Nhà khoa học nghiên cứu gene của những người trăm tuổi

Nir Barzilai, Giám đốc Viện nghiên cứu Lão hóa tại trường Đại học Y dược Albert Einstein, New York là người đứng sau nghiên cứu gene của những người trăm tuổi.

Giờ đây, các nhà khoa học này đang bận rộn gây quỹ cho một thử nghiệm lâm sàng có đối chứng giả dược của metformin - hiện là thuốc chống tiểu đường được sử dụng nhiều nhất trên thế giới - gồm khoảng 3.000 người trong độ tuổi 65-79 ở 14 trung tâm nghiên cứu trên khắp Mỹ, kéo dài trong khoảng sáu năm. Một nửa số người tham gia sẽ dùng thuốc, nửa còn lại sử dụng giả dược.

Chương trình TAME, thu hút một nhóm các nhà thần kinh học đầy ấn tượng cho đội của mình, được dẫn dắt bởi Nir Barzilai, Giám đốc Viện nghiên cứu Lão hóa tại trường Đại học Y dược Albert Einstein, New York - và, hết sức tình cờ, ông cũng là người đứng sau nghiên cứu gene của những người trăm tuổi trong nhóm Do Thái Ashkenazi ở Bronx, từng được nhắc đến ở Chương 7.

Ảnh minh họa. Nguồn: MART PRODUCTION/Pexels.

Ra đời ở Haifa năm 1955 và lớn lên tại Israel, Barzilai là một người đàn ông nhỏ nhắn chắc nịch, mái tóc ngả bạc và khi cười đôi mắt hằn đầy vết nhăn đằng sau cặp kính dày sụ. Ở ông toát ra sự nhiệt tình, óc hài hước và cảm giác luôn đạt được mục đích.

Thuộc tính cuối cùng này có được là nhờ kinh nghiệm làm nhân viên y tế trong quân đội Israel. Là thành viên của lực lượng đặc nhiệm, ông tham gia cuộc đột kích đầy kịch tính vào sân bay Entebbe ở Uganda tháng Sáu 1976, nhằm giải cứu 102 hành khách Israel bị bắt làm con tin trên máy bay phản lực của Air France, bị hai người Palestine và hai thành viên của một nhóm cánh tả Đức cướp trên đường từ Tel Aviv đến Paris.

Barzilai về sau tiếp tục phục vụ một thời gian với vai trò giám đốc y tế của Quân đội Israel, phần lớn nhiệm vụ của ông diễn ra trên trực thăng. Ông nói với tạp chí Science rằng những kinh nghiệm như vậy đã cho ông rất nhiều bài học về cuộc sống. “Điều quan trọng là bạn nhận ra bạn có thể làm rất nhiều thứ! Nếu nó không làm bạn e sợ, bạn thật sự có thể làm rất nhiều.”

Mối quan tâm của Barzilai đối với lão hóa như một hiện tượng đã được kích thích từ rất sớm, ông kể cho tôi nghe về điều đó khi tôi xoay xở vây được chiếc máy phát điện hình người này vào góc phòng trong vài phút tại một hội nghị lão khoa ở New York.

“Năm 13 tuổi, tôi thường đi dạo với ông của mình... Tôi thường đi dạo cùng ông mỗi sáng thứ bảy, và ông kể cho tôi nghe những mẩu chuyện thời trai trẻ. Và tôi nghĩ rằng ‘Đi ông còn không vững... vậy mà ông nói những chuyện gì đâu!’” ông bật cười khi nhớ lại. “Bạn biết đó, người ta thường nói người trẻ có trí tưởng tượng phong phú, và tôi đoán họ có lý khi nói vậy.

Nhưng khi bạn nhìn ông bà mình, bạn không bao giờ nghĩ rằng rồi bạn cũng sẽ vậy, đúng không? Bạn nhìn điều đó như kiểu: ‘Ồ, họ luôn trông già như vậy từ lâu rồi, còn chúng ta thì khác, đúng chứ?’”

Mặc dù tuổi tác luôn được xem là điểm tham chiếu khi điều trị bệnh, nhưng mối quan tâm thật sự về tuổi già như một chủ đề nghiên cứu chưa thật sự nhiều khi Barzilai bắt đầu trở thành bác sĩ. Do đó, khi ông nhận học bổng nghiên cứu tại Đại học Yale, Hoa Kỳ vào cuối những năm 1980, ông tập trung vào sự trao đổi chất, cơ chế mà ông biết sẽ thay đổi đáng kể khi ta già đi.

Một trong những loại thuốc mà ông nghiên cứu về tác dụng của nó trong việc kiểm soát lượng đường trong máu chính là metformin, lúc bấy giờ, ít ai biết rằng loại thuốc này sẽ đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu lão hóa 30 năm sau đó.

Metformin được trích xuất từ một loại cây hơi giống đậu lupin, Galega officinalis, thường được biết đến với tên gọi Goat’s Rue hay tử đinh hương Pháp - một loại cây bản địa của vùng Trung Đông và ngày nay mọc rất nhiều trong tự nhiên khắp châu Âu và vùng phía tây châu Á, dù nó vẫn được xếp loại là cỏ dại xâm lấn ở Hoa Kỳ.

Loại cây này được dùng trong y học dân tộc suốt nhiều thế kỷ - thường được xem là phương thuốc chữa chứng tiểu nhiều, dấu hiệu của bệnh tiểu đường - và dẫn xuất metformin của nó lần đầu tiên được phát hiện giúp giảm lượng đường ở thỏ vào những năm 1920.

Sue Armstrong/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/nha-khoa-hoc-nghien-cuu-gene-cua-nhung-nguoi-tram-tuoi-post1461987.html