên “Bàn Thành Tứ Hữu” - một niềm tự hào của quê hương Bình Định. Chùa Ông cũng là nơi định mệnh cho ông gắn bó suốt đời với người con gái tên Lan là vợ ông; và đây cũng là nơi ông nhận biết bao cánh thư của những người con gái yêu ông, những bạn đọc ngưỡng mộ ông trên khắp mọi miền đất nước.

Với tính cách hiền lành, trọng nghĩa, trân quý tình bạn, nhà thơ Yến Lan đã trở thành cầu nối, gắn kết 3 người bạn còn lại thành bộ tứ, được giới phê bình phong là "Bàn Thành Tứ Hữu", làm nên những áng thơ chói sáng trong nền văn học nước nhà.

Nhờ yêu thương, đùm bọc nhau, cho nên cả nhóm đều lần lượt cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng. Năm 1936, Hàn Mặc Tử in tập "Gái quê", rồi tập thơ "Điên" (1938); Quách Tấn in "Một tấm lòng" (1939), "Mùa cổ điển" (1941). Cùng đau đáu với quê hương An Nhơn, với thành quách rêu phong, trăn trở với dân Chàm, với tháp Chàm mà Chế Lan Viên cho ra đời tập "Điêu tàn" (1937); Yến Lan viết "Bến My Lăng" rồi "Giếng loạn" với 28 bài thơ viết về kiếp đời của các Chiêm nương, được Hàn Mặc Tử viết tựa bằng bài thơ có nhan đề "Trăng tự tử".

Cách mạng tháng Tám thành công, cũng như nhiều văn nghệ sĩ yêu nước khác, nhà thơ Yến Lan hồ hởi tham gia cách mạng, công tác văn hóa-văn nghệ ở Bình Định tại các vị trí: Ủy viên văn hóa cứu quốc Bình Định, Ủy viên văn hóa kháng chiến Nam Trung Bộ, Trưởng đoàn kịch kháng chiến.

Năm 1954, đất nước chia 2 miền Nam Bắc, các nhà thơ: Yến Lan và Chế Lan Viên tập kết ra Bắc, Hàn Mặc Tử và Quách Tấn ở lại miền Nam. Cách trở do chiến tranh, nhưng tình cảm họ dành cho nhau, dành cho quê hương vẫn không bao giờ vơi cạn.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Yến Lan về lại quê nhà, tham gia Chủ tịch danh dự của Hội VHNT tỉnh Bình Định, sống giản dị với góc thành Bình Định cũ; lấy cảm hứng từ ký ức và đời sống của quê hương sáng tác hàng trăm bài thơ tứ tuyệt, trong đó có nhiều bài được đánh giá vào hàng tuyệt bút.

Ngoài mảng thơ viết trước năm 1945, sớm làm nên tên tuổi trên văn đàn; và các tập thơ được Giải thưởng Nhà nước về VHNT: "Những ngọn đèn" (1957), "Tôi đến tôi yêu" (1965), "Lẵng hoa hồng" (1968), viết trong những năm tháng ở miền Bắc, Yến Lan còn để lại hơn 500 bài thơ tứ tuyệt được ông viết vào những năm cuối đời trên quê hương An Nhơn.

Với quê hương Bình Định, ông dành một tình cảm đặc biệt trong các tác phẩm của mình, qua rất nhiều bài thơ nổi tiếng như: "Bình Định 1935", "Bình Định 1945", "Bình Định 1947", "Hôm nay đã đến, Bình Định ơi", "Bình Định 1975-1976"; hoặc các bài thơ tứ tuyệt: "Mưa Bình Định", "Cây me mẹ tựa", "Nằm giữa quê ngoại", "Bồn dừa tơ", "Tàu ngang quê cũ"...

Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn chia sẻ, 25 năm qua, mỗi khi đến rằm tháng Tám, giới văn nghệ sĩ trên cả nước và tỉnh Bình Định lại nhớ đến sự ra đi của nhà thơ Yến Lan - nhà thơ xuất sắc trong phong trào thơ mới, một chứng nhân lịch sử thơ ca của đất nước. Với sự trân trọng và tình cảm sâu sắc mà chính quyền và nhân dân thị xã An Nhơn dành cho nhà thơ Yến Lan, UBND thị xã An Nhơn tặng Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan bức tượng về ông. Tác phẩm này hoàn thành từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, kết tinh từ tài hoa và tấm lòng yêu mến cố thi sĩ Yến Lan của nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa.

Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa cho biết: Với niềm tin mà quý anh em đã đặt cho tôi và để không phụ lòng niềm tin đó, tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về văn chương sự nghiệp và cốt cách của thi sĩ Yến Lan, sâu xa hơn nữa là tình yêu của tôi dành cho quê hương và sự ngưỡng mộ dành cho thi sĩ Yến Lan. Tôi đã làm bức tượng này với hình ảnh nhà thơ Yến Lan đầy sức sống và năng lượng ở độ tuổi đã qua tuổi 60, thời kỳ ông được bầu làm Chủ tịch danh dự Hội VHNT tỉnh Bình Định.

Theo nhà thơ Mai Thìn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bình Định, bức tượng về nhà thơ Yến Lan đặt tại khuôn viên nhà lưu niệm đã tạo dựng một không gian thật ý nghĩa, đúng với sở thích, đúng với tâm hồn nhà thơ. Từ nay, văn nghệ sĩ và những người yêu thơ có một chốn để vun đắp truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Được biết, Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan ở khu phố Hòa Cư được khánh thành vào ngày 10/9/2022. Ông Lâm Trường Định, cháu nội thi sĩ Yến Lan cho biết: Ban đầu, gia đình xây dựng nhà lưu niệm, lưu giữ những kỷ vật của ông nội, đồng thời cũng là một nơi để các văn nghệ sĩ, người dân, các em học sinh trên địa bàn An Nhơn nói riêng và các vùng lân cận nói chung có thể tìm hiểu thân thế, sự nghiệp và di sản sáng tác của thi sĩ Yến Lan. Chúng tôi mong muốn, Hội VHNT tỉnh Bình Định cùng các ngành chức năng thường xuyên tổ chức những hoạt động văn hóa-văn nghệ góp phần tạo ra diễn đàn để các văn nghệ sĩ, cũng như những người yêu văn học đến đây giao lưu, chia sẻ.

Ái Trinh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nha-tho-yen-lan-voi-tinh-ban-tinh-que-huong-post467005.html