Nhà ngoại giao đại tài, Thái sư Lê Văn Thịnh: Nỗi oan thiên kỷ

Ngày 14/3, tức 6/2 âm lịch, tại xã Đông Cứu, huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh sẽ diễn ra “lễ hội thập đình” của 13 làng quanh huyện cùng tổ chức đón rước. Dịp lễ trọng tổ chức 4 năm một lần vào các năm có hàng chi Thân, Tý, Thìn này để tưởng nhớ công lao của Thái sư Lê Văn Thịnh triều Lý. Đã 920 năm trôi qua, vị quan đầu triều, nhà ngoại giao đại tài Lê Văn Thịnh vẫn ngậm mối oan khiên chất ngất. Từ danh vị có công lớn với Tổ quốc trong việc giành lại cương thổ từ tay nhà Tống, ông bỗng trở thành tội nhân trong vụ án chính trị động trời. Đó là vụ án được gọi bằng các tên: Vụ án hồ Dâm Đàm; Vụ án Thái sư hóa hổ…

Tượng rồng đá kỳ lạ đầy hàm ý tại đền Thái sư Lê Văn Thịnh. (Ảnh: Mạnh Thắng).

Vụ án trong sương khói ảo mờ

Chuyện rằng: Vua Lý Nhân Tông bữa đó dạo chơi trên hồ Dâm Đàm. Bất chợt thuyền vua chòng chành. Giữa mênh mông sương khói vua thấy mờ ảo trước mắt mình một con hổ. Vua hét lên kêu cứu. Người quăng lưới chụp bắt hổ cứu vua chính là Mục Thận – ngư dân làng Trích Sài. Sương tan, hổ hiện nguyên hình là Thái sư Lê Văn Thịnh.

Thời Lý nói riêng, thời phong kiến nước ta nói chung, những tội đại nghịch mưu giết vua cướp ngôi như thế này thường bị xử rất nặng. Và chắc ai cũng biết đến vụ án Lệ Chi Viên thảm khốc đã tru di ba họ đại công thần Nguyễn Trãi thời Lê. Thế nhưng tại sao trong trường hợp này Thái sư Lê Văn Thịnh chỉ bị tịch thu gia sản rồi bị đi đày? Có giả thiết cho rằng: Vì ông có công lớn, lại là thầy dạy vua Lý Nhân Tông nên không bị xử trảm. Lại có thuyết cho rằng: Ông là người cùng họ Lê với Thái hậu Ỷ Lan (mẹ vua Lý Nhân Tông) nên được ưu ái. Lại có thuyết cho rằng: Ông chỉ khoác áo da hổ hù dọa vua, cốt để vua đỡ ham chơi mà lo việc triều chính…

Con đường hoạn lộ của bậc kỳ tài

Ngọc phả tại đền Thái sư Lê Văn Thịnh chép Thái sư sinh ngày 11/2 năm Canh Dần (1050). Thân phụ là nhà nho Lê Văn Thành, thân mẫu là Trần Thị Tín (người xã Cách Bi, huyện Quế Võ). Thủa nhỏ nổi tiếng thần đồng, học một biết mười. Năm 18 tuổi song thân đều khuất núi. Nối nghiệp cha, Lê Văn Thịnh dạy học quanh vùng. Hiện tại, đền thờ Thái sư ở thôn Chi Nhị xã Song Giang cùng huyện Gia Bình còn lưu bức đại tự cổ tôn vinh ông: “Văn xiển giáo” nghĩa là: Mở ra nền giáo dục.

Năm 1075, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử nước Đại Việt khi lần đầu tiên kể từ thời điểm Quốc gia giành lại quyền độc lập tự chủ sau ngàn năm Bắc thuộc, vua Lý Nhân Tông mở kỳ thi Minh Kinh Bác Học để tuyển người tài. Lê Văn Thịnh lều chõng đi thi và đỗ đầu.

Sau khi đỗ, Lê Văn Thịnh được Thái hậu Ỷ Lan giao phó giúp vua Lý Nhân Tông (6 tuổi) học. Liền đó, ông được bổ nhiệm chức vụ Lang Trung (tương đương chức Vụ trưởng bây giờ) rồi Thị Lang Bộ binh (tương đương Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bây giờ) vào tháng 12 năm 1075. Sử chính thống các triều đại phong kiến rất ít khi chép chuyện một cá nhân nào ngoài vua nên rất tiếc là trong thời kỳ làm Thị lang Bộ binh Lê Văn Thịnh đã có công lao gì trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống năm 1076 và 1077. Nhưng ở một cương vị quan lại cao cấp trong triều đình như vậy, chắc chắn có sự đóng của Lê Văn Thịnh.

Con đường hoạn lộ của Thị Lang Bộ binh Lê Văn Thịnh chợt bừng sáng khi ông được cử làm Chánh sứ (trưởng đoàn ngoại giao), Nguyễn Bồi là Phó sứ trong cuộc thương thuyết biên giới với nhà Tống tại Vĩnh Bình (thuộc nhà Tống) vào năm 1084. Trước đó, vào tháng giêng năm 1078, phái bộ ngoại giao do Đào Tông Nguyên dẫn đầu sang Tống đàm phán về cương thổ đã thất bại.

Cuộc đàm phán kéo dài hơn hai tháng. Sử sách còn chép lại một đoạn tranh luận giữa Chánh sứ Thị lang Bộ binh Lê Văn Thịnh và Hùng Bản – Chánh sứ nhà Tống. Lê Văn Thịnh nói: Hai châu Quy Hóa và Thuận An mà Tống đặt tên nguyên là đất của Vật Dương và Vật Ác của nước tôi, bị các tù trưởng lấy trộm đem nộp Tống. Hùng Bản lập luận: “Những đất mà quân nhà vua (ý chỉ Tống) đã đánh lấy, thì đáng trả cho Giao Chỉ. Còn những đất mà các người coi giữ, lại mang nộp theo ta, thì khó mà trả lại”. Chánh sứ Lê Văn Thịnh trả lời: “Đất thì có chủ. Các viên quan coi giữ mang nộp và trốn đi, thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Sự chủ giao cho mà tự lấy trộm đã không tha thứ được, mà trộm của hay tàng trữ thì pháp luật cũng không cho phép. Huống chi nay chúng lại đem đất trộm dâng, để làm nhơ bẩn cả sổ sách nhà vua!”.

Câu trả lời này của Lê Văn Thịnh thật tài tình. Vừa dùng luật Tống biện bác lại vừa khích vào lòng tự trọng của các phái bộ quan lại nhà Tống.

Trở về kinh đô, Lê Văn Thịnh được bổ nhiệm ngay chức Thái sư (chức quan cao nhất triều đình, chỉ sau vua) bỏ trống đã 3 năm sau khi Thái sư Lý Đạo Thành tạ thế.

Sau khi “cờ đến tay”, Thái sư Lê Văn Thịnh đã làm một cuộc cải cách rộng lớn trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa.

Thứ nhất, là tổ chức kỳ thi Nho học tuyển hiền năm 1086. Kỳ thi này tuyển được người đỗ đầu là Mạc Hiển Tích (tổ của Mạc Đĩnh Chi, Mạc Đăng Dung). Thứ hai, thời kỳ đó chùa chiền mở rộng nhiều, người dân trốn lính, trốn việc nông khiến nhà nước suy giảm. Thái sư đã xếp các ngôi chùa trong nước làm ba hạng: Đại, Trung và Tiểu danh lam. Quy định này ảnh hưởng tới việc bành trướng điền sản, đồ vật, số lượng sư sãi tại các nhà chùa. Chưa hết, Thái sư Lê Văn Thịnh còn làm một việc động trời nữa là bổ các quan văn Nho học cao kiêm chức làm đề cử trông coi các nhà chùa, giám sát các nhà sư. Thứ ba, Thái sư Lê Văn Thịnh tiến hành cải cách hành chính. Các chức quan văn, võ, quan hầu vua và các chức tạp lưu cho gọn và hiệu quả với công việc. Chính sách “ngụ binh ư nông” (Những người lính được thay nhau về làm ruộng) được thi hành.

Cải cách điền địa năm 1092 được nhiều sử gia đánh giá là đóng góp lớn nhất của Thái sư Lê Văn Thịnh. Cải cách đã xác định sổ ruộng của các làng xã, các hộ nông dân và tiến hành thu tô để lấy lương cho quân lính. Mức tô được quy định là: 3 thăng gạo/mẫu ruộng. Quy định rõ ràng về ruộng, về thuế đã làm lợi cho cả nhà nước và quyền lợi của dân chúng.

Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh tại Đông Cứu. (Ảnh: Mạnh Thắng)

Góc khuất vụ án

Vụ án hồ Dâm Đàm năm 1096 xảy ra giữa khi cải cách của vị Thái sư đương sung sức (45 tuổi) nở rộ. Đến nay, giới sử học vẫn chưa có ý kiến thống nhất chính thức về vụ án.

Vì khuôn khổ bài báo có hạn nên bài viết này chỉ nêu một số nghi vấn để chúng ta cùng suy ngẫm.

Thứ nhất, thuyền vua du ngoạn trên hồ thì sao ngư phủ Mục Thận lại có thể ra đó giăng lưới? Vì có công nên Mục Thận được thăng Đô úy. Có sự dàn dựng chăng?

Thứ hai, động cơ của Thái sư Lê Văn Thịnh là gì? Nếu âm mưu giết vua sao không có bè đảng? Sử sách không ghi ai là tòng phạm. Một người có thể mưu đại sự đảo chính không?

Thứ ba, những ai và thế lực nào bị ảnh hưởng trước những cải cách của Thái sư Lê Văn Thịnh? Những thế lực này có cấu kết để dàn dựng vụ án oan?

Thứ tư, liệu vụ án có phải là sự thể hiện sự xung đột giữa ý thức hệ Nho và Phật?

Thứ năm, việc sử chép nhập nhằng về thời điểm gây án và mức án nhẹ cho thấy có sự khiên cưỡng trong vụ án này.

Cùng tội trạng phản nghịch thí quân đoạt ngôi nhưng vào thời Lý Thái sư Lê Văn Thịnh chỉ bị đi đày, còn vào thời Lê thì Nguyễn Trãi bị tru di. Nhưng Quan Hành khiển Nguyễn Trãi nhanh chóng được minh oan sau 22 năm (vào thời vua Lê Thánh Tông). Còn với Thái sư Lê Văn Thịnh thì suốt triều Lý và các triều đại sau này đều không minh oan cho ông. Vì thế thiển nghĩ giới khoa học cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có ý kiến chính thức trình lên Nhà nước về vấn đề này.

Dù không minh oan nhưng các triều đại sau đều có sắc phong thần cho Thái sư Lê Văn Thịnh tại các đền thờ ông. Phải chăng đây là sự gián tiếp phủ nhận vụ án? Còn với nhân dân ở quê hương Thái sư và nơi ông mất ở Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh cũng như các đền thờ khác trong vùng huyện Gia Bình, huyện Quế Võ thì từ xưa đã lập đền thờ. Đặc biệt là tại đền thờ Thái sư ở Đông Cứu từ xưa đã lưu giữ một pho tượng kỳ lạ, đầy hàm ý. Đó là tượng rồng mình rắn nặng chừng 3 tấn liền khối, miệng cắn thân, vuốt xé mình. Bên tai trái có lỗ còn bên phải thì không. Phải chăng đó là hình ảnh vua đau đớn vì chỉ nghe lời trái, và tự cấu xé chính bản thân?..

Thật đau khi oan khuất thiên kỷ không được cởi mà người đời sau lại viết chèo vu thêm cho Thái sư tội phản quốc, cấu kết với sứ giả nhà Tống…

Từ Khôi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nha-ngoai-giao-dai-tai-thai-su-le-van-thinh-noi-oan-thien-ky/93272