Nhà nghiên cứu nói về giá trị văn hóa, kiến trúc của ga Hà Nội

Theo nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến, ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội) là công trình có giá trị di sản, kiến trúc vô cùng lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Châu Á.

Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến.

Cuối tháng 9.2017, UBND TP.Hà Nội có đề xuất xây khu ga Hà Nội thành khu đô thị hiện đại kiểu Nhật. Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận vừa được UBND TP.Hà Nội thông qua, sẽ có hàng loạt cao ốc cao từ 40 đến 70 tầng mọc lên.

Đề xuất này đã nhận những ý kiến trái chiều của dư luận, nhà nghiên cứu. Đa phần đều cho rằng, hiện Hà Nội đang có sự quá tải về hạ tầng do sự tăng nhanh về quy mô dân số. Với việc xây dựng các bất động sản cao tầng ở khu vực ga, nhiều chuyên gia lo ngại sẽ làm tăng mật độ dân cư ở đây.

Gà Hà Nội là được coi công trình có giá trị văn hóa vô cùng lớn. Ảnh: Vương Trần.

Chia sẻ về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến (người có nhiều cuốn sách nghiên cứu về Hà Nội như “Đi ngang Hà Nội”, “Đi dọc Hà Nội” - hai cuốn sách từng được Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội) cho rằng, việc quy hoạch ga Hà Nội phải hết sức cân nhắc. Vì nếu thực hiện sẽ có nguy cơ phá vỡ cảnh quan, quy hoạch khu vực nội đô Hà Nội, đặc biệt sẽ mất đi một công trình có giá trị văn hóa vô cùng lớn.

“Ga Hà Nội không chỉ có giá trị phục vụ giao thông công cộng, mà còn là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc.

Thứ nhất, đây là một di sản của Hà Nội. Tất cả những công trình ở ga đã có tuổi đời trên 80 năm, gắn bó với bao thế hệ. Đặc biệt, công trình còn là chứng cứ tội ác của Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Ngoài ra, những kiến trúc của Pháp tại ga không chỉ có giá trị ở Việt Nam mà còn được đánh giá là công trình độc đáo ở Châu Á. Giới kiến trúc trong và ngoài nước đã nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ về công trình này. Tôi nghĩ không nên phá bỏ một công trình có giá trị di sản, kiến trúc lớn như thế” – nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ.

Ông cũng cho rằng, công việc quan trọng nhất là cần tôn vinh ga Hà Nội, bằng cách làm lại hệ thống đường từ ngoài vào ga. Dù sau này nếu ga Hà Nội không được sử dụng vào mục đích vận chuyển hành khách, cũng nên giữ đó như là dấu mốc về lịch sử văn hóa của đô thị.

Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu này cũng cho rằng không nên xây thêm những công trình cao tầng ở nội đô, nhất là khu ga Hà Nội.

“Thử hỏi bây giờ xây những tòa nhà 40-70 tầng, hiện đại, sầm uất cạnh một nơi linh thiêng như Văn Miếu có được không?

Nếu để một công trình lênh khênh cao lớn, cạnh những căn nhà ngói, các cụ vẫn gọi là nhà cấp 4 trông sẽ rất cọc cạch, lạc lõng, không hợp với không gian văn hóa ở đây” - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến khẳng định.

Bích Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/nha-nghien-cuu-noi-ve-gia-tri-van-hoa-kien-truc-cua-ga-ha-noi-568208.ldo