Nhà sàn Bác Hồ ở Cà Mau

Ở tận Cà Mau xa xôi, bà con nhân dân không phải ai cũng có điều kiện ra Hà Nội để đến thăm nhà sàn Bác Hồ. Vì vậy, hơn 30 năm trước, kỹ sư Phạm Hữu Liêm (Tư Liêm) đã ấp ủ xây dựng ngôi nhà sàn của Bác Hồ ở nơi tận cùng của đất nước để bà con có thể đến thăm.

Nhà sàn Bác Hồ ở Cà Mau. Ảnh: Văn Chương

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Cà Mau luôn rộn ràng âm thanh của tiếng chim ríu rít.Tại đây có hơn 6.600 loài chim và chiếm phần lớn là chim vạc, điêng điểng, diệc xám… Vườn chim này nằm giữa quận 1, thành phố Cà Mau và người dân địa phương tự hào với câu “đất lành chim đậu”, nhưng vùng đất lành mà người dân còn muốn nhắc tới, đó là vườn chim nằm ngay cạnh khu nhà sàn Bác Hồ. Ngôi nhà sàn này được thiết kế nguyên bản giống ngôi nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.

Giữa âm thanh ríu rít của chim trời, ngôi nhà sàn của Bác hiện ra quen thuộc, gồm 10 cột chính, cầu thang đi lên phía bên trái, những chiếc ghế trường kỷ đã ngả màu theo thời gian; tầng trên có 2 phòng, gồm phòng ngủ và phòng làm việc, kệ sách, hộp đựng công văn, chiếc đèn làm việc và bộ bàn ghế để Bác nghỉ ngơi, tiếp khách; tầng 1, được bố trí 2 chiếc ghế dùng để chiếc quạt giấy và chiếc quạt lá đơn sơ, giản dị. Nhà sàn Bác Hồ ở Cà Mau được khánh thành vào dịp kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890-19/5/1995).

Năm 1989, khu dược liệu của Xí nghiệp Dược Minh Hải giải thể, Ðảng ủy, Ban Giám đốc Sở Lâm nghiệp tỉnh Minh Hải (tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu ngày nay), đứng đầu là kỹ sư Phạm Hữu Liêm quyết định mua lại khu đất trên để xây dựng công trình chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác, lấy tên là Lâm Viên 19/5. Được biết, Cà Mau là địa phương có rất nhiều đền thờ Bác Hồ, có nhiều gia đình lập bàn thờ Bác Hồ trong gia đình.

Quần thể Lâm Viên gồm các công trình thu nhỏ mô phỏng khu rừng tràm U Minh, rừng đước Năm Căn, dừa Phú Tân, nhãn Bạc Liêu, dâu Cái Tàu, khu vui chơi giải trí và khu sưu tập động thực vật. Kỹ sư Lê Thị Liễu được giao đảm nhận chức vụ Phó Giám đốc, sau là Giám đốc Lâm Viên. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đương thời đã đến thăm Lâm Viên và ủng hộ nguyện vọng bà Liễu mong muốn xây dựng một ngôi nhà sàn Bác Hồ giống như ngoài Thủ đô Hà Nội.

Vậy là ông Tư Liêm tìm về Quân khu 5 để tìm lại những người từng trực tiếp thi công nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội vào ngày 15/4/1958, dù biết rằng, đây là một hành trình khó khăn, vì phần lớn những người lính này có thể đã già hoặc qua đời. Ông Sinh, người có trong tay bản vẽ nhà sàn Bác Hồ lúc đó đã là một cựu chiến binh 85 tuổi và sống ở miền núi Quảng Ngãi. Để xây dựng nhà sàn Bác Hồ ở Cà Mau, ông kiến trúc sư già đã huy động thợ để thực hiện theo đúng thiết kế, vận chuyển gỗ, khung sườn nhà từ miền Trung vào tận Cà Mau. Vì vậy, chi phí xây dựng ngôi nhà sàn là khá cao. Ngày 19/5/1995, nhân dịp kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của Bác, ngôi nhà sàn đã ra mắt người dân và cũng là công trình để đời của vợ chồng ông Tư Liêm.

Từ ngôi nhà sàn của Bác trên vùng đất phương Nam, báo chí thời đó đã nhắc lại nhiều câu chuyện về cuộc đời hoạt động giản dị của Bác Hồ, nhắc đến nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez, tác giả của thi phẩm nổi tiếng “Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ”. Ông từng thăm nhà sàn của Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội, khi đứng trước ngôi nhà sàn này, nhà thơ đã thốt lên rằng, Bác Hồ không hiện ra dấu vết của quyền lực, một con người giản dị sống đời sống không của cải, gần gũi và thân quen.

Ngôi nhà sàn Bác Hồ ở Cà Mau không chỉ được tái hiện ngôi nhà sàn của Bác ở Hà Nội, mà cả khung cảnh xung quanh cũng được phục dựng, như hàng rào hoa dâm bụt, hoa lài, hoa ngọc lan, vài cây dừa, ao cá. Đến năm 2013, Lâm Viên 19/5 được xây dựng thêm nhiều hạng mục như đền thờ Bác, nhà trưng bày, nhà chiếu phim tư liệu về Bác và một số hạng mục khác, đồng thời đổi tên thành Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tỉnh Cà Mau có 23 đền thờ, phủ thờ Bác Hồ nằm tại nhiều địa phương, trong đó có 3 đền thờ được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gồm: Ðền thờ Bác Hồ ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển; Ðền thờ Bác Hồ ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước và Phủ thờ Bác tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình. Có 8 đền thờ được xây dựng ngay trong năm 1969, khi người dân Cà Mau hay tin Bác qua đời để thể hiện tấm lòng thành kính của người dân với Bác Hồ kính yêu.

Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nha-san-bac-ho-o-ca-mau-post461147.html