Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa: Phải xây dựng được những tấm gương liêm chính

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa, người có trách nhiệm chống tham nhũng là người được giao trọng trách bảo vệ chính quyền, góp phần làm trong sạch và lành mạnh xã hội. Để họ không xuê xoa, nương nhẹ và nặng nề hơn là thao túng, về hùa với tham nhũng,… thì với họ, phải đặt ra yêu cầu luật pháp cao hơn, phải tìm được người liêm chính, biết lo cho dân, cho nước để đảm trách công việc này.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa..

Hồng Thanh Quang:Nhà triết học Pháp Montesquieu, sống ở thế kỷ XVIII, trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật” từng viết: “Nhân dân thế nào thì số phận như thế”. Sau này ở phương Tây có người đã biến tấu câu đó thành: “Mỗi một dân tộc có một chính phủ mà họ xứng đáng”. Với tư cách là một người nghiên cứu về văn hóa và văn minh, anh nghĩ sao về hai mệnh đề này? Liệu có dân tộc nào lại có được một chính phủ cao hơn trình độ phát triển của mình?

Nguyễn Hòa: Bằng vào nội dung tôi nghĩ, hai mệnh đề này liên quan vấn đề cơ bản nhất của việc xác định phương hướng, tổ chức, quản lý… một xã hội, đó là quan hệ nhà nước và nhân dân. Lịch sử đã có nhiều bằng chứng cho thấy một chính phủ quan hệ lỏng lẻo với nhân dân sẽ không tồn tại lâu dài, một chính phủ đối đầu với nhân dân sẽ là một “chính phủ tự hủy”. Hồ Chí Minh cho rằng: “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình chính phủ. Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ. Từ chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa”.

Nói cách khác thì quyền lực chính phủ không phải là quyền lực của cá nhân hoặc nhóm lãnh đạo mà là quyền lực chung, bởi đó là chính phủ của dân, do dân, vì dân, và nhân dân được bình đẳng khi có ý kiến trước những quyết định liên quan tới họ. Chỉ chính phủ nào lấy nguyện vọng, lợi ích nhân dân, dân tộc làm mục tiêu thì chính phủ đó mới nhận được sự ủng hộ, hợp sức của nhân dân. Tôi nghĩ, để đạt mục tiêu, chính phủ phải là kết tinh của trí tuệ dân tộc, là tập hợp tinh hoa trí tuệ của nhân dân mới có đảm lược để lãnh đạo xây dựng xã hội. Như vậy, tính vượt trước về trí tuệ của chính phủ là cần thiết, như thế chính phủ mới có tầm nhìn xa trông rộng, có khả năng phân tích tổng thể những yếu tố khách quan - chủ quan, khó khăn, thuận lợi trong nước và thế giới, từ đó xác định (không phải tưởng tượng!) các chấm phá cơ bản của xã hội tương lai và đưa ra các quyết sách vừa trực tiếp, vừa lâu dài, có tính thực tiễn, hiệu quả. Nói vậy thôi, có lẽ suy nghĩ của tôi vẫn chỉ là lý thuyết, cũng tương đương với việc cha ông chúng ta xưa kia mơ về thời “Nghiêu - Thuấn”, hoặc ước mơ Nikolay Chernyshevsky từng gửi gắm vào “công xã xưởng may” trong tiểu thuyết Làm gì? của ông?

Vâng, tiểu thuyết “Làm gì?”, viết trong những năm 1862-1863, những câu chuyện về những con người mới…. Cũng muốn nói thêm, chính cái tên sách này về sau đã được Lênin sử dụng làm nhan đề một tác phẩm của mình, hoàn thành vào những năm đầu tiên của thế kỷ XX… Tiểu thuyết của Chernyshevsky là tập hợp những ước mơ, còn tác phẩm tranh đấu của Lênin lại chứa đựng rất nhiều những giải pháp thực tế…

- Đúng vậy…

Như thực tế cho thấy, song song với việc xây dựng một hệ thống pháp luật làm nền móng vững chãi cho phát triển cần phải tích cực khai trí dân sinh để người dân ngày càng hiểu rõ hơn quyền lợi và trách nhiệm của mình. Và chỉ có như vậy họ mới có thể bắt tay vào việc lựa chọn và xây dựng một chính quyền xứng đáng với mình?

- Để xác định phương hướng, hoạch định, tổ chức, quản lý,… xã hội, mọi nhà nước đều cần đến luật pháp. Vấn đề là pháp luật phải mang tính nhân văn, phù hợp với sự phát triển xã hội - con người, tạo ra cơ sở để “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”… Con người thường có xu hướng không muốn gò bó trong khuôn khổ, vì thế sống theo luật pháp rất dễ nảy sinh cảm giác “mất tự do”.

Lại nữa, khi xã hội còn nhiều người hiểu tự do là muốn làm gì thì làm, và “phép vua thua lệ làng” vẫn hoành hành,… thì không phải lúc nào luật pháp cũng được thực thi nghiêm minh. Rồi mỗi khi công dân cần đến luật pháp lại e “chờ được vạ thì má cũng sưng”,… thì thượng tôn pháp luật vẫn là vấn đề nan giải. Nhân dân khó “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” nếu hằng ngày họ vẫn tiếp xúc với các hành vi vi phạm pháp luật mà không bị xử lý, vẫn sợ sệt mỗi khi có việc phải đến “cửa quan” và bị nhân viên công quyền mắng như mắng trẻ con,… Pháp luật tiến bộ, nhân văn luôn lấy quyền của con người, lấy sự ổn định và phát triển xã hội làm mục đích; đồng thời cũng xác định cả nghĩa vụ của mọi người với sự ổn định và phát triển xã hội. Vì thế khai trí rất cần thiết, để mọi người hiểu muốn các quyền của mình được bảo đảm thì mình phải có trách nhiệm với mọi người, với xã hội. Và bất kỳ người nào xâm phạm các quyền ấy đều phải xử lý trước pháp luật.

Không ngẫu nhiên mà trong thế giới hiện đại, các cuộc bầu cử chính trị thường diễn ra hết sức quyết liệt, với nhiều diễn tiến khó lường. Đôi khi đọ sức với nhau không phải là các chính trị gia có quan điểm khác nhau về công việc mà lại là những người có phong cách và nhân sinh quan gần như trái ngược nhau, đến mức như lửa với nước. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, kết thúc ngày 8/11 vừa qua là một thí dụ. Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump không chỉ đơn thuần là hai đại diện của hai chính đảng khác nhau mà còn là hiện thân của những kỳ vọng trái ngược nhau vào cách chính phủ cần phải xử lý trong tương lai các vấn đề nan giải mà nó phải đối mặt. Có nhà quan sát cho rằng sức hút mạnh mẽ của một ứng cử viên Tổng thống Mỹ như ông Donald Trump chứng tỏ sự khủng hoảng không nhỏ của niềm tin vào các giá trị truyền thống trong nền văn minh Mỹ. Anh có đồng tình với nhận xét này không?

- Thú thực, theo dõi bầu cử tổng thống ở Mỹ lần này, tôi rất kinh ngạc. Tin tức dồn dập về các sự kiện, cuộc đấu có phần căng thẳng giữa hai ứng cử viên, và đặc biệt là nhiều chiêu trò được mang ra thi thố khiến tôi nghĩ hình như đây không chỉ là việc bầu một người lãnh đạo nước Mỹ trong 4 năm tới, mà sâu xa hơn là cuộc khủng hoảng về đường hướng tồn tại, phát triển của nước Mỹ? Sự khoáng đạt đôi khi đến phóng túng, bất ngờ là một trong những yếu tố làm nên nước Mỹ, người Mỹ.

Trong lịch sử của nó, nước Mỹ rất chủ động, nhanh chóng thích ứng để phát triển kinh tế, tìm cơ hội có lợi cho mình và là một trong vài quốc gia tham gia “vẽ” bức tranh thế giới trong hơn thế kỷ qua. Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất. Và mấy chục năm qua, trong khi thế giới rất biến động, như sự nổi lên của Trung Hoa, sự chấn hưng nước Nga, nhiều sự kiện lớn trên thế giới do Mỹ khởi xướng hoặc tham gia đã không đem tới kết quả như Mỹ mong muốn, rồi sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở một số quốc gia đồng minh hoặc vốn được coi là “sân sau”,… thì dường như nước Mỹ đã “ngủ quên” trên vị trí duy nhất đó? Điều này cho thấy hình như nhiều người Mỹ thấy đã tới lúc phải thay đổi và Donald Trump đã đáp ứng được yêu cầu này. Với họ, Donald Trump không chỉ là người biết làm giàu mà còn có ý tưởng mới.

Những gì diễn ra trong quá trình vận động tranh cử giữa hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump, với những lời buộc tội bôi lem luốc lẫn nhau, khiến cho không ít cử tri Mỹ cảm thấy ghê rợn. Và điều đó được nhiều nhà bình luận chính trị cho rằng có thể làm tổn hại tới nền dân chủ phương Tây như một khái niệm và như một thực tế. Anh nghĩ thế nào? Có thực sự là nền chính trị phương Tây hiện nay mặc nhiên rất lem luốc, khi ngay cả những người hoạt động chính trị ở nấc cao nhất cũng vướng phải quá nhiều bùn lầy nước đọng?

- Tôi nghĩ phong cách tranh cử của ông Donald Trump được tính toán, có đường đi nước bước chứ không phải cảm hứng bất chợt. Tình trạng bôi lem giữa các ứng cử viên tổng thống ở Mỹ vốn không xa lạ, chỉ có điều trong cuộc vận động tranh cử năm 2016 này sự bôi lem diễn ra với mật độ cao hơn, nhiều chiêu trò thâm hiểm hơn mà thôi. Về dân chủ phương Tây, đã có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Về phần mình, tôi không hiểu vì sao một quốc gia mỗi năm có hơn 30.000 người chết vì súng đạn, thi thoảng lại có người vác súng ra xả hàng loạt vào đám đông mà cơ quan lập pháp vẫn bác bỏ dự luật hạn chế số người được quyền mua súng và nới rộng việc kiểm tra những người muốn mua súng? Có lẽ phải sống ở nước Mỹ để trực tiếp tìm hiểu mới tìm được câu trả lời. Tuy nhiên, vẫn xin lưu ý là hiện ở Washington có hơn 16.000 tổ chức đại diện các nhóm lợi ích đang hoạt động, các tổ chức này tiến hành vận động hành lang (lobby) và họ đã góp phần làm cho nguyên tắc dân chủ, lẽ ra phải vì ý nguyện của nhân dân và phải được thể hiện trong những quyết sách chính trị, lại phụ thuộc vào quyền lợi của các tập đoàn tư bản.

Nhìn nhận một cách công bằng, trong xã hội Mỹ đang có không ít tiêu chí mang tính tích cực một cách phổ quát đối với đời sống con người. Nhưng như thực tế cho thấy, khi người Mỹ định mang áp dụng, đến mức áp đặt, những tiêu chí đó ở các nước khác thì kết quả thường là trên cả mức thê thảm. Thực trạng ở những quốc gia như Iraq, Afghanistan… là những thí dụ nhỡn tiền… Anh lý giải thế nào về hiện tượng đó? Trong kết cục bi thảm đó phải chăng là trách nhiệm rất lớn thuộc về cách hành xử theo tiêu chuẩn kép của phương Tây nói chung và nước Mỹ nói riêng khi phải xử lý các vấn đề quốc tế?

- Đó là một nghịch lý rất khó lý giải. Nước Mỹ có một số giá trị riêng đáng trân trọng, như tạo dựng động năng để công dân có tinh thần học tập, thái độ lao động nghiêm túc, khuyến khích sáng tạo,…; chính sách xã hội cũng có nét riêng như phụ nữ sinh con được nghỉ một năm và người chồng có thể xin nghỉ theo; người trên 64 tuổi (kể cả chưa bao giờ đi làm) đều có tiền già để hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền ăn, có thể vào các trung tâm dưỡng lão của chính phủ,… Nhưng nước Mỹ vẫn có vấn đề riêng, như hơn 40 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, đến mức việc làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo lại trở thành một đề tài tranh luận giữa Hillary Clinton và Donald Trump; rồi hơn nửa triệu người vô gia cư trong đó có ¼ là trẻ em; năm 2015 số người Mỹ bị tử vong vì tai nạn giao thông là 35.200 người… Vì thế nếu có thiện chí, nước Mỹ chỉ nên góp ý chứ không nên áp đặt. Thời buổi này, áp đặt quan điểm lên một người đã khó, huống hồ áp đặt quan điểm lên một quốc gia. Về tiêu chuẩn kép, tôi liên tưởng đến tình huống có ông hàng xóm văng tục, chửi bậy như hát hay, nhưng lại đề nghị tôi phải giáo dục con cái cho tử tế để các cháu… không văng tục, chửi bậy!

Trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, toàn cầu hóa là xu thế khó có thể đảo ngược được. Và đại đa số các nước đang phát triển dù muốn hay không sẽ phải bị chi phối theo luật chơi mà các cường quốc cảm thấy thích hợp nhất. Trong tình huống đó, các nước yếu và nhỏ hơn thường bị rơi vào cảnh lợi bất cập hại khi hội nhập quốc tế. Theo anh, cần phải làm gì để tránh những cái bẫy giăng sẵn lắm khi nhìn rất đẹp mắt đó?

- Thế giới đã phát triển với các mối liên hệ đến mức không quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu, dù đó là cuộc chơi đầy thách thức, và với các quốc gia còn thiếu tiềm lực, thiếu kinh nghiệm thì luôn tiềm ẩn các bất trắc khôn lường. Tôi nghĩ muốn tham gia cuộc chơi thì phải học hỏi để hiểu thấu đáo luật chơi và mọi ngóc ngách phức tạp của nó, từ đó vừa tham gia vừa tạo lập bản lĩnh và khả năng lường trước tình huống bất lợi có thể xảy ra để linh hoạt ứng phó; cũng không nên đặt tham vọng quá lớn vượt quá khả năng (như các cụ bảo “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”), cần tỉnh táo để không vì cái lợi trước mắt mà chuốc lấy cái hại lâu dài. Thiện chí đến thế nào thì trong cuộc chơi toàn cầu, luật của kẻ mạnh vẫn có vai trò riêng của nó, như trong kinh tế chẳng hạn.

Phương Đông vẫn quan niệm, nhân chi sơ tính bản thiện. Các cụ ta cũng có câu: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Rõ ràng là con người rất phụ thuộc vào hoàn cảnh sống trong quá trình phát triển của mình. Áp dụng cách nhìn đó vào việc đánh giá đức hạnh của các công chức, có thể nói rằng, không có một cơ sở luật pháp nghiêm minh và chuẩn mực, thì không thể xây dựng được tác phong liêm chính của đội ngũ công chức. Anh nghĩ sao về câu chuyện này?

- Mạnh Tử cho rằng “Nhân chi sơ tính bản thiện” nghĩa là con người sinh ra vốn đã mang sẵn tính thiện. Mở đầu Tam tự kinh có bốn câu được Lỗ Bình Sơn dịch nghĩa: “Người ta lúc đầu vốn có cái tính tốt lành - Tính ấy gần giống nhau nhưng do thói tục mà khác nhau - Nếu không dạy thì cái tính ấy thay đổi - Cách giáo dục là lấy chuyên làm trọng”. Song Tuân Tử lại cho rằng “Nhân chi sơ tính bản ác” (con người sinh ra vốn đã mang sẵn tính ác), bởi theo ông, bản tính con người là ác nên phải giáo dục, nếu con người sinh ra mang sẵn tính thiện rồi thì sao phải giáo dục. Quan niệm trái ngược nhau như thế nhưng hai ông đều đề cao nhân cách, đề cao vai trò giáo dục.

Vào thời các tín điều khắc kỷ của Nho giáo chi phối, thậm chí quy định nguyên tắc sống, nguyên tắc ứng xử và yêu cầu con người phải thích nghi thì con người không dễ có ý muốn vượt lên hoàn cảnh, mà có xu hướng phụ thuộc hoàn cảnh, nên dễ “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Nay xã hội, con người đã phát triển tới tầm mức mới, ý thức về mình rất cao, và luôn có xu hướng muốn làm chủ, tận dụng hoàn cảnh. Công chức cũng vậy, nhưng họ lại khác ở chỗ phải thực hiện trách nhiệm với tư cách công bộc của dân. Liêm chính của họ phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản: nghiêm túc về luật pháp và tự ý thức về vai trò, trách nhiệm trước nhân dân. Luật pháp không thể thay đổi, còn sự tự ý thức thì có thể. Không tạo lập và phối kết được hai yếu tố đó, thì tác phong liêm chính của công chức chỉ là câu nói đầu lưỡi, không có ý nghĩa thực hành.

Tại không chỉ một quốc gia, để đấu tranh chống lại nạn tham nhũng, người ta đã lập ra các cơ quan đặc biệt chuyên trách nhiệm vụ này. Thế nhưng, tôi nghe nói ông Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev khi còn là Tổng thống đã từng nêu bật ý tưởng: nước Nga có đủ các cơ chế pháp luật để đấu tranh chống tham nhũng một cách có hiệu quả, không nên lập ra những cơ quan đặc biệt nữa vì rất có thể chính cơ quan đặc biệt đó lại trở thành một định chế quyền lực dễ mắc bệnh tham nhũng nhất. Anh nghĩ thế nào về quan niệm này?

- Tôi thấy ông Dmitri Medvedev nói cũng có lý. Bởi khi hệ thống luật pháp đủ khả năng chống tham nhũng có hiệu quả thì vấn đề là ở chỗ “Việc quan thì cứ phép công mà làm”. Khi phép công được thực hiện nghiêm minh, không bị phụ thuộc vào địa vị, chức tước người đã tham nhũng thì làm sao phải giám sát?

Có một nhận xét rằng ở đâu càng nhiều đạo luật chống tham nhũng thì ở đó tham nhũng càng hoành hành. Anh nghĩ sao ạ?

- Nếu nhận xét đó có ý nghĩa trên thực tế thì đó chỉ là một cách thức diễn tả sự loay hoay, thậm chí là bất lực, của chính quyền trước vấn nạn tham nhũng.

Chính quyền có thể rất tích cực chống tham nhũng nhưng căn nguyên của tham nhũng không bao giờ bị triệt tiêu hoàn toàn, một khi trong xã hội còn cần tới vai trò điều hành của chính quyền. Càng trong cơ quan chuyên trách chống tham nhũng càng dễ nảy sinh ra những vụ tham nhũng nếu nhân sự được lựa chọn không phải là “thực vàng chẳng phải thau đâu”. Vấn đề ở đây là, cần làm gì để những người có trách nhiệm chống tham nhũng không thể bị dính líu vào các vụ tham nhũng?

- Ngoài việc mấy chục năm trước ở Lạng Sơn, sau khi nhận và chia mỳ tôm cho anh em trong đội văn nghệ mà không biết tại sao lại thừa ra mấy cân, tôi liền đem về nhà (!), đến nay tôi bao giờ làm việc trong điều kiện có thể tham nhũng, cũng chưa được giao nhiệm vụ chống tham nhũng nên rất khó trả lời. Tuy nhiên theo tôi, người có trách nhiệm chống tham nhũng là người được giao trọng trách bảo vệ chính quyền, góp phần làm trong sạch và lành mạnh xã hội. Để họ không xuê xoa, nương nhẹ và nặng nề hơn là thao túng, về hùa với tham nhũng,… thì với họ, phải đặt ra yêu cầu luật pháp cao hơn, phải tìm được người liêm chính, biết lo cho dân, cho nước để đảm trách công việc này.

Các chuyên gia cho rằng, tham nhũng là một bạn đường luôn luôn song hành với chính quyền, ở bất cứ thể chế nào. Tôi còn nhớ nam diễn viên Michele Placido, một đảng viên cộng sản người Italia, nổi tiếng với vai thanh tra Corrado Cattani, từng nói: “Ở đâu có chính trị, ở đó có tham nhũng”… Đúng vậy không, thưa anh?

- Thành viên chính quyền thường là người có quyền lực, mà quyền lực lại thường gắn với lợi ích, nên làm quan rất hấp dẫn người đời. Ngay cả Tôn Ngộ Không trong Tây du ký, thần thông quảng đại như thế nhưng vẫn nuôi mộng làm quan, vẫn hí hửng nhận chức “bật mã ôn” để rồi làm anh chăn ngựa! Trên thực tế thì khi làm quan, chỉ người ý thức được trách nhiệm trước xã hội mới tự xây dựng liêm chính, mới cố gắng làm tốt công việc được giao. Không ý thức được điều đó thì làm quan là cơ hội lợi dụng, lạm dụng quyền lực, thao túng tổ chức, đơn vị nơi mình có trách nhiệm, coi đó làm cơ hội thu vén lợi ích cho bản thân, cho gia đình,… Đó là những nguồn cơn quan trọng đẩy tới tham nhũng.

Khi chính quyền duy trì được sức mạnh trong sạch của mình trong một hệ thống luật pháp nghiêm ngắn thì mức độ tham nhũng sẽ được hạn chế ở mức tối thiểu. Còn nếu lơi lỏng quản lý thì thể nào tệ nạn tham nhũng cũng sẽ hoành hành. Chính vì thế trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng cần những quyết sách mang tính hệ thống chứ không phải chỉ là những giải pháp đơn lẻ. Có đúng vậy không, thưa anh?

- Những giải pháp đơn lẻ, tìm ra và xử nghiêm khắc các vụ án tham nhũng mới chỉ giải quyết “phần ngọn” vấn đề; phần gốc là phải xây dựng hệ thống luật pháp đủ mạnh và linh hoạt để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng dẫn đến tham nhũng, đồng thời xây dựng một cơ chế tuyển chọn để bổ nhiệm cán bộ vào các vị trí có điều kiện để tham nhũng. Nói cách khác, phải xây dựng sự phối kết chặt chẽ giữa luật pháp và đội ngũ cán bộ vừa có tài, vừa có đức, vừa có tâm. Xã hội phải xây dựng được những tấm gương liêm chính để mọi người noi theo.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói rằng, nếu bạn là người có trách nhiệm đấu tranh chống lại nạn tham nhũng thì việc đầu tiên bạn cần làm là bỏ ngay vào tù ba chiến hữu thân nhất của bạn. Anh nghĩ sao về câu nói này?

- Nếu Lý Quang Diệu từng nói như vậy thì tôi nghĩ, ông muốn nhấn mạnh bản lĩnh của người có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng. Vì đó là việc rất khó khăn, phải kiên quyết giải quyết nhiều quan hệ, chịu nhiều tác động, thậm chí bị đe dọa. Tuy nhiên, sẽ là bi hài nếu để chống tham nhũng lại đưa ba chiến hữu thân nhất vào tù khi họ chẳng có tội tình gì, đấy là chưa nói biết đâu chính ba người bạn ấy sẽ đứng cạnh và đồng lòng chống tham nhũng thì sao?

Có nhà nghiên cứu cho rằng, thật ngây thơ nếu nghĩ rằng chỉ bằng các biện pháp trừng phạt thì có thể chấm dứt được nạn tham nhũng. Thực tế cho thấy, nếu không tạo cho đội ngũ công chức một mức sống thích ứng thì rất khó có thể buộc họ tự giác liêm chính. Đến vua chúa ngày xưa còn phải nghĩ ra cái gọi là liêm phí để hỗ trợ cho đội ngũ quan lại. Nhìn vào thực tế của chúng ta hiện nay, anh nghĩ sao?

- Năm 2013, đến Tham chính viện ở Pháp, khi biết đây là cơ quan có quyền rất lớn trong việc phán xét tính hợp pháp, hợp hiến các văn bản do cơ quan hành pháp ban hành, xét xử giám đốc thẩm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, tôi hỏi về chế độ lương bổng thành viên ở đó, và được biết lương của họ rất cao, đủ sống ngon lành mà không cần nhận hối lộ, không cần tham nhũng hoặc dung túng cho tham nhũng. Nước ta còn nghèo, dành một khoản ngân sách cho liêm phí là khó khả thi. Cũng cần tính đến khả năng liêm phí trở thành một thứ đặc quyền, rồi người không được liêm phí sẽ mặc nhiên tham nhũng! Tôi nghĩ trong tham - sân - si thì con người có thể điều chỉnh, hạn chế được sân - si, còn tham thì khó lắm, như dân gian vẫn có câu “Có một lại muốn có hai - Có ba, có bốn lại nài có năm”!

Bể dục vô cùng, tự xưa đã thế... Xin cảm ơn anh!

Hồng Thanh Quang (thực hiện)

Từ khóa

nguyễn hòa nhà nghiên cứu văn hóa xây dựng tấm gương liêm chính

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nha-nghien-cuu-van-hoa-nguyen-hoa-phai-xay-dung-duoc-nhung-tam-guong-liem-chinh/134944