Nhà nước ta có chính sách gì đối với thanh niên là người dân tộc thiểu số

Bạn đọc Lâm Phương ở xã Kế An, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, Nhà nước ta có chính sách gì đối với thanh niên là người dân tộc thiểu số (DTTS)?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 25, Luật Thanh niên năm 2020. Cụ thể như sau:

Chính sách đối với thanh niên là người DTTS:

1. Ưu tiên cho thanh niên là người DTTS về học tập, lao động, việc làm, khởi nghiệp, chăm sóc sức khỏe, thể dục, thể thao.

2. Hỗ trợ thanh niên là người DTTS giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu.

3. Ưu tiên lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng và đưa vào quy hoạch để tạo nguồn lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức là thanh niên người DTTS trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước.

4. Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức ưu tiên tuyển dụng thanh niên là người DTTS.

* Bạn đọc Vũ Văn Sĩ ở xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, những trường hợp nào đủ thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ)?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 18, Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể như sau:

Thẩm quyền giao kết HĐLĐ:

1. Người lao động (NLĐ) trực tiếp giao kết HĐLĐ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm NLĐ từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một NLĐ trong nhóm để giao kết HĐLĐ; trong trường hợp này, HĐLĐ phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng NLĐ.

HĐLĐ do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng NLĐ.

3. Người giao kết HĐLĐ bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

c) Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

d) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

4. Người giao kết HĐLĐ bên phía NLĐ là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) NLĐ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;

c) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;

d) NLĐ được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết HĐLĐ.

5. Người được ủy quyền giao kết HĐLĐ không được ủy quyền lại cho người khác giao kết HĐLĐ.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/nha-nuoc-ta-co-chinh-sach-gi-doi-voi-thanh-nien-la-nguoi-dan-toc-thieu-so-708645