Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giao lưu với sinh viên về văn hóa Nam Bộ

Ngày 29/3, Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã tổ chức cho sinh viên giao lưu, trò chuyện cùng nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng về văn hóa Nam Bộ.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về văn hóa Nam Bộ đến với sinh viên ngành du lịch.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về văn hóa Nam Bộ đến với sinh viên ngành du lịch.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, Nam Bộ là một vùng đất mới, có trên dưới 300 năm tuổi. Vì thế, nói đến văn hóa Nam Bộ là nói đến văn hóa Việt đã được phát triển ở vùng đất này như thế nào. Do những đặc điểm riêng, vùng đất này trở thành không gian mở, nơi hợp lưu những dòng chảy văn hóa. So với các vùng đất khác trên cả nước, tuy là vùng đất mới, nhưng vùng đất Nam Bộ đã tích hợp nhiều yếu tố mới - cũ, mang đến cho các bạn trẻ nhiều chất liệu giá trị văn hóa để phát triển du lịch. Từ đó, những người trẻ sẽ hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam.

Tại buổi giao lưu, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã chia sẻ với các sinh viên xoay quanh những vấn đề: Hạt giống văn hóa Thuận Quảng của cộng đồng lưu dân khai hoang; Thổ ngơi phương Nam, tiền đề của đặc trưng “văn minh sông rạch”; giao lưu văn hóa Việt - Chăm, Việt - Khmer, Việt - Hoa; ảnh hưởng văn hóa phương Tây; Nam bộ - nơi hợp lưu của những dòng chảy văn hóa.

Những nội dung này được chọn lọc từ những tác phẩm của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và cộng sự qua “Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ (tập I - II - III)”; “Câu chuyện văn hóa”; “Gia Định - Sài Gòn: Ký ức lịch sử - văn hóa”; “Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội”...

Ông Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho biết, đối với sinh viên du lịch, kiến thức đủ và đúng là điều rất quan trọng. Hiện tại, nhiều người rất dễ dàng tìm kiếm thông tin trên các trang mạng, tuy nhiên việc cập nhật thông tin dễ dàng sẽ làm hạn chế trí nhớ cũng như khả năng nghiên cứu, phân tích của con người.

“Để thắng được công nghệ, trí tuệ nhân tạo đòi hỏi chúng ta phải tạo nên những câu chuyện chuyên sâu, giàu cảm xúc mà các công cụ tìm kiếm không có được. Điều này rất cần đối với sinh viên ngành du lịch. Mặt khác, thông qua việc tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về văn hóa sẽ giúp sinh viên có thêm những kiến thức, kỹ năng nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, từ đó trang bị cho bản thân nền tảng kiến thức vững chắc để có thể làm nghề tốt nhất, góp phần phát triển, nâng cao chất lượng ngành du lịch, cũng như giữ gìn văn hóa Việt và mang văn hóa Việt đi xa khắp bốn bể năm châu", ông Phan Bửu Toàn nói.

Tại buổi trò chuyện, các sinh viên cũng đặt nhiều câu hỏi, thắc mắc liên quan đến các phong tục, tập quán về văn hóa của người Nam Bộ. Tất cả những câu hỏi này đã được nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trả lời đầy đủ để giúp sinh viên có nhiều kiến thức bổ ích về văn hóa nói chung và văn hóa Nam bộ nói riêng. Từ đó, có thể áp dụng những kỹ năng - bí quyết học tập tự thân để phục vụ ngành nghề của các sinh viên đang học và chuẩn bị ra trường.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/nha-nghien-cuu-huynh-ngoc-trang-giao-luu-voi-sinh-vien-ve-van-hoa-nam-bo-20230329191042408.htm