Nhà giáo CAND 'nằm vùng', bám cơ sở

Chủ trương 'Học đi đôi với hành', 'giảm lý thuyết, tăng thực hành' đã và đang được các trường CAND triển khai mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các trường CAND đã chú trọng công tác đào tạo thực tế cho đội ngũ nhà giáo thông qua việc luân chuyển thực tế đối với giáo viên về công tác, chiến đấu trực tiếp tại Công an các đơn vị, địa phương, đặc biệt là Công an cơ sở.

Những thử thách, trải nghiệm khác biệt

Trở về Hà Nội sau 2 năm “nằm vùng” tại Điện Biên, Thiếu tá Bùi Văn Quân, giáo viên Khoa Quân sự Võ thuật, Trường Cao đẳng CSND I cho biết: Giữa tháng 10 năm 2021, hưởng ứng chủ trương của Bộ Công an về việc tăng cường cán bộ cho các xã biên giới trọng điểm, phức tạp về ANTT, đồng chí đã viết đơn tình nguyện về công tác tại Công an xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Thiếu tá Bùi Văn Quân, giáo viên Khoa Quân sự, võ thuật, Trường Cao đẳng CSND I tham gia các hoạt động thiện nguyện tại xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Mặc dù xác định rõ đi là gian khổ, là vất vả song với khát khao được trải nghiệm, được tích lũy kinh nghiệm thực tế để phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy sau này nên thầy giáo trẻ đã gạt bỏ những lo toan bộn bề của cuộc sống thường nhật để quyết tâm lên đường làm nhiệm vụ.

Tại đơn vị mới - Công an xã Nà Hỳ, đồng chí được phân công làm Cảnh sát khu vực phụ trách hai bản Nà Hỳ và Sín Chải; tham mưu công tác Đảng cho Công an xã và các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn. Do bà con ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mông… nên cũng giống như các cán bộ Công an cơ sở khác, đồng chí đã phải cố gắng học thêm tiếng dân tộc để thực hiện “4 cùng” với bà con (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và cùng nói tiếng dân tộc).

Thiếu tá Bùi Văn Quân kể, trước đây, anh từng tham gia nghiên cứu công tác thực tế tại Công an một số địa phương trong thời hạn 3 tháng. Tuy nhiên, đợt tăng cường về Công an xã Nà Hỳ trong 2 năm này đã cho anh những trải nghiệm khác biệt “chưa từng có”.

Nếu như các chuyến công tác thực tế trước đây chủ yếu là tiếp cận hồ sơ, nghiên cứu các vụ án, chuyên án trên văn bản, giấy tờ, tức tiếp cận gián tiếp thì lần này hoàn toàn là trực tiếp. Anh được trực tiếp làm chuyên án, tham gia xử lý tất cả các khâu từ phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm đến việc phối hợp với các đơn vị trong truy bắt tội phạm.

Anh cũng trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em không tham gia chặt phá rừng; trực tiếp tham gia các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ bà con; phối hợp với đội nghiệp vụ của Công an huyện Nậm Pồ tham gia một số chuyên án, trực tiếp truy bắt các đối tượng ma túy trên địa bàn. Bằng việc sử dụng các động tác võ thuật, chiến thuật của CAND, anh đã quật ngã, bắt giữ các đối tượng trong 2 chuyên án ma túy vào tháng 5/2022 và tháng 10/2023. Với những thành tích đạt được trong thời gian công tác tại địa phương, Thiếu tá Bùi Văn Quân đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng năm 2022.

Tháng 11/2023, Thiếu tá Thái Minh Hải, giáo viên Khoa Cảnh vệ, Trường Cao đẳng ANND I cũng viết đơn tình nguyện tăng cường về công tác tại Công an xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây là một xã biên giới giáp Lào, cũng là địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT. Về Quảng Nam, đồng chí Hải được phân công làm những công việc của một cán bộ chiến sĩ Công an cơ sở như: Tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân, hỗ trợ người dân đăng ký định danh điện tử mức độ 2, quản lý hành chính, tham mưu các văn bản xây dựng kế hoạch bảo đảm ANTT trên địa bàn, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2024…

Mặc dù về cơ sở mới gần một tháng song quãng thời gian ngắn ngủi này cũng mang đến cho đồng chí Hải nhiều kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp về tình quân dân thắm thiết, về mối quan hệ gắn bó giữa đồng bào với lực lượng CAND. Bà con sinh sống trên địa bàn xã chủ yếu là người dân tộc Cơ Tu. Mặc dù đường sá về các thôn, bản rất vất vả, đời sống của bà con nhân dân còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn nhưng lực lượng Công an cơ sở tại đây đã xây dựng được mối quan hệ thân tình, gắn bó với nhân dân, với già làng, trưởng bản nên việc tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước, các chủ trương của lực lượng CAND đối với người dân khá thuận lợi. Từ già đến trẻ ai cũng yêu quý, tin tưởng vào cán bộ Công an.

“Cá nhân tôi xúc động và ấn tượng mãi khi ngày đầu tiên về địa phương, gặp một số cháu học sinh đang trên đường tới trường, nhìn thấy cán bộ Công an, các cháu đều dừng lại và cúi chào. Hành động này khiến tôi vừa vô cùng bất ngờ vừa ngập tràn tự hào, hạnh phúc. Nó cũng chính là động lực giúp cán bộ Công an cơ sở như chúng tôi phải cố gắng để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân” -Thiếu tá Thái Minh Hải chia sẻ.

Để bài giảng mang hơi thở cuộc sống

Thực hiện Nghị quyết 17-NQ/ĐUCA ngày 28/10/2014 của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong CAND, các trường CAND luôn xác định đào tạo, bồi dưỡng năng lực thực tiễn cho đội ngũ giảng viên là nhiệm vụ trọng tâm. Để nâng cao năng lực này, phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần tổ chức tốt công tác thực tế cho đội ngũ giáo viên dưới nhiều hình thức.

Tăng cường về địa bàn cơ sở giúp các nhà giáo trẻ CAND có thêm kiến thức, kinh nghiệm và “hơi thở thực tiễn” trong bài giảng.

Từ năm 2014 đến nay, các học viện, trường CAND đã tổ chức cho hàng nghìn lượt giảng viên nghiệp vụ đi luân chuyển thực tế tại các Cục nghiệp vụ, Công an đơn vị, địa phương. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, đã có hàng chục lượt cán bộ, giảng viên CAND được tăng cường về các xã biên giới phức tạp về ANTT theo chủ trương chung của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an. Thông qua công tác thực tế, đội ngũ cán bộ, giảng viên được bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghề nghiệp, trau dồi bản lĩnh chính trị, rèn luyện kỹ năng thực tiễn, phục vụ đắc lực công tác giảng dạy; chất lượng nội dung bài giảng của giảng viên được nâng cao, mang tính thời sự và đặc biệt là có “hơi thở thực tiễn”.

Đồng thời, công tác này cũng giúp cán bộ, giảng viên có thêm nhiều nguồn tài liệu quan trọng để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, viết báo cáo khoa học đăng các tạp chí, hội thảo khoa học các cấp; góp phần hoàn thiện tiêu chí trong quá trình xét bổ nhiệm các chức danh giảng dạy của nhà giáo; xây dựng, củng cố mối quan hệ giữa đơn vị thực tế với nhà trường…

Đại úy, Thạc sĩ Chu Đại Dương, giảng viên Khoa An ninh nội địa, Trường Đại học ANND chia sẻ, công tác thực tế là hoạt động vô cùng quan trọng giúp giảng viên trong CAND nói chung, các giảng viên trẻ nói riêng cập nhật kiến thức thực tiễn, rèn luyện tay nghề, nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, biên soạn tài liệu. Các địa bàn thực tế mà giáo viên được cử đến để “nằm vùng” thường là nơi có tình hình phức tạp về ANTT hoặc các Cục nghiệp vụ, các phòng nghiệp vụ quản lý công tác chuyên môn sâu để giảng viên có điều kiện được tiếp cận, tham gia vào các tình huống nghiệp vụ thực tế. Cá nhân đồng chí luôn cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để hàng năm có ít nhất 1-3 tháng tham gia vào các hoạt động thực tế nhằm cập nhật kiến thức thực tiễn.

Thiếu tá, TS Bùi Thị Quỳnh Mai, Phòng Quản lý Đào tạo và bồi dưỡng nâng cao, Học viện CSND cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục, gắn “học đi đôi với hành”, các trường CAND cần tiếp tục chủ động, tích cực bồi dưỡng nâng cao kỹ năng giảng dạy thực hành, đào tạo thực tế cho đội ngũ nhà giáo bằng các phương pháp luân chuyển, thực tế đối với giảng viên về công tác, chiến đấu trực tiếp tại Công an các đơn vị, địa phương, đặc biệt là tại các địa bàn phức tạp về ANTT để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Mỗi cán bộ, giảng viên phải xác định rõ đây là nhu cầu tự thân của nhà giáo CAND.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nha-giao-cand-nam-vung-bam-co-so-i721230/