Nhà báo Phạm Phú Bằng: Trở về nhà, chỉ thèm một cái quàng tay của mẹ

Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng vừa ra đi ở tuổi 95. Tuổi này, cái dốc này ít người chạm đến. Chú đi về phía chân trời khác. Lãng đãng ở thế giới bên này, tôi chợt nhớ chuyện kể của nhà báo Phạm Phú Bằng, những lát cắt của thời đã qua.

Một lần tôi bất chợt hỏi: “Chú có hạnh phúc không? Sao chú cứ đi núi suốt thế?”, “Chú nhớ gì nhất, khi chết đi, rồi tỉnh lại trong cái bãi xác lính Mỹ chết như rạ ở chiến trường?”.

“Một lần tỉnh lại sau bom đạn, tôi chỉ nhớ cái quàng tay của mẹ, ôm tôi. Nhà tôi đông con, các chị giành hết mẹ của tôi. Hiếm lắm mới được mẹ vẫy tay quàng một cái, bà ôm tôi vào lòng, rồi thả ra ngay. Vì các chị cũng đòi mẹ bế, tôi nhường lại mẹ cho chị. Hạnh phúc của người lính ra trận là: Nhớ mẹ. Hồi bé tôi ước được ngủ với mẹ một tối mà hiếm lắm. Phải nhường cho các chị thôi. Cái quàng tay của mẹ là tôi nhớ nhất, hạnh phúc nhất”.

Nhà báo Phạm Phú Bằng và không gian làm việc bốn bề là các tài liệu tiếng Anh, Pháp, Trung... Ảnh: NGỌC MAI

Chú Bằng lại cười: “Hồi tôi còn nhỏ, mẹ tôi từng nấu ăn cho Triều đình Huế. Tôi lõm bõm nhớ có lần mẹ dúi cho tôi một cái bánh bột lọc, ngon lắm, vì cái vị của nhân có con tôm, có cả vị của trứng tôm thì phải, bùi, ngọt… hay một miếng ăn lót dạ sáng sớm, vị còn ở trong lưỡi chưa tan cho đến tận giờ”.

Một lần khác, chú rất bận, đương đi tìm chỗ trọ cho một nữ lữ khách người nước ngoài, vì bị kẻ cắp móc túi, mất ví gồm tiền bạc giấy tờ, hộ chiếu. Chú Bằng lặng lẽ cho lữ khách đó tiền thuê trọ, tiền ăn ở. Cả tháng sau nữa, chú cố gắng giúp cô phiên dịch, để cô gái nọ xin được cấp lại hộ chiếu. Trước khi về nước, cô ấy đã học được ba từ và gọi lên: “Ân nhân ơi!”.

Một lần khác, gặp chú ở phố bờ sông, túi ngực căng phồng tiền lẻ. Chú đi vào những nhà trọ tồi tàn dành cho những người chạy chợ, khuân vác thuê ở chợ Long Biên. Ai đó lỡ bữa ăn, chú rút tiền lẻ tặng họ để mua bánh mì và mua khăn mặt. Khăn mặt với thợ bốc vác cần lắm, để đội đầu và để lau mồ hôi, với đàn bà còn để lau nước mắt, khi tức quá, tủi hờn quá thì khóc.

Ở nhà chú đọc suốt ngày, có thời gian còn đi kể chuyện thuê. Tiền làm thêm, dịch sách báo, kể chuyện thuê, chú dùng để mua đồ dùng gia đình, giấy bút, sách vở rồi gửi lên giúp cho bà con vùng cao. Khi cần còn lên Tân Lạc - Hòa Bình, lên vùng Hà Giang, Lai Châu đang thiếu nước, mua đường ống hay vòi nước, chum vại, kim chỉ, áo quần cho trẻ nghèo. Nhà nào thiếu gạo thì vào chợ mua bao tải ngô hay gạo để vào bếp cho họ, nhất là tháng ba ngày tám, giáp hạt.

Tôi ngồi nghe chú kể, chạnh nghĩ đó là thứ hạnh phúc mà không gì mua được của người lính thời bình. Một người lính như chú dành cả thời gian còn lại sau khi nghỉ hưu để giúp người cùng khổ nơi núi cao, chẳng cần ai biết tới, nghĩ tới. Một người lính từng sống sót trở về sau Tết Mậu Thân 1968 - chú Phạm Phú Bằng.

Năm 1981, tôi đi Cà Mau về, gửi chú bài “Mũi đất cuối cùng” để đăng ở Báo Quân đội nhân dân. Chú ký “pb” chữ thường, cho đánh máy, in. Vậy mà, chồng tôi, nhà văn Triệu Bôn bảo: “Hằng nhà em viết, câu chữ như cóc nhảy trời mưa, anh xem có phải biên tập nhiều không?”. Chú Bằng cười ngất, không nói gì. Nhà tôi, hồi trước khi gặp chú vẫn chào là “anh Bằng”, còn tôi chào là “chú Bằng”. Lần nào cũng vui như Tết, chuyện nghề báo, nghề văn.

Năm 1993, anh Triệu Bôn đi cái xe đạp, nan hoa to như chiếc đũa ăn cơm, đến gặp chú Phú Bằng. Anh nói: “Em đến mời anh cộng tác cùng làm cuốn sách về du lịch Việt Nam, cùng với anh Vũ Thế Bình, anh Lê Nhiệm bên Trung tâm Công nghệ Thông tin…”. Mừng thay chú đồng ý. Chú đã góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới. Chú là người thông thạo 4 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung.

Nhớ lần khi tôi viết về chân dung chú Phạm Phú Bằng, chú đọc sách tôi viết, nói: “Có một người bạn biết chia sẻ, chân thành, thấu hiểu, tôi có quyền tự hào lắm chứ, dù hai từ “tự hào” có vẻ sến, nhưng tôi chưa nghĩ ra từ gì hay hơn, lúc này”. Rồi chú cười.

Giáp Tết vừa rồi, chú còn chào tôi bằng tiếng Anh, tiếng Trung, rồi ngơ ngác. Tôi chào chú: “Cháu Hằng - Triệu Bôn đây chú”. “Hằng - Triệu Bôn”, chú nói rồi hồ hởi giơ tay bắt tay.

Chú đi nhé! Chú Bằng! Chú đã mất vào một sáng tháng Ba. Mấy đêm rồi Hà Nội mưa, trời Hà Nội đổ nồm, ướt át và ảm đạm. Chú đã sống một cuộc đời trong chiến tranh và trong hòa bình thật đẹp, trong lòng một người viết như cháu đây, thật ngưỡng mộ chú. Chú Phạm Phú Bằng, một người tận hiến những giá trị thiện lành tốt đẹp cho cuộc đời này, cả trong năm tháng chiến tranh và trong thời gian hòa bình.

Nhà thơ HOÀNG VIỆT HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/nha-bao-pham-phu-bang-tro-ve-nha-chi-them-mot-cai-quang-tay-cua-me-769340