Nhà du hành vũ trụ đến Việt Nam

Nhân chuyến thăm Việt Nam, nhà du hành vũ trụ Israel Eytan Stibbe giao lưu với sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội và các nhà khoa học Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Video: Nhà du hành vũ trụ đến Việt Nam giao lưu với sinh viên

Eytan Stibbe là một trong bốn người đầu tiên lên Trạm Vũ trụ Quốc tế bằng chuyến bay tư nhân vào tháng 4/2022.

Trong chuyến thăm đến Việt Nam ngày 4-5/10, ông Stibbe đã chia sẻ kinh nghiệm trong chuyến du hành vũ trụ và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về khám phá vũ trụ và giáo dục khoa học. Ông đặt ra nhiệm vụ “vũ trụ cho tất cả mọi người”.

Hành trình thực hiện giấc mơ vũ trụ

“Chúng tôi có chưa đến một năm để thực hiện giấc mơ này. Chúng tôi mời các đối tác Israel và khắp thế giới như các các tổ chức quốc tế, công ty và trường đại học tới hợp tác tại một trung tâm kiểm soát ở Tel Aviv”, ông Stibbe nói. Hành trình bay lên không gian của ông chỉ mất 3 phút ở khoảng cách 100km từ Trái đất.

Trong 17 ngày trên trạm vũ trụ, ông đã thực hiện khoảng 35 thí nghiệm khoa học và trình diễn nghệ thuật, bao gồm việc tìm hiểu hiệu ứng bức xạ không gian hay tác động của không trọng lực tới sinh lý con người. Các thí nghiệm còn bao gồm tìm hiểu việc đọc sách trong không gian hay đưa quả bóng vào trong bong bóng nước.

Trả lời câu hỏi từ sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không và các ngành học khác của Đại học Bách khoa về cảm giác sống trong không gian, Stibbe cho hay dù dã được huấn luyện, nhưng nhà du hành không tránh khỏi tình trạng mệt mỏi do tăng hoạt động tuần hoàn. Mỗi nhà du hành phải luyện tập 2,5 giờ mỗi ngày để đạt thể trạng tốt cho hành trình và cần có vài ngày để họ thích nghi với cuộc sống tại Trái đất sau khi trở về.

Nhà du hành Eytan Stibbe trong chuyến thăm đến Việt Nam.

Nhà du hành Eytan Stibbe trong chuyến thăm đến Việt Nam.

Cảm hứng du lịch không gian

Chuyến đi mang tên AX-1 của Stibbe là kết quả của chương trình Sứ mệnh Rakia của Israel, nhằm đưa các nhà du hành nước này lên Trạm Vũ trụ Quốc tế thông qua tàu vũ trụ của hãng SpaceX. Đây là chuyến bay tư nhân đầu tiên kết nối với Trạm Vũ trụ Quốc tế trong nỗ lực tư nhân hóa ngành du hành không gian.

Thông qua Sứ mệnh Rakia, các nhà khoa học, doanh nhân và giáo dục có cơ hội được tham gia thí nghiệm và thực hành công nghệ, giáo dục trong môi trường không trọng lực. 12% số sinh viên tại Israel đã góp phần trong sứ mệnh này.

Stibbe cho rằng vũ trụ quỹ đạo thấp trong tương lai sẽ dành chỗ cho tư nhân và du lịch không gian có thể phù hợp với bất kì ai. Nhắc đến phi hành gia Nguyễn Tuân, ông khuyến khích người Việt Nam sớm lên kế hoạch đưa người vào vũ trụ.

Nhà du hành Eytan Stibbe trong chuyến thăm đến Việt Nam.

Nhà du hành Eytan Stibbe trong chuyến thăm đến Việt Nam.

Eytan Stibbe là một doanh nhân người Israel và là cựu trung tá, phi công máy bay chiến đấu phục vụ trong Không quân Israel 43 năm. Ông đã trả hàng triệu USD để tham gia chuyến thám hiểm vũ trụ đầu năm 2022. Thông tin thu được từ các thí nghiệm và trình diễn sẽ có ý nghĩa trong nhiều lĩnh vực như y học, vật lý thiên văn, nông nghiệp, công nghệ, liên lạc.

Năm 2017, Cơ quan Vũ trụ Israel và Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã kí kết Thỏa thuận Hợp tác Khoa học và Công nghệ Vũ trụ về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình. Hai bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực quan sát Trái đất, công nghiệp vũ trụ,…

Phương Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nha-du-hanh-vu-tru-den-viet-nam-ar705424.html