Nhà thơ Đào Phong Lan trở lại văn đàn sau 17 năm 'biến mất'

17 năm 'biến mất' trên văn đàn, Đào Phong Lan trở lại ở tuổi trung niên với tập thơ 'Em không thể nói lời từ biệt'. Tập thơ dường như là cách để Đào Phong Lan bày tỏ tình cảm trong sự trở lại với thơ của mình.

Nhà thơ Đào Phong Lan

"Tôi vẫn khao khát viết"

+ Làm thơ từ 8 tuổi, từng nổi đình nổi đám trong giới văn chương trẻ với nhiều giải thưởng văn học, lý do gì Đào Phong Lan "ở ẩn" gần 20 năm khi đang ở độ tuổi sung sức nhất?

Tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du, tôi chuyển về TPHCM bởi ba tôi muốn tôi về gần gia đình. Thay đổi một môi trường từ lãng đãng thi ca của Hà Nội về một nơi sôi động kinh tế của TPHCM, tôi bắt đầu sự nghiệp bằng công việc chuyên viên sáng tạo và truyền thông cho một công ty quảng cáo.

Tôi phải kích hoạt cả não trái và não phải cùng lúc, không thể chỉ thiên về cảm xúc như khi làm thơ. Thêm nữa, công việc bận rộn cứ thế cuốn tôi đi.

Sau 5 năm thấm mệt ở guồng quay của công ty quảng cáo, tôi chuyển sang làm truyền thông, marketing cho một số tập đoàn. Thăng tiến hơn, lương cao hơn, cũng đồng nghĩa với việc cần phải cống hiến nhiều hơn, năng suất hơn và trách nhiệm hơn.

Đến nỗi có những giai đoạn, làm việc bận đến nỗi, nhận tin nhắn báo lương thưởng về, tôi không còn cảm giác vui như thời mới đi làm nữa, vì cũng chẳng còn thời gian đâu mà xài tiền. Mà bận như thế thì cũng không còn thời gian để ốm nữa chứ nói gì đến việc cộng tác, gửi bài, tham gia các diễn đàn văn chương.

Thực sự tôi bị cuốn vào vòng xoáy thị trường và đi kiếm tiền chuyên nghiệp. Tôi bận đi xử lý khủng hoảng truyền thông doanh nghiệp, lên chiến lược marketing và truyền thông, thực hiện những dự án lớn và phải giữ cho đầu óc tỉnh táo liên tục, vì mơ màng một chút là không làm tròn trách nhiệm, không đạt KPI.

Tập thơ “Em không thể nói lời từ biệt”

Trong suốt gần 20 năm tôi đi làm, không đồng nghiệp nào biết tôi là một nhà thơ, nhà văn, hay từng học nhạc. Họ đều nghĩ tôi là con người của kinh doanh. Trong đầu tôi lúc nào cũng chỉ có kế hoạch ra mắt sản phẩm mới, chiến lược truyền thông tổng thể năm, giải quyết khiếu nại của khách hàng, chạy các dự án cộng đồng…

Những lúc đó, nếu tôi mà lại lao vào làm thơ nữa thì tôi biết thơ sẽ không hay và công việc của tôi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Sợ nhất là thơ lại giống như một bản kế hoạch truyền thông, còn kế hoạch truyền thông lại giống như một bài thơ.

Còn một điều nữa, lúc đó, thơ ca với tôi chỉ còn là thứ yếu. Đã qua thời tôi hài lòng sống bằng tiền nhuận bút khi còn là sinh viên. Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì nếu lương tôi được tăng theo từng năm hoặc khi thăng chức, thì nhuận bút thơ lại giảm dần theo thời gian.

Trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, người ta buộc phải ưu tiên một thứ. Tôi nghĩ chủ quan là, khi tôi đã ổn hơn, không phải lo quá đến mưu sinh thì có thể lúc đó, thơ sẽ quay lại là sự ưu tiên của tôi.

+ Bản thân chị, suốt quãng thời gian dài ấy, có lúc nào nuối tiếc, dằn vặt vì không chọn bước tiếp cùng thơ ca?

Tôi không nuối tiếc, vì tôi tin rằng rồi tôi sẽ trở lại, chỉ là sớm hay muộn thôi. Vì tôi vẫn khao khát viết, vẫn giữ trong lòng cảm xúc mãnh liệt. Thơ trong tôi như đám than ủ trong ngực, một ngày nào đó sẽ được khơi lại và cháy lên. Nhưng mỗi thời sẽ là một phong cách khác.

Giờ không còn là thơ của tình yêu bồng bột, cháy bỏng, nồng nhiệt nữa, mà có thể của tình người ấm áp, của sự chiêm nghiệm theo thời gian, sự chín chắn và điềm tĩnh.

Sẵn sàng quay lại với văn chương

+ "Em không thể nói lời từ biệt" liệu có sự gửi gắm trong đó sự trở lại của chị với thơ ca, sau chừng ấy năm vẫn không thể xa rời?

Tôi là người làm truyền thông, khi chọn tựa đề cho tập thơ, tôi sẽ chọn một cái tên gửi đi một thông điệp nào đó đến độc giả. Một cái tên đủ tò mò và lãng mạn nhưng cũng nói lên sự mềm yếu của một Đào Phong Lan từ ngày trẻ.

Tôi vốn sợ sự chia tay trong bất cứ một điều gì. Tôi không thích bán nhà, chuyển nhà, không thích chia tay chiếc xe hơi mà tôi quen thuộc. Mỗi lần phải làm như thế là tôi lại bị tổn thương bởi day dứt và nỗi nhớ.

Tôi quyến luyến cả đồ đạc chứ không chỉ con người. Ngay cả trong công việc, nếu phải cho nghỉ việc một nhân viên nào đó, cũng là lúc tôi không còn lựa chọn nào khác và sau đó cũng phải một thời gian dài mới thôi nghĩ ngợi, buồn phiền. Đó chỉ là tên một bài thơ nhưng có lẽ nó còn nói nhiều hơn thế.

Việc trở lại với thi ca là một buổi sáng, tôi lái xe đến chỗ làm, ngang qua một hàng cây mướt xanh đang trổ đầy lộc, lấp lánh trong nắng sớm. Bỗng tôi ứa nước mắt và thấy cảm xúc lấp đầy trong ngực. Tôi thấy cuộc đời đang còn đẹp quá mà sao tôi đã bao lâu rồi không làm thơ, không cháy hết mình trong cảm xúc đó.

Đời tôi giờ là những chuỗi ngày giống hệt nhau, lăn hết từ dự án này tới dự án khác, đi làm từ sáng sớm đến 9-10 giờ đêm mới về nhà, mệt đến mức chỉ đủ sức thả mình xuống giường để rồi mai đứng dậy, đi làm tiếp. Tôi thấy mệt và cần nghỉ ngơi, cần được tiếp thêm năng lượng và thơ ca là nguồn năng lượng của tôi lúc ấy.

Tôi quyết định từ chức giám đốc truyền thông của một tập đoàn nước ngoài, cho mình nghỉ ngơi, có một khoảng lặng để sẵn sàng quay lại với văn chương. Đến lúc này, văn chương với tôi là thuốc giải và cũng là thuốc chữa lành những tổn thương của tôi.

+ "Cơm áo không đùa với khách thơ", "Vòng quay kinh tế giết chết thơ ca"... nhiều người nói về điều này như một sự đương nhiên. Với chị, vừa làm kinh tế, vừa làm thơ, có sự ngoại lệ nào không?

Đúng là nếu phải duy trì song song, sẽ phải ưu tiên một trong hai, vì có lúc phải kích hoạt bán cầu não trái, lúc thì bán cầu não phải. Thời gian làm việc chuyên nghiệp, tôi đã phải "triệt tiêu" cảm xúc, bởi trong kinh doanh không có chỗ cho những quyết định sai lầm.

Mỗi một quyết định đưa ra đều phải tỉnh táo và dựa trên các phán đoán, những con số và sự thật, trong khi thơ ca cần bay bổng, tưởng tượng và xa rời thực tại. Tôi cũng không phải là ngoại lệ.

Đó là lý do mỗi thời điểm tôi chỉ có thể tập trung cho một thứ thôi. Tôi vẫn thỉnh thoảng làm thơ trong khoảng thời gian đi làm nhưng như vậy không thể gọi là hoạt động văn chương chuyên nghiệp được.

+ Sau "Em không thể nói lời từ biệt" sẽ là sự gắn kết lâu dài của chị với văn chương chứ?

Tôi cũng mong là như vậy, bởi khi quay trở lại, tôi không chỉ có văn chương làm bạn, mà tôi còn được sự yêu thương, hỗ trợ, khuyến khích của những nhà văn, nhà thơ tôi gặp lại trong Hội nhà văn TPHCM và của nhiều bạn đọc. Ít ra tôi không thấy tôi cô đơn như khi tôi đi làm việc nữa, và tôi thấy điều này rất có ý nghĩa với tôi.

Khôi Nguyên Thảo (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nha-tho-dao-phong-lan-tro-lai-van-dan-sau-17-nam-bien-mat-20231222162740406.htm