Nhà đầu tư Nhật 'xin' một loạt chính sách, cơ chế mới

Ông Kobayachi, Trưởng ban Đào tạo nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ mong muốn Chính phủ nới lỏng hoặc xóa bỏ quy định cấp phép đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn mở nhiều cơ sở kinh doanh bán lẻ và quy định hạn chế tỷ lệ góp vốn (51%) trong ngành dịch vụ vận tải đường bộ.

Sáng 18/10, tọa đàm lần thứ 4 giữa Bộ kế hoạch và đầu tư , Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản được tổ chức nhằm đưa ra các giải pháp để cải thiện tình hình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.

Đóng góp ý kiến trong buổi tọa đàm, ông Kobayachi, Trưởng ban Đào tạo nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam đã lên đến gần 1.600 doanh nghiệp, hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh, du lịch, du học, công nghiệp… Đáng chú ý, số lượng lưu học sinh Việt Nam ở Nhật Bản hiện lên tới 50.000 người, tu nghiệp sinh là 58.000 người, chỉ xếp sau Trung Quốc về số lưu học sinh, tu nghiệp sinh ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo ông Kobayachi, hiện nay đầu tư kinh doanh tại Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn còn nhiều vướng mắc, ví dụ như quy định về mở rộng các cửa hàng trong lĩnh vực bán lẻ và góp vốn trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa.

Cụ thể, hiện nay Việt Nam đã cho phép khi mở rộng các cửa hàng có vốn FDI , tuy nhiên vẫn đi kèm yêu cầu phải có đánh giá nhu cầu kinh tế. Đối với tỷ lệ góp vốn trong lĩnh vực dịch vụ thì doanh nghiệp nước ngoài bị áp quy định tối đa 51%.

“Để đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa ngày càng mở rộng, doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất: nới lỏng hoặc xóa bỏ quy định cấp phép trong lĩnh vực bán lẻ, cũng như quy định giới hạn tỷ lệ góp vốn của doanh nghiệp FDI trong ngành dịch vụ vận tải đường bộ”, ông Kobayachi nhấn mạnh.

Đồng tình với đề xuất trên của phía Nhật Bản, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết: Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét vấn đề nới lỏng, xóa bỏ quy định đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ và lưu thông phân phối. Nhật Bản vẫn là đối tác FDI hàng đầu của Việt Nam, cùng với đó, doanh nghiệp Nhật Bản luôn là nhà đầu tư nghiêm túc tuân thủ quy định, thỏa thuận và kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam.

Đưa nhận định về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, ông Kobayachi cho biết: Hiện nay có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam và vấn đề làm thế nào đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao là việc Việt Nam cần quan tâm và trao đổi.

Theo ông Kobayachi, Việt Nam có ưu điểm hơn nhiều nước trong khu vực là lao động chăm chỉ, ưu tú, có lực lượng lao động dồi dào và chi phí lao động tương đối rẻ. Cùng với đó Việt Nam đang phát triển mở rộng thị trường và được hỗ trợ bởi tăng trưởng kinh tế ổn định.

Tuy nhiên, đi cùng với những ưu điểm, môi trường đầu tư của Việt Nam cũng có những nhược điểm cần khắc phục như: Các cơ chế liên quan đến cấp phép, thuế, luật pháp còn chưa đầy đủ, nhiều thủ tục hành chính chưa minh bạch. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng đường sá còn nhiều dư địa cần hoàn thiện và nâng cao hơn nữa về chất lượng.

Đề xuất những mong muốn của doanh nghiệp Nhật Bản, ông Kobayachi cho biết: Chúng tôi mong Chính phủ tiếp tục thay đổi, quan tâm tới những vấn đề mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt ở Việt Nam.

Việt Nam cần xác lập, xúc tiến chính sách phát triển các ngành công nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt trong tình hình phát triển của thế giới, năm 2018 toàn bộ thuế quan ASEAN bãi bỏ hoàn toàn, có nguy cơ nhiều sản phẩm hoàn chỉnh từ các nước khác được nhập khẩu vào Việt Nam vì thế Việt Nam cần phải phát triển ngành công nghiệp làm sao để cạnh tranh cao hơn.

Doanh nghiệp Nhật Bản mong Chính phủ Việt Nam tăng cường hơn nữa các chính sách ưu đãi đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài, thêm nữa cần có chính sách cụ thể dài hạn để phát triển các DNNVV, phát triển ngành công nghiệp và nguồn nhân lực.

Để tăng thêm các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư Việt Nam thời gian tới những chính sách Việt Nam cần chú trọng hỗ trợ và phát triển DNNVV hơn nữa, bởi ở Nhật Bản hiện nay 99,7% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, 70% số lượng việc làm được tạo ra bởi DNNVV, đây là chủ thể quan trọng gánh vác nền kinh tế Nhật Bản.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có ý kiến rằng luật pháp của Việt Nam bị thay đổi chỉnh sửa quá nhiều, thủ tục hành chính còn phức tạp, hoặc cùng dự án tùy đầu mối giao dịch địa phương lại có cách hiểu khác nhau. Cùng với đó, nhiều vấn đề cần cải thiện như: cần thời gian phổ biến thay đổi về luật pháp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thống nhất cách hiểu… điều này sẽ giúp môi trường đầu tư Việt Nam hấp dẫn hơn, ông Kobayachi chia sẻ.

Nguyễn Thoan

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/nha-dau-tu-nhat-xin-mot-loat-chinh-sach-co-che-moi-2094377.html