Nhà máy thủy điện Đa Nhim sẵn sàng trước mùa mưa lũ

Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được coi là “pháp lệnh” trong vận hành một nhà máy thủy điện, vì vậy, việc làm sai là ít xảy ra. Nhưng để hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xả nước xuống hạ du, nơi cuộc sống sinh hoạt của người dân đang diễn ra bình thường thì không chỉ là thực hiện đúng “pháp lệnh” mà một phần còn phụ thuộc vào cách ứng xử của các chủ hồ đối với hạ du. Nhà máy thủy điện Đa Nhim đã làm rất tốt việc này.

Công nhân vận hành đập Đơn Dương đọc thông báo xả điều tiết để duy trì mực nước trước lũ.

Nhà máy thủy điện Đa Nhim được xây dựng trên sông Đa Nhim. Đây là công trình thủy điện đầu tiên, nằm ở nấc thang trên cùng, khai thác tiềm năng thủy điện của hệ thống sông Đồng Nai, nằm giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, khởi công xây dựng vào tháng 4-1961 đến tháng 12-1964 với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản, có tổng công suất thiết kế lắp đặt là 160 MW gồm 4 tổ máy, sản điện lượng bình quân hàng năm khoảng 1 tỷ kWh.

Người dân phía hạ du sau đập Đơn Dương thu hoạch hoa màu sau khi nhận được thông báo xả nước

Hồ Đơn Dương là một hạng mục của công trình thủy điện Đa Nhim có dung tích là 165 triệu m³ nước để cung cấp nước cho nhà máy sản xuất điện. Đồng thời, nước từ thủy điện Đa Nhim cung cấp mỗi năm hơn 550 triệu mét khối nước phục vụ tưới tiêu cho hơn 20.000 ha đất canh tác của tỉnh Ninh Thuận, vốn là một tỉnh có lượng mưa trung bình hàng năm thấp nhất Việt Nam.

Đọc thông báo kết hợp kéo còi cảnh báo trước khi xả nước.

Với lợi ích cung cấp nước chống sa mạc hóa cho tỉnh Ninh Thuận thì không mấy khó khăn, bởi việc cung cấp này được kết hợp với sản xuất điện là nước chạy qua máy phát điện. Nhưng việc xả nước để bảo vệ an toàn cho công trình hồ đập là công việc mà Công ty thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi (DHD) luôn coi trọng bởi họ biết phía dưới dòng nước được xả từ hồ thủy điện là số phận của hàng nghìn, chục nghìn người dân đang sinh sống bình yên và một vựa rau cung cấp cho một nửa đất nước. Sau đợt xả lũ năm 1993 với lưu lượng xả 1.600m3/s gây ngập lụt khá rộng, rồi đến đợt xả lũ năm 2010 với lưu lượng xả 500m3/s làm hư hại khá nhiều rau màu, lãnh đạo DHD đã đau đáu để xây dựng bản đồ ngập lụt, nhằm xác định chính xác vị trí địa lý, diện tích vùng bị ngập lụt do ảnh hưởng của chế độ xả lũ cũng như xây dựng phương án phòng lũ và ứng cứu trong quá trình xả lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân và bảo vệ an toàn hồ đập trong mùa mưa bão.

Công nhân Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi vận hành xả nước tại đập tràn Đơn Dương.

Không có việc khó nào hoàn thành một cách dễ dàng và thiếu sự quyết tâm của người thực hiện. Thông thường, các công trình thủy điện mới đi vào vận hành, chính quyền và người dân chưa có kiến thức về những tai họa có thể xảy ra khi Nhà máy xả lũ bất thường với lưu lượng lớn. Vẫn là đúng quy trình, nhưng người dân có hiểu gì về cái quy trình ấy, họ chỉ quen với dự báo thời tiết trong dân gian như “chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”, “ráng mỡ gà ai có nhà phải chống”, “Sấm động, gió tan”, “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”, “Tháng ba mưa đám, tháng tám mưa cơn”, “Gió heo may, chẳng mưa dầm thì bão giật”, “Tháng bảy kiến đàn đại hàn hồng thủy”, “Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước”, “Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão”… Thế đấy, người nông dân lam lũ đã sống, sản xuất nông nghiệp và chống lại thiên tai với những câu ca dao ngắn gọn và đơn giản như vậy.

Lưu lượng nước qua đập tràn Đơn Dương là 25m3/giây

Nhưng cuộc sống không dừng lại ở đó, mà phải từng ngày thay đổi, từng ngày phát triển. Mọi thứ cần đến điện. Những công trình thủy điện được xây dựng vừa sản xuất điện, vừa chống lũ chống hạn cho hạ du. Những lợi ích ấy được minh chứng các công trình thủy điện đã được xây dựng và vận hành không phải chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới.

Hồ chứa nước Đơn Dương sẵn sàng cắt những cơn lũ tới. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Những người làm công tác thủy điện ở DHD luôn được quán triệt về cách ứng xử với người dân hạ du phía sau hồ Đơn Dương là vì họ được quán triệt những luân thường từ trong cuộc sống mà từ đó họ đi ra. Bản đồ ngập lụt của hồ Đơn Dương được lập và với sự tham gia của chính quyền tỉnh Lâm Đồng và huyện Đức Trọng, huyện Đơn Dương là cơ sở để DHD và UBND huyện Đơn Dương, Đức Trọng xây dựng phương án PCTT và TKCN. “Nếu tần suất xả lũ ở mức 10% tương đương lưu lượng nước xả xuống hạ du qua đập tràn 1.325m3/s sẽ có khoảng 2.242 hộ bị ảnh hưởng và tần suất 0,1% với lưu lượng xả cao nhất 4.301m3/s sẽ có khoảng 5.022 hộ bị ảnh hưởng; sẽ có hơn 3.647 ha đất tự nhiên bị ảnh hưởng khi xả nước với lưu lượng 1.325m3/s (tần suất 10%) và hơn 4.559 ha với lưu lượng xả 4.301m3/s (tần suất 0,1%), trong đó, diện tích đất trồng cây hàng năm bị ảnh hưởng tương ứng với lưu lượng xả nước trên là hơn 2.203ha và gần 2.269 ha; đất trồng cây lâu năm: 111,08 ha và 116,51 ha; đất trồng cây công nghiệp: 213,83 ha và 242,72 ha; đất ở: 604,92 ha và 796,94 ha; đất chuyên dụng: 109,19 ha và 140,46 ha; đất rừng: 43,11ha và 44,37 ha;…”, những thông tin này hết sức quan trọng để người dân vùng hạ du có kiến thức nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi hồ xả nước.

Hồ Đơn Dương được xây dựng tại điểm hợp lưu của sông Krông Lét vào sông Đa Nhim ở thị trấn Đơn Dương (Lâm Đồng) độ cao trên 1000 m so với mực nước biển, rộng 11–12 km², với đặc điểm này nên lũ về tăng rất nhanh và thời gian lũ về chỉ sau thời gian xuất hiện mưa lớn từ 4-12 giờ, vì vậy, khi có tin báo lũ xuất hiện, thì các lực lượng tại chỗ, gồm: Đội ứng cứu xung kích, dân quân, các tổ nhóm tự quản, tình nguyện viện và nhân dân phối hợp nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng chống phù hợp. Ngay từ đầu mùa lũ, các lực lượng chuyên trách và nhân dân trong vùng ảnh hưởng lũ đã chủ động dự phòng lương thực, nước uống, thuốc men và các vật dụng thiết thực khác như phao, xuồng, vật nổi sẵn sàng cho việc di dời. Đồng thời, BCH Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Đức trọng và Đơn Dương đã ghi nhớ cho nhân dân các khu đất cao, các địa điểm sơ tán và cách thức di chuyển đến đó.

Bà Lê Thị Bé - Trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn, thành viên thường trực Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đơn Dương cho biết, UBND huyện và DHD có quy chế phối hợp từ nhiều năm nay và thực hiện rất tốt. Hàng ngày, DHD chuyển các thông số về lượng nước về UBND huyện. Trong điều kiện thời tiết bình thường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim- Hàm Thuận- Đa Mi chủ động vận hành điều tiết như đợt xả nước thông dòng chảy ngày 26-10 vừa qua, UBND tiếp nhận thông tin và thông báo ngay cho Ban Chỉ huy PCTT và CHCN, mọi thông báo đều được truyền đi rất nhanh đến các hộ dân vùng lũ, phân lũ qua các phương tiện thông tin của địa phương, kết hợp hệ thống thông tin của Nhà máy thủy điện Đa Nhim.

Bà Lê Thị Bé trải lòng, người dân Đơn Dương đã “sống” với đập Đơn Dương hơn 50 năm và đã quen với tập quán này nên họ luôn chủ động trong sản xuất nông nghiệp. Đến mùa lũ, nhân dân không canh tác ở những vùng có nguy cơ ngập lớn, những khu đất cao hơn, họ tận dụng trồng cây ngắn ngày nên khi xả nước ít bị thiệt hại. Thậm chí chỉ cần thông báo lưu lượng xả nước là người dân hiểu được mực nước ngập đến đâu. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Chính quyền địa phương và DHD luôn đặt công tác tuyên truyền trong nhân dân lên hàng đầu, bởi họ xác định đối với nhân dân phải luôn kiên định quan điểm “mưa dần thấm lâu”.
Quản đốc phân xưởng sản xuất Đa Nhim-Sông Pha Ngô Hạnh Đăng cho biết, DHD thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ các xã và tuyên truyền kiến thức phòng chống lũ lụt bằng cách phát tờ rơi đến từng hộ dân, quán triệt thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” là: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Trước mùa mưa lũ, DHD phối hợp Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Đơn Dương và Đức Trọng (Lâm Đồng) cùng các ban ngành chức năng của địa phương đi kiểm tra dòng chảy sông Đa Nhim, từ đập tràn Đơn Dương đến vùng bị ảnh hưởng của xả lũ (cầu Ông Thiều) với chiều dài 36km thuộc huyện Đơn Dương và từ cầu Tu Tra đến thôn Phú Hòa, xã Phú Hội với chiều dài 10km thuộc huyện Đức Trọng để khắc phục ngay những cản trở dòng chảy.

Vào 10 giờ ngày 26-10-2016, DHD tiến hành xả nước từ hồ Đơn Dương để kiểm tra công trình, thiết bị đập tràn, thông dòng chảy hạ lưu với lưu lượng 25m3/s. Nhân dân sống dọc sông Đa Nhim được thông báo trước 2 ngày. Ngày 25-10, chúng tôi có mặt tại vùng hạ du. Các hộ dân đang tập trung thu hoạch rau quả.

Chị Đoàn Thị Mơ quê Hải Hậu-Nam Định vào định cư ở thị trấn Đran- Đơn Dương nói, chị vào sinh sống ở thị trấn Đran đã được 40 năm, nhưng không phải năm nào hồ Đơn Dương cũng xả lũ. Năm 2014-2015, chị và nhiều gia đình bỏ đất không trồng trọt gì thì cũng không xả nước. Năm nay, tiếc đất bỏ không nên trồng đậu thì xả nước, nhưng cũng may trái đậu đã lớn có thể thu hoạch được. Nếu có thiệt hại thì cũng đành đánh bạc với ông trời vậy. Chị Đoàn Thị Mơ cũng cho biết, các hộ dân có đất sản xuất dọc ven sông Đa Nhim đều xác định như vậy khi trồng rau vào mùa lũ từ tháng 8 đến tháng 12.

Chị Dương Thị Thúy Loan về làm dâu ở Lâm Tuyền 1-thị trấn Đran này từ năm 22 tuổi đến nay đã 32 năm rất ái ngại khi phải trả lời những câu hỏi về xả lũ từ hồ Đơn Dương, bởi bố chồng chị là một trong những người đầu tiên làm việc tại Nhà máy thủy điện Đa Nhim và chồng chị bây giờ cũng đang làm việc tại đập Đơn Dương. Chị kể, năm 1993, khi hồ Đơn Dương xả nước với lưu lượng 1.600m3/s, mặc dù không có thiệt hại về người nhưng nhà cửa, ruộng vườn bị ngập rất nhiều, nhà chị cũng bị ngập ngang nhà. Hàng xóm xót rau không thu hoạch kịp bị hư hỏng hết đã đứng ở đầu nhà chị nói đổng chồng chị. Chị an ủi chồng “thôi, một điều nhịn là chín điều lành, họ xót của nên nói vậy thôi”. Rồi câu chuyện thiệt hại cũng qua nhanh. Sau đó, năm nào vào mùa lũ, bà con sống xung quanh cũng ghé qua hỏi chị về tình hình nước lũ để lo liệu.

Chị Phạm Thị Tuyết Mai ở thị trấn Đran nói, hàng năm, Chính quyền và Nhà máy thủy điện Đa Nhim thường xuyên nhắc nhở người dân vào mùa lũ nên chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mùa vụ thích hợp. Trong mùa lũ không canh tác ở những vùng có nguy cơ ngập lớn. Đặc biệt, phải nhanh chóng thu hoạch sản phẩm trước mùa lũ của hồ Đơn Dương. Tuy nhiên, năm nào rau được giá thì các hộ vẫn trồng, nhưng lựa chọn cây trồng ngắn ngày, nếu như chưa đủ ngày vẫn thu hoạch được, như rau xà lách, rau cải…

Dự báo tình hình thủy văn năm 2016 rất bất thường, khả năng hồ Đơn Dương xả lũ lớn rất cao, vì vậy để đảm bảo an toàn công trình và giảm nhẹ thiệt hại cho hạ du, DHD đã kiến nghị UBND, BCH PCTT&TKCN huyện Đơn Dương và Đức Trọng sớm có kế hoạch di dời nhà ở của các hộ dân trên nằm trong vùng bị ảnh hưởng khi hồ Đơn Dương xả lũ. Đồng thời, thông báo đến các hộ dân đang canh tác rau màu trong lòng sông, ven sông, bãi bồi và vùng trũng có nguy cơ bị ngập dọc sông Đa Nhim thu hoạch sớm, hạn chế việc tiếp tục canh tác rau màu, nâng cao cảnh giác khi hồ Đơn Dương xả lũ để giảm thiểu thiệt hại.

Thực tế cho thấy, ở những địa phương nào thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, địa phương với các công ty, Nhà máy thủy điện thì ở hạ du nơi đó ít xảy ra thiệt hại khi các hồ thủy điện xả lũ./

Thanh Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/853277/nha-may-thuy-dien-da-nhim-san-sang-truoc-mua-mua-lu