Nhà đầu tư 194 làm chậm cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nguy cơ bị xử phạt nặng

Ban QLDA 85 sẽ tổng hợp và báo cáo Bộ GTVT đánh giá nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về việc không thể hoàn thành dự án đáp ứng tiến độ 30/12/2023 đối với các hạng mục đường và đề xuất Bộ GTVT phương án xử phạt doanh nghiệp dự án theo quy định của hợp đồng.

Một hạng mục tại dự án do Công ty CP Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 tổ chức thi công

Theo nguồn tin riêng của Tạp chí GTVT, Ban QLDA 85 (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) vừa có văn bản gửi liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Xây dựng Đèo Cả - Công ty CP Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 (nhà đầu tư) và Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (doanh nghiệp dự án) về việc chậm trễ trong công tác tăng cường, đẩy nhanh thi công đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Nhiều hạng mục do nhà thầu 194 thi công chậm tiến độ

Văn bản cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, thời gian qua, Ban QLDA 85 đã bố trí nhân sự thường xuyên trên hiện trường để phối hợp với doanh nghiệp dự án tổ chức kiểm tra hiện trường, họp và làm việc rà soát, đánh giá tình hình triển khai thi công chi tiết, cụ thể đối với từng hạng mục là đường găng của dự án.

Ban QLDA 85 đã đề nghị doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công huy động bổ sung máy móc thiết bị, có các giải pháp tổ chức triển khai thi công tại các Văn bản 3496/TB-BQLDA85 ngày 13/11/2023; Văn bản 3602/BQLDA85-ĐHDA3 ngày 21/11/2023; Văn bản 3721/TB- BQLDA85 ngày 1/12/2023...

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, qua kết quả triển khai thi công thực tế tại hiện trường đối với phân đoạn Km54+00 - Km92+260 (do thành viên liên danh nhà đầu tư là Công ty CP Tổng công ty Đầu tư Xây dựng 194 quản lý, thực hiện) Ban QLDA85 nhận thấy một số hạng mục thi công có nguy cơ chậm hoàn thành so với tiến độ hợp đồng dự án.

Cụ thể, hạng mục đào đá nền đường phân đoạn Km56 - Km62, theo báo cáo của doanh nghiệp dự án, hiện khối lượng đào đá còn lại khoảng 160.000 m3, với tốc độ thi công bình quân trong thời gian vừa qua đạt 9.000 m3/ngày, chưa tính đến công tác hoàn thiện mái ta luy sau khi nổ phá, do đó khó có thể hoàn thành trước ngày 30/12/2023 bao gồm công tác đào nền, hoàn thiện mái taluy và các hạng mục rãnh thoát nước nền đường.

Quá trình phối hợp kiểm tra và làm việc, Ban QLDA 85 đã nhiều lần đề nghị doanh nghiệp dự án chỉ đạo nhà thầu thi công có các giải pháp bổ sung thêm mũi thi công, huy động thêm tối thiểu 2 máy đào công suất lớn (gầu trên 3,2m3), bố trí 5 mũi thi công hoàn thiện hạng mục mái taluy và tổ chức triển khai thi công tăng ca, kíp để đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, đến nay, nhà thầu thi công vẫn chậm trễ trong công tác huy động máy móc, thiết bị và triển khai tăng ca, kíp theo đề nghị trên của Ban QLDA 85. Thực tế tại hiện trường nhà thầu đã bố trí 24 - 26 máy đào, tuy nhiên hiện nay số lượng máy đào thực tế hoạt động để thi công chỉ đạt 14 - 16 máy đào, tình trạng máy hỏng hóc nhiều dẫn đến tốc độ thi công không đáp ứng theo yêu cầu.

Đối với hạng mục thi công lớp bê tông nhựa, khối lượng bê tông nhựa hạng mục chính tuyến còn lại khoảng 58.000 tấn, với tốc độ thi công bình quân trong thời gian vừa qua đạt khoảng 1.800 tấn/ngày, do đó không thể hoàn thành trước ngày 30/12/2023.

Quá trình phối hợp kiểm tra và làm việc, Ban QLDA 85 đã nhiều lần đề nghị doanh nghiệp dự án huy động bổ sung thêm 1 dây chuyền thi công bê tông nhựa đủ để tổ chức thi công tối thiểu đồng thời 2 dây chuyền bê tông nhựa trên công trường; chuẩn bị vật liệu đá tập kết phục vụ thi công hạng mục bê tông nhựa đáp ứng tối thiểu 2.000 m3/ngày để đảm bảo tiến độ thi công đạt tối thiểu trên 2.500 tấn/ngày.

Thực tế trong thời gian vừa qua, nhà thầu đã triển khai thi công 2 mũi bê tông nhựa trên công trường (1 mũi thi công bê tông nhựa R25, 1 mũi thi công bê tông nhựa C19 và C16) nhưng tốc độ thi công vẫn chậm, công tác chuẩn bị sản xuất, tập kết vật liệu đá phục vụ thi công hạng mục bê tông nhựa vẫn không đáp ứng theo yêu cầu.

Đối với hạng mục thi công cầu vượt đường sắt và QL1, qua kiểm tra tình hình triển khai thi công và báo cáo của doanh nghiệp dự án, đến nay tiến độ thi công các hạng mục chính của cầu rất chậm. Cụ thể, trụ T3 chưa hoàn thành công tác khoan cọc nhồi; công tác đúc dầm đạt 15/24 phiến.

Quá trình phối hợp kiểm tra và làm việc, Ban QLDA 85 đã đề nghị doanh nghiệp dự án chỉ đạo nhà thầu thi công có các giải pháp huy bổ sung tối thiểu 1 bộ ván khuôn thành, 2 bộ ván khuôn đáy của dầm I33 phục vụ công tác đúc dầm. Trong trường hợp công tác đúc dầm không đáp ứng theo yêu cầu, tiến độ của dự án, nhà thầu thi công cần phải có giải pháp mua dầm I33 đảm bảo chất lượng của các dự án cao tốc lân cận phục vụ thi công cho dự án.

"Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, công tác triển khai thi công đúc dầm I33 của nhà thầu không đáp ứng theo yêu cầu, nhà thầu thi công không có giải pháp khắc phục kịp thời đảm bảo tiến độ thi công của hạng mục", Ban QLDA 85 đánh giá.

Đề cập đến hạng mục thi công đường đầu cầu các cầu vượt trực thông phân đoạn Km54+00 - Km92+260, Ban QLDA 85 cho biết, qua kiểm tra tình hình triển khai thi công đến nay hạng mục đường đắp nền đầu cầu mới cơ bản hoàn thành 1/7 cầu (cầu vượt nút giao Du Long); đối với 6 cầu còn lại, khối lượng còn lại rất lớn, các nhà thầu thi công không đảm bảo nguồn vật liệu đắp để triển khai thi công, đặc biệt đối với cầu vượt Km76+754 theo hồ sơ thiết kế có hạng mục tường chắn có cốt, tuy nhiên đến nay nhà thầu vẫn chưa nhập vật liệu thi công về tới chân công trường…

Ban QLDA 85 đề nghị doanh nghiệp dự án với trách nhiệm chủ đầu tư cần nghiêm túc xem xét, có giải pháp bổ sung các nhà thầu thi công có năng lực, đầy đủ nhân lực và máy móc thiết bị để thi công một phần khối lượng các hạng mục đang chậm tiến độ,

Sẽ báo cáo Bộ GTVT phương án xử phạt nếu dự án tiếp tục chậm

Ban QLDA 85 đánh giá với tiến độ triển khai thi công như hiện tại, các hạng mục trên khó có thể hoàn thành trước ngày 30/12/2023, không đáp ứng tiến độ quy định tại khoản 16.2, Điều 16 của Hợp đồng dự án số 316/HĐ.BOT BGTVT, Phụ lục hợp đồng số 03/PLHĐ.BOT-BGTVT: "thời gian hoàn thành các hạng mục đường và cầu đảm bảo thông xe trước ngày 30/12/2023...".

Theo Ban QLDA 85, hiện nay, thời gian thực hiện dự án đối với các hạng mục đường và cầu không còn nhiều, căn cứ theo quy định tại khoản 49.2, Điều 49 của hợp đồng dự án, để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án, Ban QLDA 85 đề nghị các thành viên liên danh nhà đầu tư cần sát sao trong việc kiểm tra thực hiện, có giải pháp hỗ trợ các nhà thầu thi công trong công tác huy động, bổ sung máy móc, thiết bị và nhân lực trong quá trình triển khai thi công dự án; chỉ đạo các nhà thầu chuẩn bị tốt về mọi mặt phục vụ thực hiện thi công 3 ca, 4 kíp trong ngày để tận dụng tối đa thời gian thi công có thể.

Doanh nghiệp dự án với trách nhiệm chủ đầu tư cần nghiêm túc xem xét, có giải pháp bổ sung các nhà thầu thi công có năng lực, đầy đủ nhân lực và máy móc thiết bị để thi công một phần khối lượng các hạng mục đang chậm tiến độ, đặc biệt là phương án sử dụng các nhà thầu đang tham gia thực hiện dự án (thi công đoạn Km92 - Km134 đáp ứng tiến độ) để thi công.

Theo Ban QLDA 85, các hạng mục đang chậm tiến độ nhiều gồm: Đào đá nền đường phân đoạn Km56 - Km62 thuộc gói thầu CLVH-XL01; thi công bê tông nhựa mặt đường; hạng mục cầu vượt đường sắt và QL1 thuộc gói thầu CLVH-XL03A; đường đầu cầu các cầu vượt trực thông phân đoạn Km54+00 - Km92+260 thuộc các gói thầu CLVH-XL03A và CLVH - XL03B; các hạng mục thi công hệ thống ATGT thuộc gói thầu CLVH-XL01 và CLVH-XL02 hiện do nhà thầu là Công ty Cổ phần Tổng công ty Đầu tư Xây dựng 194 thực hiện.

Ban QLDA 85 đề nghị nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chỉ đạo các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công lập tiến độ thi công chi tiết hàng ngày (đến hết ngày 30/12/2023) kèm theo các giải pháp thi công chi tiết, cụ thể và số lượng máy móc thiết bị, mũi thi công đối với từng hạng mục đối với khối lượng các hạng mục còn lại của dự án, để có cơ sở theo dõi và đánh giá tình hình triển khai thi công trong tiếp theo.

"Trong thời gian tới, Ban QLDA 85 sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá công tác triển khai thi công của dự án, trong trường hợp không có các chuyển biến và giải pháp khắc phục cụ thể trên hiện trường trước ngày 20/12/2023, Ban QLDA 85 sẽ tổng hợp và báo cáo Bộ GTVT đánh giá nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về việc không thể hoàn thành dự án đáp ứng tiến độ 30/12/2023 đối với các hạng mục đường và đề xuất Bộ GTVT phương án xử phạt doanh nghiệp dự án theo quy định tại khoản 49.2, Điều 49 và khoản 17.5, Điều 17 của hợp đồng dự án", Ban QLDA 85 nêu rõ.

Dự án đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thực hiện theo hình thức PPP, dài 78,5km. Dự án có tổng vốn đầu tư 8.925,48 tỷ đồng, gồm: Vốn VGF (vốn hỗ trợ của Nhà nước) trúng thầu 5.139 tỷ đồng; vốn BOT 3.786 tỷ đồng. Dự án khởi công tháng 9/2021, kế hoạch hoàn thành tháng 3/2024, nhà đầu tư dự án là liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đèo Cả - Công ty CP Tổng công ty Đầu tư Xây dựng 194.

Đình Quang

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/nha-dau-tu-194-lam-cham-cao-toc-cam-lam-vinh-hao-nguy-co-bi-xu-phat-nang-18323121321184286.htm