Nhà đầu tư cá nhân lên ngôi

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose) vừa công bố thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ quí 3-2017 trên sàn này, theo đó vị trí dẫn đầu một lần nữa thuộc về Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) với tỷ lệ 16,41%. Đứng thứ hai là Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) với 10,09% thị phần và thứ ba là Công ty Chứng khoán VNDirect chiếm 8,15%.

Công ty Chứng khoán TPHCM chiếm 10,09% thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên sàn HOSE trong quí 3-2017. Ảnh: THÀNH HOA

Kiệm lời, không ồn ào, SSI ngày càng bỏ xa các đối thủ ở phía sau và kéo dài khoảng cách giữa ba vị trí hàng đầu. Khoảng cách giữa hai nhà môi giới SSI và HSC, vốn cạnh tranh nhau từng không phẩy mấy phần trăm, giờ đã lên tới 6,3%. Còn thị phần của VNDirect ở vị trí thứ ba chưa bằng một nửa thị phần của SSI. Tuy thế phải thừa nhận rằng bộ phận môi giới của VNDirect đã rất nỗ lực khi chiếm lĩnh được vị trí của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) và lần đầu tiên lọt vào tốp ba. Trong quí 2-2017, VNDirect đã đuổi sát nút Bản Việt và giới quan sát không nghi ngờ việc rớt lại phía sau của Bản Việt là chuyện dường như tất yếu xảy ra.

Có điều cái cách bứt phá của VNDirect khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ. Trong ba tháng thị phần của họ tăng 1,41%, từ 6,74% trong quí 2 lên 8,15% trong quí 3. Liệu sự gia tăng này có chịu chút ảnh hưởng nào của việc VNDirect chuyển sàn niêm yết từ Bắc vào Nam? Đã hơn năm nay, giới đầu tư không còn dành nhiều sự chú ý cho Hnx, một phần vì các doanh nghiệp niêm yết tại đây có giá trị vốn hóa nhỏ, phần khác UpCom đang lấn lướt Hnx nhờ những gương mặt mới trẻ trung, tiềm năng. Nếu giữ được nhịp điệu tăng tốc như quí vừa qua, rất có thể VNDirect sẽ qua mặt cả HSC trong tương lai gần.

Sự đi lên của SSI và VNDirect đã và đang chứng tỏ vai trò đặc biệt quan trọng của các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Họ mới là đối tượng chính làm thay đổi và quyết định sắc màu của bản đồ môi giới chứng khoán.

Sự đi lên của SSI và VNDirect đã và đang chứng tỏ vai trò đặc biệt quan trọng của các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Họ mới là đối tượng chính làm thay đổi và quyết định sắc màu của bản đồ môi giới chứng khoán. VNDirect đã xác định tập trung nhân lực môi giới cho khối khách hàng cá nhân nội địa, trong khi SSI củng cố và đào sâu đối tượng này thông qua việc mở rộng mạng lưới (SSI hiện có 12 chi nhánh, phòng giao dịch kể cả hội sở), đồng thời tăng cường đội ngũ phân tích, chuyên viên nghiên cứu. Các bản tin dành cho khách hàng cá nhân của SSI ngày càng đa dạng, kỹ lưỡng, trong đó có bản tin chứng khoán phái sinh hàng ngày. Hiện số tài khoản giao dịch phái sinh được mở và hoạt động của toàn thị trường chưa đến 10.000, nhưng riêng mở tại SSI đã quá phân nửa. SSI đặt mục tiêu sẽ dẫn đầu về môi giới chứng khoán phái sinh.

Nhà đầu tư cá nhân từ nhiều năm nay là phân khúc giao dịch cao nhất của thị trường. Các tay đầu cơ, lướt sóng đều nằm ở nhóm này. Một tỷ lệ không nhỏ các nhà đầu tư chuyên nghiệp, giao dịch thường xuyên (day traders), sử dụng đòn bẩy liên tục đều thuộc nhóm cá nhân. Để chinh phục khối khách hàng cá nhân, các môi giới phải gắn với họ, theo dõi sát sao không chỉ diễn biến thị trường chung, mà cả những cổ phiếu thu hút dòng tiền để tư vấn. Trưởng bộ phận môi giới một phòng giao dịch của SSI kể anh phải tham dự mọi cuộc họp đại hội đồng cổ đông, hội nghị, hội thảo, roadshow, gặp gỡ nhà đầu tư... của những doanh nghiệp chủ chốt trong VN30, làm thân với lãnh đạo doanh nghiệp để nắm thông tin, tư vấn cho khách hàng.

Có những công ty đặt trọng tâm vào môi giới khách hàng tổ chức, nhất là tổ chức nước ngoài. Khách hàng tổ chức được nhận định có giao dịch ổn định, doanh số cao nếu tính trên mức giao dịch bình quân từng đơn vị. Nhưng gần đây xu hướng này có những dấu hiệu biến động. Thứ nhất các tổ chức tham gia lướt sóng mạnh mẽ không kém các khách hàng cá nhân. Họ rút ngắn vòng quay của đồng vốn hay nói cách khác là bám vào thị hiếu của thị trường hơn là tạo ra thị hiếu để nhà đầu tư cá nhân “ăn” theo.

Một thí dụ điển hình là các quỹ do Dragon Capital và VinaCapital quản lý liên tục chốt lời cổ phiếu này, đổ tiền vào các tân binh đang IPO hoặc chuẩn bị niêm yết nọ. Họ sẵn sàng tạm biệt những cổ phiếu đã nắm giữ tầm sáu tháng trở lên mà không sinh lời.

Thứ hai các tổ chức cũng mở nhiều tài khoản giao dịch ở nhiều nhà môi giới khác nhau. Cũng như khách hàng cá nhân, họ tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp, không loại trừ thông tin nội bộ. Nhờ đó họ tận dụng được thế mạnh riêng của từng nhà môi giới.

Chính vì thế các công ty chứng khoán có ưu thế về môi giới khách hàng tổ chức, nếu không tự làm mới mình cho phù hợp với xu thế thị trường, rất dễ tụt lại phía sau.

Trong bảng tổng sắp tốp 10 môi giới tại Hose, các vị trí từ thứ 4 đến thứ 7 luôn có cuộc giành giật thị phần khốc liệt vì sự chênh lệch tỷ lệ phần trăm thị phần tại vùng này không đáng kể. Bảo Việt, Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Quân đội, Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển là những nhà môi giới thường xuyên ở phân khúc này của tốp 10. Họ có lợi thế khách hàng truyền thống, áp dụng dịch vụ ký quỹ lãi suất thấp hơn các đối thủ, song công bằng mà nói, đội ngũ môi giới tại những đơn vị trên chưa thật sự năng động, giữ và tìm khách hàng mới.

Thành Nam

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/165479/nha-dau-tu-ca-nhan-len-ngoi.html