Nhà báo Thái Duy: Tấm gương sáng ngời 'Sống và viết'

Chiều 09/8, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức lễ ra mắt phim tài liệu, trưng bày chuyên đề và Tọa đàm 'Thái Duy - Sống và viết' về Nhà báo Thái Duy, một tên tuổi lão thành cách mạng với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Toàn cảnh buổi lễ, nhà báo Thái Duy ngồi đầu phía bên trái.

Đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2023), Quốc khánh 02/9, hướng tới 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Hội đồng duyệt bộ phim “Thái Duy - sống và viết” cùng các đại biểu, khách mời và con cháu nhà báo Thái Duy xem phim.

Bộ phim tài liệu “Thái Duy - sống và viết”, do Bảo tàng Báo chí Việt Nam sản xuất, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại là tác giả kịch bản và đạo diễn. Phim có thời lượng 30 phút, với nhiều tư liệu, hình ảnh, câu chuyện về một nhà báo đi qua các cuộc kháng chiến và có nhiều cống hiến tâm huyết cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhà báo Thái Duy tên thật là Trần Duy Tấn, sinh năm 1926, tại tỉnh Bắc Giang. Năm 1949, ông bắt đầu làm Báo Cứu Quốc. Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng được sáp nhập vào Báo Đại Đoàn Kết và ra số đầu tiên ngày 05/02/1977. Ông là cây bút chủ lực của Báo Đại Đoàn Kết, đến năm 1995 thì nghỉ hưu.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Chủ tịch Hội đồng duyệt bộ phim “Thái Duy - sống và viết” phát biểu.

Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi, Chủ tịch Hội đồng duyệt bộ phim “Thái Duy - sống và viết” nhấn mạnh: "Sự có mặt của nhà báo Thái Duy trong buổi ra mắt phim và tọa đàm hôm nay là niềm hạnh phúc của những người làm báo hiện tại. Nhà báo Thái Duy - người đã làm nên sự nghiệp báo chí rất vẻ vang. Ngay từ lúc duyệt tác phẩm điện ảnh này đã gây cho chúng tôi niềm xúc động sâu sắc"…

Tọa đàm về nhà báo Thái Duy diễn ra sôi nổi, xúc động với những ý kiến tâm huyết từ nhiều đồng nghiệp, đồng chí cùng thời như các nhà báo Hà Đăng (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân), Kim Toàn, Nguyễn Hồ; luật sư Trương Trọng Nghĩa...

Đông đảo các độc giả, khách mời và các nhà báo tham dự buổi lễ.

Một số đại biểu cũng khẳng định nói đến Thái Duy, chắc chắn không thể không bàn về loạt bài đã được tập hợp thành cuốn sách “Khoán chui hay là chết” (Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2013”. Và cả cuốn sách “Sống như Anh” (viết về cuộc đời Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi qua lời kể của chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi) do ông viết với bút danh Trần Đình Vân cũng xứng đáng là một tác phẩm để đời với ảnh hưởng vô cùng sâu rộng trong nước và vang danh quốc tế.

Đối với các nhà báo thế hệ sau, ấn tượng về nhà báo Thái Duy là một cây bút xuất sắc, là bậc cha chú đáng ngưỡng mộ và noi theo trong cả sự nghiệp báo chí và cuộc sống thường ngày. Gần một thế kỷ tuổi đời, 75 năm tuổi nghề, di sản của nhà báo Thái Duy quả thực hiếm có và là niềm tự hào của không chỉ gia đình, quê hương mà còn của tất cả những người làm báo có cơ hội biết đến ông.

Đánh giá về nhà báo Thái Duy được nhà báo Hữu Thọ viết trên Báo Nhân Dân số ra ngày 22/4/2013: “…Các bạn đồng nghiệp cùng chung lưng đấu cật trong cuộc đấu tranh này như Thái Duy, Lê Điền ở Báo Đại Đoàn Kết, Hồng Giao ở Tạp chí Học tập, Đình Cao ở Thông tấn xã, Đắc Hữu ở báo Hà Sơn Bình... và những đồng chí hết lòng ủng hộ sự nghiệp đổi mới nông nghiệp, ủng hộ nhà báo như các anh Nguyễn Khánh, Minh Chương, Trần Đức Nguyên ở Văn phòng Trung ương... trong đó theo tôi thì nhà báo hăng hái xông pha trận mạc, viết nhiều nhất trong số chúng tôi chính là Thái Duy”.

Tờ báo Nhân Dân đăng bài nêu trên cũng là một trong số 38 hiện vật, tư liệu gắn với cuộc đời nhà báo Thái Duy được Bảo tàng Báo chí Việt Nam chọn lọc cho trưng bày chuyên đề cùng các bản thảo đánh máy, một số bài viết trên báo (Cứu Quốc, Giải Phóng, Đại Đoàn Kết)…

Trưng bày hình ảnh và các tài liệu về nhà báo Thái Duy.

Dịp này, Bảo tàng trưng bày 45 hiện vật, tư liệu gắn với sự nghiệp báo chí của Nhà báo Thái Duy, gồm 3 backdrop, 17 vách kể về con đường nhà báo Thái Duy đến với báo chí cách mạng Việt Nam và cống hiến cho các báo Cứu Quốc, Giải Phóng, Đại Đoàn Kết qua các thời kỳ; hai lần vào miền Nam chiến đấu để lại dấu ấn sâu sắc qua các tác phẩm: "Sống như Anh", "Những đồng đội của Nguyễn Văn Trỗi"...; các cuốn sách, bài viết thể hiện tinh thần đổi mới, chống tham nhũng, tiêu cực...; một số hình ảnh, bài viết nổi bật của nhà báo, gắn với quá trình hoạt động báo chí.

Nhà báo Thái Duy và con cháu chụp ảnh kỷ niệm tại buổi lễ ra mắt phim.

Khu trưng bày còn có 7 tủ giới thiệu các tài liệu, hiện vật, gồm: Bản thảo đánh máy, một số bài viết trên Báo Cứu Quốc, Giải Phóng, Đại Đoàn Kết; sách "Sống như Anh", "Khoán chui hay là chết"; thư các tử tù gửi nhà báo Thái Duy; đồ dùng trong quá trình công tác của nhà báo Thái Duy.../.

Trần Tuyến

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/nha-bao-thai-duy-tam-guong-sang-ngoi-song-va-viet-post54728.html