Nhà thơ Thanh Tùng qua đời: Ký ức đẹp và buồn của 'Thời hoa đỏ'

Nhà thơ Thanh Tùng - tác giả bài thơ 'Thời hoa đỏ' nổi tiếng được phổ nhạc vừa qua đời vì căn bệnh ung thư dạ dày, hưởng thọ 83 tuổi. Ông ra đi để lại bao thương tiếc cho công chúng.

Nhà thơ Thanh Tùng (tên thật là Doãn Tùng) sinh năm 1935 ở Nam Định. Sở dĩ, ông lấy bút danh Thanh Tùng bắt nguồn từ tình thương người em ruột tên Thanh mắc bệnh tâm thần nên đem tên em vào trước tên mình.

Tuổi trẻ, nhà thơ từng làm nhiều công việc mưu sinh nặng nhọc như: phu khuân vác tại Hải Phòng, đi bán báo dạo, làm công nhân, làm thuê làm mướn... Sau này, ông chuyển vào TP HCM sinh sống, có nhà ở đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3.

Nhạc sĩ Phú Quang có nhận xét về thơ của Thanh Tùng: "Tôi đã phổ của Thanh Tùng ba bài thơ "Người về", "Hà Nội ngày trở về" và "Mùa thu giấu em". Riêng bài Hà Nội ngày trở về thì câu hát "vội vã trở về, vội vã ra đi" đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người. Phải thừa nhận, Thanh Tùng có những câu thơ thật thi sĩ, đọc một lần thì ám ảnh khôn nguôi. Ngoài cái tứ, thơ Thanh Tùng cũng giàu nhạc điệu. Tôi đang phổ một bài thơ khác của Thanh Tùng viết về mẹ với hình ảnh đắt giá "tiếng mẹ run như sóng, tiếng mẹ mềm như tơ, mẹ cười hay mẹ khóc, chỉ thấy mắt ta mờ".

Nhà thơ Thanh Tùng

Nói đến nhà thơ Thanh Tùng, công chúng luôn nhớ tới bài thơ "Thời hoa đỏ". Sáng tác này càng trở nên nổi tiếng khi được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc. Năm 1993, ca khúc này được giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm và năm 1995 được giải thưởng của Hội Âm nhạc Việt Nam.

Bài thơ "Thời hoa đỏ" được nhà thơ Thanh Tùng viết vào khoảng năm 1972, khi ấy cuộc hôn nhân của ông cùng người vợ ở đất cảng Hải Phòng đã đổ vỡ. Tuy chia tay nhau nhưng Thanh Tùng vẫn nhớ nhung, quyến luyến ký ức với người vợ này. Khi nghe tin bà mất, ông ra Quảng Ninh (nơi bà tái hôn với người chồng sau) viếng vợ cũ.

Nỗi bi thương về cuộc tình trở thành nguồn cảm hứng cho sáng tác của ông. Dù lời bài hát chỉ nói chung chung là hoa đỏ, nhưng ở mảnh đất Hải Phòng nơi Thanh Tùng từng sinh sống, ai cũng ngầm hiểu hình ảnh ấy nói về hoa phượng vĩ. Bài thơ có nhiều câu thơ ám ảnh, trong đó những câu: "Trong câu thơ của em anh không có mặt/ Câu thơ về một thời yêu đương tha thiết/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say" đã neo đậu trong lòng công chúng nhiều thế hệ.

Bài thơ được nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, lúc đó làm Trưởng ban thơ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, xuống đất cảng chơi đã gặp gỡ tác giả và đem về in lần đầu tiên.

"Thời hoa đỏ" gắn với giọng ca Thái Bảo

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng từng kể, năm 1989, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cử 4 nhạc sĩ sang Nga dự một trại viết, trong đó có ông. Trong trang phục quần áo kaki, ông không thể chống lại giá rét và chỉ 1 tuần sau đã bị ho ra máu. Những người bạn Nga đưa nhạc sĩ đi cấp cứu, ông nằm viện suốt 1 tháng trời, xung quanh mọi thứ đều xa lạ.

Sau 1 tháng, nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phải chuyển sang bệnh viện lao, co ro trong bênh viện, buồn chán, ông lục trong ba lô của mình tập thơ 99 bài thơ tình do một người bạn tặng trước lúc lên đường để đọc. Đến bài thơ "Thời hoa đỏ" của nhà thơ Thanh Tùng với những câu: "Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi /Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ…" thì trái tim ông như nghẹn lại. Bài hát được phổ nhạc ngay trên giường bệnh và ông hát một mình. Về nước, nhạc sĩ thu âm ca khúc với tiếng hát Lệ Thu. Bấy giờ nhạc sĩ và nhà thơ chưa từng gặp gỡ ngoài đời.

Nhà thơ Thanh Tùng từng chia sẻ, lần đầu tiên nghe bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ thơ mình, ông đang bán sách ở vỉa hè, điệp khúc: "Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi..." khiến ông tưởng mình đang bay lên, bay khỏi cuộc sống mưu sinh đời thường trĩu nặng.

So với bản gốc thơ, nhạc sĩ đã thay đổi có chủ ý hai câu thơ của Thanh Tùng, từ “Cánh mong manh tan tác đỏ tươi” thành “Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi” và “Như máu ứa một thời trai trẻ” thành “Như nuối tiếc một thời trai trẻ”. Theo nhạc sĩ, sự thay đổi này giúp cho nỗi buồn không quá bi lụy mà trong sáng và lạc quan hơn.

"Sau bài hát rồi em lặng im/ Cái lặng im rực màu hoa đỏ/ Sau bài hát rồi em như thể/ Em của thời hoa đỏ ngày xưa/ Sau bài hát rồi anh cũng thế/ Anh của thời trai trẻ ngày xưa..." - nhà thơ Thanh Tùng từng chia sẻ, đó là câu thơ ông tâm đắc nhất trong "Thời hoa đỏ". Câu chữ gửi gắm thông điệp nhân văn về tình yêu. Rằng khi yêu, điều quan trọng hơn cả là người mình yêu được hạnh phúc. Người đàn ông không buồn vì trái tim người con gái ấy không có mình, mà chỉ buồn khi hành trình tình yêu của người ấy bị dang dở vào đúng những tháng ngày đắm say trong cuộc đời.

T.Nam

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/nha-tho-thanh-tung-qua-doi-ky-uc-dep-va-buon-cua-thoi-hoa-do-2017091309401397.htm